Khánh Hòa đứng thứ 11/63 tỉnh, thành về công tác phòng, chống tham nhũng

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết quả đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2022 (PACA 2022) - thang điểm 100.

Điểm trung bình phòng, chống tham nhũng cao nhất từ trước tới nay

Năm 2022, điểm trung bình đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh đạt 66.06 điểm, cao hơn 3.94 điểm so với năm 2021 (62.12 điểm), cao hơn 2.2 điểm so với năm 2020 (63.86 điểm), đồng thời là điểm trung bình cao nhất kể từ khi tổ chức đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng từ năm 2016 đến nay.

Khánh Hòa là địa phương có sự tiến bộ đáng kể

Có 15 địa phương đạt từ 70 điểm trở lên, gồm: Vĩnh Phúc, Tiền Giang, TP HCM, Quảng Ninh, Đồng Nai, Cần Thơ, Thái Nguyên, Sóc Trăng, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Hòa Bình, Hải Dương, Bắc Kạn, Sơn La.

Khoảng cách chênh lệch điểm giữa địa phương cao nhất và thấp nhất là 27.93 điểm, đứng đầu toàn quốc là tỉnh Vĩnh Phúc (đạt 77.95 điểm), thấp nhất là tỉnh Phú Yên (đạt 50.02 điểm).

Điểm trung bình đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh năm 2022 cao hơn các năm trước, thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị đối với công tác phòng, chống tham nhũng; đồng thời cũng phản ánh bước đầu tác động tích cực của việc thành lập và hoạt động của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các địa phương trên cả nước.

Năm 2022, một số địa phương vẫn tiếp tục duy trì kết quả khá tốt như Vĩnh Phúc, Tiền Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đồng Nai, Thái Nguyên, Sóc Trăng, Thanh Hóa, … Tỉnh Khánh Hòa là địa phương có sự tiến bộ đáng kể so với năm 2021, tăng từ 49.93 điểm (thấp nhất cả nước năm 2021) lên 71.92 điểm năm 2022, xếp thứ 11/63.

Kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn là khâu yếu nhất của các địa phương

Tương tự nhiều năm đánh giá trước đây, Phần A (công tác lãnh đạo, chỉ đạo; xây dựng, hoàn thiện pháp luật về PCTN luôn đạt kết quả cao, điểm trung bình đạt 18.61 điểm trên thang điểm 20, đáp ứng 93.05% yêu cầu đặt ra, cao hơn so với năm 2021 (đạt trung bình 18.08 điểm).

Phần B (Kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng) của các địa phương đạt kết quả cao hơn việc phát hiện, xử lý tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng, điểm trung bình đạt 22.22 điểm trên thang điểm 30 đáp ứng 74,07% yêu cầu đặt ra, cao hơn so với năm 2021 (đạt trung bình 19.23 điểm).

Phần C (Kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng) vẫn là khâu yếu nhất của các địa phương, đạt điểm trung bình 19.92 điểm trên thang điểm 40, chỉ đạt 49,80% yêu cầu, cao hơn so với năm 2021 (đạt trung bình 18.78 điểm).

Phần D (Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng) đạt điểm trung bình 5.33 điểm trên thang điểm 10 đáp ứng 53,30% yêu cầu, thấp hơn so với năm 2021 (đạt trung bình 6.03 điểm).

Kết quả đánh giá phòng, chống tham nhũng năm 2022 của các địa phương

Đánh giá công tác PCTN được Thanh Tra Chính phủ thực hiện từ năm 2016 tới nay.
Đây là một trong những công cụ quan trọng để đánh giá hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng tại 63 địa phương trên cả nước

Kết quả đánh giá phòng, chống tham nhũng năm 2022 so với năm 2021

Đ.T

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202311/khanh-hoa-dung-thu-1163-tinh-thanh-ve-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-a041015/