Khánh Hòa cần phát triển các hoạt động văn hóa tín ngưỡng đặc trưng để thu hút khách du lịch
Sáng 13-12, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa tổ chức Diễn đàn tri thức tỉnh Khánh Hòa lần thứ 2 với chủ đề 'Những giá trị văn hóa cốt lõi để phát triển du lịch Khánh Hòa trong tình hình mới'.
Ông Cung Quỳnh Anh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, phát biểu tại diễn đàn: “Văn hóa tạo ra sức hấp dẫn cho du lịch, do đó nhiều nơi đã tìm cách tôn tạo và phát huy các nguồn tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể, đồng thời xem đó như là những tài sản, công cụ đặc biệt để nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch. Văn hóa tạo ra sức hấp dẫn cho du lịch và đã trở thành một phần không thể thiếu để tạo ra những kỳ nghỉ du lịch trọn vẹn”.
Điểm nổi bật của văn hóa Khánh Hòa là lễ hội truyền thống, phản ánh lao động, tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Xuân về tết đến, chốn cửa đình hô Bài Chòi cầu may, diễn tích truyện dân gian, tế Thành Hoàng làng Hát Bộ, hát văn bóng, múa lục cúng hoa đăng. Ngư nghiệp tế ông Nam Hải cầu ngư có hò Bá Trạo, Hát Bộ, hát văn, múa lục cung… thu về vãn mùa cá tế lăng tạ ơn Ông. Thêm vào đó, Khánh Hòa mang nét đặc trưng của văn hóa Kinh – Chăm có tiếng hát chầu văn hầu đồng tại Núi Chúa, chùa Suối Đổ, Tháp Bà.
Theo Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Tứ Hải, biển vẫn là nguồn cảm hứng, động lực để Khánh Hòa giàu về kinh tế, mạnh về văn hóa.
“Môi trường không gian biển Khánh Hòa đẹp vô cùng, rộng dài nhất nước, có lễ hội Cầu Ngư ăn sâu vào đời sống xã hội, đậm bản sắc văn hóa vùng dân cư, đã làm nên Festival biển độc đáo duy nhất ở Việt Nam. Nơi đây đang lưu giữ lễ hội Cầu Ngư, lễ hội Tháp Bà di sản văn hóa cấp quốc gia; Hát văn hầu đồng múa bóng, hô Bài Chòi di sản văn hóa đại diện của nhân loại; Văn hóa biển là sự thu nhỏ của văn hóa Khánh Hòa.”, ông Hải cho biết.
Theo thống kê của Sở văn hóa và Thể thao, tính đến nay Khánh Hòa có 16 di tích quốc gia và 182 di tích cấp tỉnh; 494 di sản lễ hội lớn, nhỏ của người Kinh. Trong đó, lễ hội đình làng có 237; lễ hội miếu, lăng là 121; lễ hội chùa là 13; ngoài ra còn các lễ hội truyền thống của người dân tộc thiểu số.
Bà Công Huyền Tôn Nữ Ý Uyên, đại diện Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, cho rằng Khánh Hòa may mắn được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ và nền văn hóa lâu đời, đa dạng. Nổi bật trong bức tranh văn hóa ấy là các di sản văn hóa phi vật thể, góp phần tạo nên bản sắc độc đáo.
Di sản văn hóa phi vật thể đóng vai trò không thể phủ nhận trong sự phát triển toàn diện của tỉnh Khánh Hòa, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội, văn hóa và du lịch. Có thể kể đến là vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương, góp phần tăng cường lòng tự hào và nhận thức văn hóa trong cộng đồng.
Sự phát triển của ngành du lịch văn hóa sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho nguồn nhân lực tại địa phương; giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử, văn hóa và truyền thống của dân tộc; giúp mở rộng giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng, tạo ra sự hiểu biết và tôn trọng đa dạng văn hóa;…
“Có thể thấy di sản văn hóa phi vật thể đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa và du lịch của tỉnh Khánh Hòa. Do đó, cần có những chính sách và giải pháp để bảo tồn, phát huy và quảng bá di sản văn hóa phi vật thể, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững và nâng cao đời sống cho người dân địa phương”, bà Bà Công Huyền Tôn Nữ Ý Uyên chia sẻ.