Khánh Hòa: Công nghiệp tăng trưởng mạnh nhưng chưa cân đối

Báo cáo kinh tế 6 tháng đầu năm của tỉnh Khánh Hòa cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng tới 46,36% (so với cùng kỳ năm trước). Tuy công nghiệp tăng trưởng nhưng tình hình sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn.

GRDP tăng trưởng đứng thứ 2 cả nước

Điểm sáng về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Khánh Hòa là tổng giá trị sản phẩm địa phương (GRDP) ước đạt 31.226 tỷ đồng, tăng 12,73% (so cùng kỳ năm 2023), xếp thứ 2 cả nước và dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Trong đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng cao nhất, ước tăng 46,36%. Một số sản phẩm công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ như: điện sản xuất tăng gấp 7,6 lần (do Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đã đi vào khai thác, vận hành hết công suất). Bên cạnh đó, một số dự án công nghiệp đã hoàn thành và đi vào hoạt động, như: Nhà máy chế biến thủy sản Tâm Như (5.000 tấn/năm); Nhà máy chế biến thủy sản của Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam (12.000 tấn/năm); Nhà máy cơ khí Nắng Ban Mai (3.774 tấn/năm)…

Đặc biệt, du lịch Khánh Hòa đã đón gần 5,2 triệu lượt khách lưu trú, tăng 88% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế ước đạt gần 2,4 triệu lượt khách, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ; khách nội địa ước đạt 2,8 triệu lượt khách, tăng 40% so với cùng kỳ… Doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 26.072 tỷ đồng, tăng 96,82%.

Ngoài ra, 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh ước đạt 62.585,4 tỷ đồng, tăng 15,2%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 17%.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Sanh Đương - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa, cho biết từ đầu năm đến nay, tuy công nghiệp vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao song tình hình sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn về thị trường, do đơn hàng của các đối tác thương mại lớn sụt giảm, nhất là các doanh nghiệp dệt may.

“Một số lĩnh vực công nghiệp giảm như: công nghiệp khai khoáng giảm 28,08%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,98%... Một số sản phẩm công nghiệp giảm như: sợi tự nhiên giảm 9,5%; đường tinh luyện giảm 14,2%; đá xây dựng giảm 29%; nước yến và nước bổ dưỡng khác giảm 33,6%... Một số khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) gặp vướng mắc các thủ tục, thiếu quy hoạch chi tiết dẫn tới gặp khó khăn trong điều chỉnh ngành nghề, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư” - ông Đương chia sẻ.

GRDP ước tăng 12,73%, xếp thứ 2 cả nước. Tuy nhiên vẫn có một số lĩnh vực công nghiệp giảm. (Ảnh minh họa: Internet)

GRDP ước tăng 12,73%, xếp thứ 2 cả nước. Tuy nhiên vẫn có một số lĩnh vực công nghiệp giảm. (Ảnh minh họa: Internet)

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tăng thu hút đầu tư

Mặc dù, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt gần 33.000 tỷ đồng, tăng 10%, tuy nhiên thống kê cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, khu vực có vốn đầu tư từ nước (FDI) đầu tư vào tỉnh Khánh Hòa chỉ gần 4.000 tỉỷ đồng, giảm 34,5%.

Trong tổng vốn đăng ký đầu tư 3,9 tỷ USD của 113 dự án FDI ở Khánh Hòa thì chỉ riêng dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 thuộc Tập đoàn Sumitomo, Nhật Bản có vốn đăng ký 2,5 tỷ USD, chiếm đến 70% tổng vốn đầu tư FDI của cả tỉnh.

Khánh Hòa cũng đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp để tạo đà thu hút đầu tư. (Ảnh tư liệu minh họa)

Khánh Hòa cũng đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp để tạo đà thu hút đầu tư. (Ảnh tư liệu minh họa)

Trước tình hình này, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã và đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng KCN, CCN đang triển khai, như: KCN Ninh Thủy, CCN Trảng É 2, CCN Diên Thọ giai đoạn 2, CCN Ninh Xuân.

Đối với Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Dốc Đá Trắng vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và Dự án KCN Nam Cam Ranh, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành nhanh chóng giải quyết thủ tục đầu tư để sớm khởi công xây dựng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đẩy mạnh thu hút những nhà đầu tư thứ cấp vào các KCN, CCN đã được hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Đến nay, tỷ lệ lấp đầy ở KCN Suối Dầu khoảng 97%; KCN Ninh Thủy khoảng 34,82%; các CCN: Diên Phú, Trảng É 1 đạt 100%; CCN Đắc Lộc khoảng 97%; CCN và chăn nuôi Khatoco - Ninh Ích khoảng 69%; CCN Sông Cầu khoảng 21%…

Và để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, các cơ quan chức năng của tỉnh triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường lớn, khai thác thị trường tiềm năng.

UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, sẽ thành lập các tổ công tác làm việc với các địa phương và chủ đầu tư để kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến xác định giá đất, đền bù giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Các địa phương đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch các phân khu, lựa chọn các nhà đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị để sớm nâng các vùng nông thôn như: Diên Khánh, Cam Lâm, Vạn Ninh lên đô thị.

Đặc biệt, tỉnh Khánh Hòa sẽ triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024; tổ chức đoàn công tác của tỉnh xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc, Đài Loan; chuẩn bị công tác tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư EuroCham - Khánh Hòa năm 2024; triển khai các nội dung đã ký kết, hợp tác trong chuyến thăm và làm việc của đoàn công tác tỉnh tại Hoa Kỳ.

Đồng thời, tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ triển khai hoàn thành các nhiệm vụ để tạo điều kiện thu hút những nhà đầu tư chiến lược nhằm tận dụng tối đa cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã dành cho Khánh Hòa./.

Lạc Nguyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khanh-hoa-cong-nghiep-tang-truong-manh-nhung-chua-can-doi-154591.html