Khánh Hòa: Nhiều giải pháp khôi phục kinh tế hậu Covid-19
Do tác động của dịch bệnh Covid-19, tỉnh Khánh Hòa cũng giống như các địa phương khác gặp rất nhiều khó khăn, nền kinh tế giảm sút, cả hệ thống chính trị thời gian qua phải ưu tiên tập trung phòng chống dịch. Hậu Covid-19, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đưa ra hàng loạt các giải pháp và đem lại nhiều tín hiệu tích cực.
6 tháng đầu năm 2020, các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh Khánh Hòa tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ, cụ thể: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm giảm 12,02% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 0,68% so cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 32,71% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch giảm 71,77% với số lượt khách lưu trú giảm 79,02%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 6,41%; thu nội địa bằng 35% dự toán.
Qua rà soát, đến ngày 25/5/2020, toàn tỉnh có 5.147 khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dư nợ bị ảnh hưởng là 26.890 tỷ đồng; chiếm 30% dư nợ cho vay toàn địa bàn.
UBND tỉnh đã kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhằm hạn chế sự lây lan, xây dựng kế hoạch hành động thực hiện các nhóm giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân.
Về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh: Đến ngày 25/5/2020, các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục thiệt hại do dịch bệnh gây ra: Điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 987 khách hàng với dư nợ 4.185 tỷ đồng; Giảm lãi suất vay vốn đối với khoản vay cũ; Cho vay mới để duy trì, khôi phục sản xuất kinh doanh; Cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc đối với người lao động theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 5144/KH-UBND ngày 27/5/2020 của UBND tỉnh…
Về triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh: Hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách của các địa phương, các địa phương đã và đang chi cho đối tượng, trong đó: Tổng số người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ là 5.307 người với tổng số tiền là 7.960.500.000 đồng; Tổng số đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ là 38.874 người với kinh phí là 58.230.500.000 đồng; Đối tượng hộ nghèo được hỗ trợ là 9.493 hộ với kinh phí là 25.788.250.000 đồng; Đối tượng hộ cận nghèo được hỗ trợ là 20.525 hộ với kinh phí là 58.005.500.000 đồng; Các nhóm đối tượng còn lại theo Nghị quyết số 42/NQ-CP: UBND cấp xã đang nhận hồ sơ và thẩm định.
Dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục có diễn biến phức tạp sẽ tạo ra nhiều thách thức trong việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra đầu năm, đặc biệt là đối với các ngành, lĩnh vực như: Thương mại, du lịch, nông nghiệp, công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu ngân sách, giải quyết việc làm, trật tự, an toàn xã hội...
Để phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020, tỉnh Khánh Hòa cần: Đẩy mạnh triển khai các kế hoạch tái khởi động và phát triển kinh tế - xã hội theo lộ trình phù hợp với diễn biến của dịch trong và ngoài nước… Tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương; Khảo sát, nắm bắt cụ thể tình hình về nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Tăng cường cung cấp thông tin về thị trường lao động cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng kịp thời và thường xuyên, tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm người lao động thay thế lao động là người nước ngoài trong thời gian tạm dừng cấp mới giấy phép lao động.
Quyết liệt đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020 để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác; góp phần thúc đẩy kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Bên cạnh đó, Khánh Hòa cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét cho phép xây dựng Đề án cơ chế, chính sách phát triển Khu kinh tế Vân Phong trong tình hình mới với một số cơ chế, chính sách đặc thù được áp dụng để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của vịnh Vân Phong nói chung và Khu kinh tế Vân Phong nói riêng. Đây là cơ sở quan trọng để định hướng triển khai điều chỉnh quy hoạch phát triển của Khu kinh tế Vân Phong cho giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng về sau.
Xem xét, đồng ý cho tỉnh Khánh Hòa không thực hiện tiết kiệm tối thiểu 10% tổng mức đầu tư đối với dự án Kè chống sạt lở bờ Bắc thị trấn Diên Khánh; Kiến nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ bổ sung vốn đầu tư các công trình quan trọng cho tỉnh Khánh Hòa thực hiện đường giao thông ven biển, đê kè phòng chống ứng phó biến đổi khí hậu nhằm kích thích kinh tế và tạo động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm.
Với những kế hoạch phù hợp, tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những kết quả tích cực, khắc phục những hậu quả do dịch Covid-19 gây ra, góp phần đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế của cả nước, trung tâm du lịch lớn của khu vực và quốc tế.