Khánh Hòa - 'đầu tàu' phát triển kinh tế vùng

Bộ Chính trị đã xác định tỉnh Khánh Hòa là trung tâm phát triển của cả vùng duyên hải Nam Trung Bộ, cửa ngõ ra Biển Đông đến thị trường thế giới cho hàng hóa vùng Tây Nguyên. Khánh Hòa đã cùng với các tỉnh trong vùng ký kết chương trình phát triển kinh tế mang tính thực chất, tạo đà thúc đẩy đi lên. Phóng viên báo Biên phòng có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa xung quanh vấn đề này.

Khớp nối rừng và biển

- Tỉnh Khánh Hòa được ví như “đầu tàu” phát triển kinh tế ở khu vực. Vậy nó có ý nghĩa như thế nào trong việc thúc đẩy hợp tác giữa Khánh Hòa với các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên?

Ông Nguyễn Tấn Tuân. Ảnh: Hải Luận

Ông Nguyễn Tấn Tuân. Ảnh: Hải Luận

- Ngày 28/1/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, đặt ra mục tiêu đến năm 2030, xây dựng và phát triển Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển, đảo của Tổ quốc, trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa nhiều mặt của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Khánh Hòa và cả nước.

Với tinh thần trách nhiệm của mình, tỉnh Khánh Hòa đã khẩn trương xây dựng các chương trình liên kết, phối hợp cùng nhau phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn toàn vùng. Cụ thể, đã ký kết chương trình hợp tác giữa Khánh Hòa với Lâm Đồng; Đắk Lắk với Khánh Hòa. Vừa rồi, ba tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Ninh Thuận cùng ký kết chương trình hợp tác; mời thành phố Hồ Chí Minh hợp tác phát triển với các tỉnh Nam Trung Bộ. Năm 2023, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra Khánh Hòa rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ, nhà sản xuất, để cùng doanh nghiệp các tỉnh Nam Trung Bộ bàn bạc, xây dựng hệ thống vùng nguyên liệu, cung ứng sản phẩm cho thành phố Hồ Chí Minh, thị trường lớn nhất nước.

- Khánh Hòa đang có lợi thế phát triển mạnh về du lịch, dịch vụ, thì sẽ có tầm ảnh hưởng ở mức độ nào đối với các tỉnh khác?

- Năm 2023, kinh tế của tỉnh Khánh Hòa có mức tăng trưởng nhanh chóng, đây là năm thứ hai kinh tế tỉnh có mức tăng trưởng hai con số, đang ở vị trí thứ hai cả nước, đứng thứ nhất trong khu vực miền Trung. Cảng biển quốc tế Vân Phong nằm sát quốc lộ 26, trở thành cửa ngõ quan trọng cho hàng hóa các tỉnh Tây Nguyên xuất khẩu đi thị trường thế giới. Sân bay quốc tế Cam Ranh đón nhiều tuyến bay trực tiếp như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Kazakhstan, Uzbekistan, Thái Lan, Malaysia... Khách du lịch đến Khánh Hòa, sau đó tỏa đi ra các tỉnh trong khu vực.

Các tuyến du lịch “hót” nhất khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là: Khánh Hòa - Ninh Thuận; Khánh Hòa - Đà Lạt; Khánh Hòa - Đắk Lắk; tuyến du lịch ven biển xuyên qua đèo Cả, ở đó có vịnh Vũng Rô (Phú Yên) và vịnh Vân Phong (Khánh Hòa). Du khách có thể đi lại trong ngày, được tận hưởng vị mặn của sóng biển và không khí mát mẻ của vùng Tây Nguyên có nhiều loại trái cây ngon.

Những tỉnh trong khu vực đã cùng với Khánh Hòa triển khai thực hiện tốt các dự án giao thông trọng điểm quốc gia, như tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Vân Phong - Nha Trang; Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa. 4 tuyến này được khớp nối quan trọng, mở rộng giao thông giữa biển với Tây Nguyên.

