Khánh Hòa: Khu tái định cư sau 15 năm chỉ còn 13 hộ dân bám định cư

Khu tái định cư (TĐC) Ninh Thủy (ở xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) được đầu tư xây dựng hạ tầng với hàng trăm tỷ đồng. Thế nhưng, sau 15 năm đưa vào sử dụng, đến nay chỉ còn 13 hộ dân bám trụ ở khu TĐC này.

Vì sao người dân không mặn mà

Cái nắng ban trưa của tháng 7 như thiêu cháy những vạt cỏ ven đường, đi một vòng quanh khu TĐC Ninh Thủy, chúng tôi chỉ thấy hơn chục hộ dân đến xây dựng nhà ở. Đặc biệt, có một trường tiểu học đã xây dựng khang trang với hệ thống phòng học, điện nước đầy đủ, nhưng tất cả đã bị “lãng quên” suốt nhiều năm qua. Xung quanh trường phủ đầy cỏ dại, một số hạng mục bắt đầu xuống cấp.

Qua tìm hiểu, khu TĐC này rộng hơn 100ha, được xây dựng từ năm 2009 để đón dân thôn Ninh Yểng (xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa), nhường đất cho dự án Trung tâm Điện lực Vân Phong I, II, III vào ở. Dự án do UBND thị xã Ninh Hòa làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 427 tỷ đồng và hiện đã hoàn thiện hạ tầng trên diện tích 35ha.

Thị xã Ninh Hòa từng kỳ vọng khu TĐC này sẽ trở thành điểm sáng về TĐC, giúp người dân ổn định đời sống, yên tâm sản xuất. Mang theo ước vọng đời sống sẽ tốt hơn nơi ở cũ, nhưng sau khi đến khu TĐC, người dân thực sự vỡ mộng bởi khu TĐC vẫn chưa thể an cư.

Ngôi trường được hoàn thành đầy đủ các hạng mục, nhưng trường chưa một lần đón học sinh, nên bỏ hoang phế, nằm phơi mưa phơi nắng.

Ngôi trường được hoàn thành đầy đủ các hạng mục, nhưng trường chưa một lần đón học sinh, nên bỏ hoang phế, nằm phơi mưa phơi nắng.

Từ ngày về khu TĐC Ninh Thủy, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Mười là một trong các hộ còn “bám trụ” ở đây cho biết: "Tôi tới đây sinh sống hơn 8 năm rồi. Trước đây, ở nơi này có nhiều hộ dân di dời đến, nhưng không mặn mà và quay về nơi ở cũ để gần chỗ làm ăn hơn”.

Chia sẻ thêm về cuộc sống hiện tại, bà Mười kể, từ khi về nơi ở mới, sau một thời gian đã xuất hiện rất nhiều điểm bất cập. Đa số các hộ dân phải chật vật với cuộc sống mưu sinh, bế tắc với sinh kế.

Bởi cuộc sống của người dân làng biển luôn gắn với sông nước, sống nhờ sông nước, họ hiểu rõ từng đợt sóng, biết nơi nào có cá gì, mùa nào có tôm, mực…nên không thể sống thiếu sông nước. Bản thân bà Mười khi đến định cư phải mở tạp hóa nhỏ để kiếm đồng ra, đồng vô hàng ngày.

Nói về việc xây trường học để “bỏ hoang”, nhiều người cho rằng, người dân không ở thì làm gì có trẻ con đến trường, nên ngôi trường được xây dựng giờ chỉ để cho cỏ mọc. Trong khi nhiều nơi ở vùng sâu, vùng xa học sinh vẫn còn phải học trong những trường học tạm bợ, và tất cả đều ước mơ có một ngôi trường khang trang để học, thì ở đây, những ngôi trường xây xong lại “bỏ hoang”, gây lãng phí ngân sách của Nhà nước.

Câu chuyện người dân đến ở, rồi lại dời đi như một điệp khúc mà các cấp, các ngành cũng như chính quyền sở tại vẫn loay hoay tìm biện pháp xử lý.

Để người dân thật sự an cư

Giải thích cho việc nhiều người dân chưa chịu về ở, ông Võ Khánh Đăng - Chủ tịch UBND xã Ninh Thọ thông tin: Đa số người dân đều không muốn vào khu TĐC Ninh Thủy, vì không có đất để sản xuất, tạo kế sinh nhai. Nhiều người dân phải di dời đều nhận đất ở khu TĐC, rồi để đó và tự tìm đường mưu sinh ở vùng đất khác thuận lợi hơn.

Chủ tịch UBND xã Ninh Thọ đề xuất, để thu hút người dân vào ở khu TĐC Ninh Thủy, Thị xã Ninh Hòa cần gấp rút thực hiện xong khu tái định canh Chánh Thanh rộng 20ha gần đó. Có đất canh tác, người dân sẽ yên tâm an cư trên đất TĐC.

Khu TĐC đầu tư hàng trăm tỷ thành nơi chăn thả bò.

Khu TĐC đầu tư hàng trăm tỷ thành nơi chăn thả bò.

Ngoài Khu TĐC Ninh Thủy, nhiều khu TĐC khác ở Khánh Hòa như: Xóm Quán, Ngọc Sơn (thị xã Ninh Hòa), Vĩnh Yên (huyện Vạn Ninh)… có vốn đầu tư lên đến cả trăm tỷ đồng, nhưng đều chưa thể bố trí dân đến ở, hoặc bố trí được rất ít. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, người dân ở những khu TĐC này vẫn đang loay hoay với rất nhiều nghề mà chưa tìm được lối ra nào để duy trì ổn định cuộc sống.

Cái khó nhất là do trước đây bà con đã có kế sinh nhai, nay phải làm quen với tập quán canh tác nơi ở mới. Muốn thích nghi thì cần phải có thời gian lâu dài để chuyển đổi cả nhận thức lẫn phong tục tập quán. Đây cũng là một câu hỏi lớn dành cho cấp ủy, chính quyền địa phương.

Hương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khanh-hoa-khu-tai-dinh-cu-sau-15-nam-chi-con-13-ho-dan-bam-dinh-cu-174337.html