Khánh Hòa khát vọng vươn tầm
Trải qua 370 năm xây dựng và phát triển, Khánh Hòa đã trở thành vùng đất giàu đẹp, điểm du lịch nổi tiếng trong nước và thế giới.
Năm 2023, Khánh Hòa kỷ niệm 370 năm hình thành và phát triển. Đây là mốc son đầy tự hào của đất và người Khánh Hòa, đồng thời là điểm tựa để để vùng đất ‘non trầm, biển yến’ vươn mình mạnh mẽ ra biển lớn.
Mùa xuân năm Quý Tỵ 1653, vâng lệnh chúa Nguyễn, Cai cơ Hùng Lộc hầu thu nhận vùng đất từ nam đèo Cả đến bắc sông Phan Rang lập nên dinh Thái Khang. Kể từ đây vùng đất này đã trở thành một bộ phận của tổ quốc Việt Nam thống nhất hôm nay. Năm 1832, Vua Minh Mạng thành lập tỉnh Khánh Hòa trên cơ sở trấn Bình Hòa.
Sau lần hợp nhất vào năm 1975, đến năm 1989, Quốc hội lại chia tỉnh Phú Khánh thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa cho đến ngày nay.
Bên cạnh điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi và có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, Khánh Hòa còn nhận được sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện vô cùng to lớn từ Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương.
Đặc biệt, trong năm 2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/1/2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, giúp Khánh Hòa trở thành địa phương thứ 9 trên cả nước có nghị quyết đặc thù của Bộ Chính trị. Nghị quyết nhằm tháo gỡ cơ chế, phát huy tiềm năng, thế mạnh và tạo cơ sở vững chắc cho khát vọng vươn ra biển lớn của Khánh Hòa.
Chỉ sau chưa đầy 2 tháng, ngày 21/3/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP, ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09; sau 4,5 tháng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Quyết tâm đưa các Nghị quyết của Trung ương đi vào thực tiễn cuộc sống, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Khánh Hòa đã khẩn trương ban hành các chương trình, kế hoạch hành động triển khai thực hiện. Việc ban hành và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù trong thời gian ngắn đã giúp Khánh Hòa có lợi thế cạnh tranh về chính sách và cơ hội để “đi tắt đón đầu”.
Năm 2022, với sự đồng lòng đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, tham gia tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế-xã hội của tỉnh phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng tốt. Tất cả chỉ tiêu về kinh tế, 11/12 chỉ tiêu về xã hội của tỉnh đạt và vượt kế hoạch.
Với tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 20,7% so với năm 2021, Khánh Hòa là địa phương có mức tăng trưởng đứng đầu cả nước năm 2022. Đáng lưu ý, doanh thu du lịch thực hiện cả năm 2022 đạt hơn 13.843 tỷ đồng (tăng gấp 5,8 lần so với năm 2021).
Năm 2022 cũng là năm Khánh Hòa triển khai thực hiện cơ bản các quy hoạch chính: Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2050; Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến 2040; Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Cam Ranh đến 2035; Điều chỉnh quy hoạch Khu Kinh tế Vân Phong đến 2040 và tầm nhìn đến 2050; Hoàn thành phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến 2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm đầu kỳ quy hoạch…
Đây là bước khởi đầu để Khánh Hòa bước vào giai đoạn phát triển mới căn cơ, bền vững.
Nếu năm 2022 là năm “chiến lược - chính sách” thì năm 2023 được Khánh Hòa xác định là năm “quy hoạch - đầu tư”.
Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, khẳng định các chiến lược và cơ chế, chính sách của năm 2022 sẽ tạo không gian và động lực phát triển mới, là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để thu hút, đẩy mạnh đầu tư trong năm 2023, gắn với các quy hoạch quan trọng của tỉnh.
Đây là mục tiêu rất thách thức trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước dự báo gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ cách thức thu hút đầu tư gắn với cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh; trong đó tập trung vốn ngoài ngân sách vào các dự án hạ tầng khu công nghiệp và đô thị, nhất là ở Khu Kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm.
Đồng thời, phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để khơi thông mọi nguồn lực, tạo nguồn bổ sung cho đầu tư phát triển; nâng cao khả năng hấp thụ và giải ngân vốn đầu tư công; tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp, các dự án xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, y tế, tạo nền tảng đến năm 2030 Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung nguồn lực đầu tư các dự án thuộc đề án giảm nghèo bền vững cho huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, hướng đến mục tiêu năm 2025 hai huyện này sẽ thoát nghèo.
Khát vọng về một Khánh Hòa giàu đẹp chưa bao giờ hiển hiện rõ nét như thế. Với những gì đã đạt được trong thời gian qua, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, Khánh Hòa sẽ có bước phát triển toàn diện, bứt phá theo đúng mục tiêu, quan điểm mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Trong đó, phấn đấu đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.
Như Ngọc