Khánh Hòa có thể trở thành thủ phủ năng lượng sạch nhờ điện hạt nhân
Điện hạt nhân được các chuyên gia đánh giá sẽ tạo nền tảng vững chắc để Khánh Hòa hướng tới mục tiêu trở thành thủ phủ năng lượng sạch của Việt Nam.
Tiên phong, tạo ra hình mẫu phát triển mới
Khát vọng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 7 của cả nước và đạt mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2025 - 2030 đang mở ra một chương mới cho Khánh Hòa. Tại hội thảo “Khánh Hòa - Hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương - Đột phá trong kỷ nguyên mới”, những hiến kế chiến lược đến từ nhà quản lý, các chuyên gia đầu ngành, doanh nghiệp đã gợi mở một bức tranh phát triển đầy kỳ vọng nhưng cũng không ít thách thức mà tỉnh này phải đối mặt.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Duy Minh
PGS.TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng đánh giá, Khánh Hòa đang có khí thế mới, động lực mới để hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững. Theo ông, mục tiêu tăng trưởng hai con số không chỉ là một cuộc “biểu diễn” ngắn hạn mà phải hướng đến tầm nhìn dài hơi, có khả năng duy trì sự ổn định trong một chu kỳ dài. Trên thế giới, rất hiếm quốc gia có thể giữ mức tăng trưởng cao liên tục trong 10 - 20 năm. Vì vậy, với Khánh Hòa, đây là một mục tiêu phi thường đòi hỏi những cách làm cũng phải khác thường.
Lợi thế mới sau sáp nhập với Ninh Thuận đang mở ra không gian phát triển rộng lớn hơn. PGS.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh, lợi thế này không đơn thuần là “ghép cơ học” mà là sự cộng hưởng giữa các yếu tố về địa lý, kinh tế và văn hóa, nếu được khai thác đúng sẽ trở thành sức mạnh đột phá. Tỉnh cần nhanh chóng tích hợp lại các điều kiện phát triển, tái lập quy hoạch với những ưu tiên chiến lược, tránh dàn trải nguồn lực.
“Khánh Hòa cần đi tiên phong, tạo ra hình mẫu phát triển mới, trong đó trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tận dụng triệt để trí tuệ sáng tạo. Khi con người sáng tạo kết hợp cùng trí tuệ nhân tạo, đó sẽ là lực đẩy lớn cho phát triển”, ông nói.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Duy Minh
Về góc nhìn văn hóa, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam, nhấn mạnh rằng Khánh Hòa sở hữu một hệ sinh thái văn hóa phong phú với 1.089 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, hơn 1.500 di sản phi vật thể và những lễ hội đặc sắc gắn với biển đảo. Quá trình cải cách hành chính nếu không có tư duy tích hợp sẽ dễ vô tình đẩy văn hóa ra ngoài quỹ đạo phát triển đô thị mới.
“Nếu được thiết kế theo hướng thể chế văn hóa mềm, có sự tham gia của cộng đồng và các chủ thể sáng tạo, Khánh Hòa hoàn toàn có thể biến cải cách hành chính thành cơ hội kiến tạo một đô thị văn hóa sáng tạo và giàu bản sắc”, bà nhấn mạnh.
Ở góc độ chính sách, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, cho rằng, Khánh Hòa đang có nhiều cơ chế linh hoạt theo Nghị quyết 198 và Nghị quyết thí điểm của Quốc hội. Địa phương hoàn toàn có thể chủ động tháo gỡ các vướng mắc, nhất là với các dự án chậm tiến độ, thông qua việc rà soát cụ thể những điểm nghẽn nằm trong thẩm quyền để xử lý kịp thời. Theo ông, thời gian chính là cơ hội, nếu chậm trễ, cơ hội phát triển sẽ bị bỏ lỡ.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội phát biểu. Ảnh: Duy Minh
Nhìn tổng thể, Khánh Hòa có lợi thế chiến lược về vị trí địa lý, với Nha Trang là trung tâm kết nối tam giác Bắc Trung Bộ - Tây Nguyên - Đông Nam Bộ, đóng vai trò cửa ngõ giao thương quốc tế nhờ hệ thống cảng biển, sân bay và hành lang kinh tế ven biển trọng điểm. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa khát vọng tăng trưởng hai con số đòi hỏi một tầm nhìn quy hoạch linh hoạt, tận dụng triệt để thời cơ và kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn văn hóa, những yếu tố tạo nên bản sắc của vùng đất này.
Hai mũi nhọn tạo sức bật phát triển bền vững
Nếu khát vọng tăng trưởng hai con số được coi là đích đến, thì điện hạt nhân và logistics chính là hai “cỗ máy kéo” quan trọng để Khánh Hòa hiện thực hóa mục tiêu này.