Chính quyền các tỉnh đặc biệt quan tâm đến nhiều chương trình phát triển kinh tế-xã hội, lưu ý nhất là chương trình kết nối du lịch trong vùng, phối hợp chương trình đào tạo nguồn lực và kêu gọi xúc tiến đầu tư cho cả vùng, để trở thành những tuyến phát triển du lịch “cởi mở”, năng động, độc đáo nhất nước.

Nhà máy đóng tàu biển Hyundai Việt Nam được ví như “quả đấm thép” công nghiệp nặng của tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Hải Luận

Nhà máy đóng tàu biển Hyundai Việt Nam được ví như “quả đấm thép” công nghiệp nặng của tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Hải Luận

Pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc

- Biển Khánh Hòa được xác định là một trong 5 ngư trường đánh bắt bậc nhất của nước ta. Tỉnh đã “vận dụng” lợi thế này như thế nào?

- Tỉnh Khánh Hòa đã đề ra chương trình phát triển kinh tế biển gần 30 năm trước. Theo đó, đã tạo dựng được ngành công nghiệp đóng tàu biển, cảng biển, du lịch biển, khai thác, chế biến hải sản... Khánh Hòa có đơn vị hành chính huyện đảo Trường Sa, nơi có trữ lượng nguồn lợi thủy sản đứng đầu cả nước, tàu thuyền đánh cá của nhiều tỉnh, thành đổ về đây khai thác. Nghị quyết 09 đã giao nhiệm vụ cho tỉnh Khánh Hòa đẩy mạnh xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Năm 2023, trước sự chứng kiến của Chính phủ, tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức phát động quỹ hỗ trợ nghề cá trên toàn quốc, đến nay, chúng tôi đã thu được hơn 40 tỉ đồng. Năm 2024, chúng tôi tiếp tục kêu gọi và vận động đến các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp quỹ nghề cá. Từ quỹ nghề cá, tỉnh sẽ đưa ra những chính sách đầu tư trọng điểm để phục vụ dân và quân trên quần đảo Trường Sa. Cái lớn nhất là phải tạo ra một trung tâm dịch vụ phát triển nghề cá, ngư dân ra Trường Sa yên tâm đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu ngay trên biển.

- Chính phủ đang khuyến khích nuôi trồng thủy sản xa bờ, tỉnh Khánh Hòa chọn theo hướng đi nào?

- Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Tập trung thu hút đầu tư và phát triển mạnh các ngành công nghiệp xanh, sạch, sử dụng công nghệ cao; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới. Triển khai hiệu quả đề án thí điểm nuôi biển công nghệ cao; đề án thành lập Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương.

Có 4 nhóm giải pháp nuôi trồng thủy sản: Thứ nhất, vùng quy hoạch nuôi biển hợp lý, hài hòa với các ngành kinh tế, dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Thứ hai, xác định những vùng nuôi phù hợp cho từng đối tượng, chỗ nào nuôi tôm hùm, cá chẽm, cá bớp, cá mú... và mở rộng ra những vùng nuôi mới. Thứ ba, xác định được những vùng nuôi từ bờ trở ra 3 hải lý và vùng 6 hải lý. Trong Nghị quyết số 55/2022/QH15, ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, xác định đối tượng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư nguồn vốn nuôi ở vùng biển 6 hải lý. Thứ tư, đề án này xác định tiêu chí như thế nào là nuôi biển công nghệ cao, theo quy mô công nghiệp.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Ưu đãi các nhà đầu tư chiến lược

“Ngày 16/6/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 55/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa. Theo đó, tỉnh đã báo cáo với Bộ Chính trị, Chính chủ và đã hoàn chỉnh tất cả các quy phạm pháp luật, như nghị định Chính phủ, các nghị quyết của HĐND tỉnh. Tỉnh đang kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược sớm đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong, Khu đô thị sân bay Cam Lâm... Lúc đó, các nhà đầu tư sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ Nghị quyết của Quốc hội” - ông Nguyễn Tấn Tuân thông tin.

Lệ Giang (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khanh-hoa-dau-tau-phat-trien-kinh-te-vung-post473418.html