Khánh Hòa: Chăm lo, phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số
Tỉnh Khánh Hòa có hơn 72 nghìn người là đồng bào DTTS (gồm 35 dân tộc thiểu số như: Raglai, Ê-đê, Cơ-Ho, Hoa, Tày, Nùng, Mường, Thái, Chăm, Khmer, Thổ...), chiếm 5,8% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, ngoài các chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện tốt chế độ trợ cấp kinh phí cho con em đồng bào dân tộc từ bậc học mầm non đến đại học.
Các em học sinh dọn vệ sinh khu nội trú vừa xây mới của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Cam Ranh
Để triển khai chính sách hỗ trợ kinh phí cho con em đồng bào dân tộc đi học Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND Qui định chi tiết một số mức hỗ trợ tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 529 trường mầm non, phổ thông và các trung tâm (204 trường mầm non, 166 trường tiểu học, 121 trường THCS, 34 trường THPT và 4 trung tâm); hơn 290.000 học sinh (HS) và hơn 22.100 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo. Số phòng học thông thường hiện có 8.402 phòng, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu học tập của HS các cấp học. Đa số các trường học trong tỉnh đều có phòng học bộ môn theo quy định; 100% trường học có nhà vệ sinh giáo viên và HS. Tỉ lệ phòng học được kiên cố hóa ở mầm non đạt 94,5%; tiểu học 99,3%; THCS 95,6% và THPT 100%.
Nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường khả năng sẵn sàng cho trẻ mầm non người DTTS đến trường tiểu học; nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông vùng DTTS; góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết và văn hóa của đồng bào các DTTS. Năm học 2022-2023, các trường mầm non (Cam Thịnh Tây, Cam Phước Đông, Cam Phúc Nam, Cam Nghĩa, 2-4, Cam Thành Nam) trên địa bàn thành phố Cam Ranh có 329 trẻ người DTTS được tăng cường tiếng Việt dựa trên tiếng mẹ đẻ và văn hóa địa phương do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Đa số trẻ nắm được kiến thức, kỹ năng, mạnh dạn, tự tin hơn và khả năng nói tiếng Việt, hát, đọc thơ rõ ràng hơn; thường xuyên sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong các hoạt động cũng như trong giao tiếp hàng ngày.
Năm học 2023-2024, các huyện: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Diên Khánh, thành phố Cam Ranh và thị xã Ninh Hòa tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc tổ chức dạy tăng cường tiếng Việt (theo các tài liệu đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định và phê duyệt) cho trẻ DTTS chuẩn bị vào lớp 1 trong hè và cho HS tiểu học trong năm học; duy trì việc bồi dưỡng năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên về việc tăng cường tiếng Việt; xây dựng thói quen đọc sách cho HS thông qua các hoạt động thư viện; tổ chức các hoạt động giáo dục ở trong và ngoài nhà trường… Cùng với đó, nhằm tạo sân chơi bổ ích cho học sinh DTTS giao lưu, học hỏi, mở rộng môi trường giao tiếp tiếng Việt, tạo động lực thúc đẩy việc tăng cường giảng dạy tiếng Việt cho HS vùng DTTS, ngày 27/4/2023, tại Trường Tiểu học Lộc Thọ (TP. Nha Trang), Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cấp tỉnh dành cho HS tiểu học người DTTS năm học 2022 - 2023, với sự tham gia của 6 đội đến từ 6 phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thị xã, thành phố: Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Ninh Hòa, Cam Ranh, với 60 học sinh DTTS từ lớp 3 đến lớp 5, đại diện cho hơn 9.000 học sinh DTTS trong toàn tỉnh. Từ đó, tạo điều kiện tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, phát triển các kỹ năng môn Tiếng Việt, học được nhiều điều hay, có thêm nhiều bạn mới cho các em HS. Đây là hoạt động được tổ chức 2 năm/lần ở cấp huyện và 4 năm/lần ở cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt là cơ sở vật chất phục vụ việc giảng dậy và học tập cho các trường mầm non, tiểu học, THCS, phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có HS bán trú ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Để chuẩn bị cho năm học 2023-2024, có 37 trường mầm non, 56 trường tiểu học, 21 trường THCS, 11 trường THPT được đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, trang thiết bị dạy học, ước tính tổng kinh phí thực hiện trong năm 2023 hơn 701 tỷ đồng.