Theo TS. Hoàng Sỹ Thân, Viện Năng lượng nguyên tử, điện hạt nhân đóng vai trò then chốt trong đảm bảo an ninh năng lượng, nhất là khi Khánh Hòa định hướng trở thành thủ phủ năng lượng sạch của Việt Nam. Điện hạt nhân cung cấp nguồn năng lượng ổn định, hiệu suất cao và ít phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, đáp ứng nhu cầu điện cho công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao.
Không chỉ dừng ở vai trò cung cấp năng lượng, một dự án điện hạt nhân còn tạo ra cú hích mạnh mẽ cho kinh tế - xã hội. Hàng nghìn việc làm trực tiếp và gián tiếp sẽ được tạo ra trong suốt quá trình xây dựng và vận hành, kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ, cơ sở hạ tầng giao thông, viễn thông. TS. Thân dẫn chứng, tại thời điểm thi công cao điểm, một dự án điện hạt nhân có thể thu hút khoảng 3.000 - 5.000 lao động trực tiếp và 8.000 - 12.000 lao động gián tiếp mỗi năm, trong đó lao động địa phương có thể chiếm tới 40 - 60% nếu có kế hoạch đào tạo sớm.

TS. Hoàng Sỹ Thân, Viện Năng lượng nguyên tử phát biểu. Ảnh: Duy Minh
Ngoài ra, điện hạt nhân còn nâng cao năng lực sản xuất chế tạo thiết bị, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương qua thuế, phí và dịch vụ, đồng thời góp phần giảm phát thải carbon, phù hợp với mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Tuy nhiên, để tận dụng được lợi thế này, Khánh Hòa phải chuẩn bị kỹ lưỡng từ quy hoạch đất đai, giải phóng mặt bằng đến đào tạo nhân lực chất lượng cao và làm tốt công tác truyền thông để tạo đồng thuận xã hội.
Song song với năng lượng, logistics được xác định là một động lực phát triển chính của Khánh Hòa. TS. Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), nhấn mạnh, với hơn 385 km bờ biển và hệ thống cảng biển tự nhiên, Khánh Hòa có đầy đủ điều kiện để trở thành trung tâm logistics hàng đầu cả nước. Đặc biệt, Cảng Cam Ranh với độ sâu tự nhiên từ -22 đến -30m có khả năng tiếp nhận tàu quốc tế trọng tải lớn tới 70.000 DWT, hiện đã đạt sản lượng 3 triệu tấn hàng hóa thông qua mỗi năm và được dự báo có thể tăng lên 8 - 10 triệu tấn/năm vào năm 2030 khi các dự án hạ tầng hoàn thiện.
VIMC cam kết đồng hành cùng Khánh Hòa trong hành trình này bằng việc nâng cấp Cảng Cam Ranh thành cảng xanh, thông minh, áp dụng năng lượng sạch, trí tuệ nhân tạo, IoT và Big Data để tối ưu hóa vận hành. Theo tính toán, mô hình logistics đa phương thức kết nối cảng biển với đường bộ, đường sắt và hàng không có thể giúp giảm chi phí logistics từ mức 12 - 15% hiện nay xuống dưới 10%, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp địa phương và thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư quốc tế.

Hội thảo “Khánh Hòa - Hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương - Đột phá trong kỷ nguyên mới”. Ảnh: Duy Minh
Điện hạt nhân và logistics không chỉ là hai ngành kinh tế mũi nhọn mà còn mang tính chiến lược lâu dài, giúp Khánh Hòa vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa mở rộng không gian kinh tế biển, từng bước trở thành trung tâm phát triển bền vững ở Nam Trung Bộ. Khi hai “động cơ kép” này được vận hành hiệu quả, kết hợp cùng những chính sách linh hoạt và khai thác tốt tiềm năng văn hóa, du lịch, khát vọng tăng trưởng hai con số của Khánh Hòa hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Khánh Hòa, UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì tổ chức, Báo Tiền Phong - Sở Tài chính Khánh Hòa thực hiện, Hội thảo “Khánh Hòa - Hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương - Đột phá trong kỷ nguyên mới” là diễn đàn quan trọng nhằm đánh giá những thành tựu đạt được, nhận diện thách thức và đề xuất các giải pháp mang tính đột phá, hiện thực hóa khát vọng đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, theo định hướng tại Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị.Với gần 30 tham luận, nhiều ý kiến phát biểu sâu sắc của lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia đầu ngành, cộng đồng doanh nghiệp, hội thảo là minh chứng cho quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa hiện thực hóa khát vọng đưa Khánh Hòa thành cực tăng trưởng cao của vùng duyên hải miền Trung và của cả nước.