Khánh Hòa kiến nghị bố trí 3.200 tỷ đồng tái định cư hai dự án điện hạt nhân
Để phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hạng mục cấp thiết liên quan đến hai dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 Ninh Thuận, chính quyền địa phương kiến nghị Trung ương xem xét bố trí 3.200 tỷ đồng
Trả lời PV VietNamNet về tiến độ hai dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết, đến nay, đơn vị đã hoàn tất toàn bộ công tác kiểm kê đất đai, tài sản, mồ mả liên quan đến hai dự án.
Cụ thể, tại dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (diện tích 409,53ha), đơn vị đã kiểm kê xong tài sản của 477 hộ dân và 2 tổ chức. Tại khu tái định cư rộng 64,85ha, công tác kiểm kê đã hoàn tất với 89 hộ và 3 tổ chức.
Đối với Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, công tác kiểm kê hoàn thành đối với 450 hộ, 3 tổ chức và hơn 1.800 ngôi mộ. Tuy nhiên, hơn 1.000 ngôi mộ vẫn chưa xác định được thân nhân, gây khó khăn trong công tác di dời.
Bên cạnh đó, toàn bộ quá trình xác minh nguồn gốc đất, giải quyết tranh chấp, phê duyệt giá đất cụ thể để tính bồi thường tại khu vực xây dựng cũng đã được các cơ quan chức năng thực hiện.

Một góc vùng được quy hoạch Nhà máy điện hạt nhân 1. Ảnh: Xuân Ngọc
Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Khánh Hòa, trước thời điểm sáp nhập các tỉnh, thành, UBND tỉnh Ninh Thuận (cũ) đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí 3.200 tỷ đồng. Số vốn này được đề xuất sử dụng để xây dựng hai khu tái định cư, một khu chỉnh trang dân cư hiện hữu tại thôn Thái An và khu tái định canh cho người dân sản xuất nông nghiệp, nhằm bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng và ổn định đời sống người dân.
Đến nay, UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục kế thừa và thúc đẩy đề xuất trên, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho hay, khối lượng đất cần thu hồi lớn, thời gian triển khai ngắn, trong khi nhiều vấn đề về pháp lý, quy hoạch và sinh kế người dân chưa được giải quyết triệt để.
Đặc biệt, khu vực Thái An - nơi có vùng trồng nho đặc sản, các điểm du lịch và Vườn quốc gia Núi Chúa, đang đối mặt với lo ngại về khoảng cách an toàn giữa nhà máy và khu dân cư do chưa có quy định cụ thể về vùng cách ly.
Vì vậy, việc Chính phủ sớm bố trí ngân sách, ban hành quy định cụ thể và cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong quá trình tái định cư là yếu tố then chốt để tháo gỡ các nút thắt hiện nay.
Ngoài công tác chuyên môn, chính quyền địa phương cũng triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông nhằm củng cố niềm tin của người dân. Cụ thể, đã có hơn 2.000 cuốn sổ tay tuyên truyền được phát tận tay người dân; 10 pano lớn dựng tại khu vực xây dựng nhà máy nhằm minh bạch thông tin và tạo sự đồng thuận xã hội.