Trường Mầm non Anh Đào (xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn) nhờ nguồn kinh phí đầu tư 24 tỷ đồng, thay vì 3 điểm trường rải rác, trường đã nhập lại 1 điểm trường tại thôn A Pa 1. Giờ đây trường đã có nhiều đổi khác, đủ chỗ học cho gần 300 HS người Raglai. Dự kiến trong tháng 10, ngôi trường mới sẽ chính thức hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Tại điểm trường Tà Giang 2: Trường Tiểu học và THCS Thành Sơn (xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn) vừa được xây lại với kinh phí hơn 5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện. Giờ đây trường đã có 5 phòng học, 1 phòng thiết bị; bàn ghế, bảng viết mới; hệ thống nước sạch cũng đã hoàn thành lắp đặt. Đồng thời, điểm trường thôn Tà Giang 2 vừa xây mới 4 phòng bộ môn, nâng cấp khu nội trú, nhà ăn, bếp, công trình vệ sinh, nước sạch và một số công trình phụ trợ khác, với hơn 14 tỷ đồng đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến 2025 (gọi tắt là Chương trình). Đây là mức đầu tư nâng cấp lớn nhất kể từ khi thành lập trường đến nay. Trường có 1 điểm chính và 3 điểm phụ với tổng cộng 625 HS người Raglai. Năm học 2023-2024, trường có 240 HS (100% là người Raglai) thuộc các xã: Cam Thịnh Tây; Cam Phước Đông - huyện Cam Ranh và Sơn Tân - huyện Cam Lâm). Từ năm học 2023 - 2024, tất cả 108 HS ở điểm trường Tà Giang 2 sẽ được học 2 buổi/ngày; các em từ lớp 3 trở lên được học môn Tiếng Anh, Tin học theo chương trình mới…
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Cam Ranh (xã Cam Thịnh Tây, thành phố Cam Ranh) cũng đã có cổng mới, màu sơn mới, khu phòng học bộ môn, nhà ăn riêng, sân sau được đổ bê tông... Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú được đặc biệt quan tâm. Hiện nay, trong các dự án đầu tư từ Chương trình cho các trường dân tộc nội trú có 3 dự án (Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Khánh Vĩnh, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Cam Ranh, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh) đang triển khai với tổng mức đầu tư hơn 34,2 tỷ đồng. Ngoài các chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, tỉnh còn có chính sách hỗ trợ thêm cho HS, sinh viên (SV) đồng bào DTTS và giáo viên dạy HS người DTTS.
Công tác giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề của HS, SV người DTTS ở các huyện miền núi cũng ngày càng được quan tâm đúng mức và có sự thay đổi đáng kể so với trước đây, góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ về chuyên môn kỹ thuật thuộc các ngành nghề khác nhau. Nếu như trước đây, đa số lựa chọn ngành sư phạm thì năm học 2022-2023, chỉ còn 67 em (chiếm 14,7%) theo học ngành này. Ngược lại, số SV theo học các ngành kỹ thuật tăng cao với 283 em (chiếm tới 62,1%); còn lại là các ngành y dược, du lịch, kinh tế, luật, hành chính… Nhiều HS, SV đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên trong học tập, rèn luyện để đạt kết quả học tập tốt.
Năm 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện chế độ cho học sinh, sinh viên DTTS của tỉnh với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ theo Nghị quyết số 02/2015 của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 17/2012 về một số chế độ học bổng và khen thưởng HS, SV hơn 1,4 tỷ đồng; thực hiện chế độ học bổng, sinh hoạt phí, học phí cho SV đi học tại các trường đại học theo chế độ cử tuyển hơn 100 triệu đồng. Nguồn kinh phí được hỗ trợ kịp thời, đầy đủ đã tạo điều kiện thuận lợi để các HS, SV yên tâm học tập.
Cùng với sự lãnh đao, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, MTTQ đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp, sự hỗ trợ các nguồn lực... nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Song song với đó, nhiều chính sách được triển khai đồng bộ thì đến nay, hầu hết các thôn, buôn, làng, xã ở các huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa đều có nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, THCS. Đa số trường học tại vùng đồng bào DTTS và miền núi không còn tranh tre nứa lá, không còn tình trạng học 3 ca mà đều được xây dựng kiên cố, bán kiên cố, số trường tiểu học tổ chức học 2 buổi/ngày tăng lên. Việc tổ chức bán trú; tổ chức tăng cường dạy tiếng Việt trong năm học và trong hè; triển khai đề án Sữa học đường, trẻ em mầm non, tiểu học 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn được uống sữa miễn phí… cũng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và thu hút HS đến lớp. Việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên ngày càng chú trọng đến các nội dung mang tính đặc thù của vùng đồng bào DTTS. Có thể nói, sự chung tay của các cấp, ngành, MTTQ, tổ chức, đoàn thể… đã góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các cấp học, ngành học. Cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học tiếp tục đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS.