Khánh Hòa phản hồi thông tin vịnh Nha Trang mất gần 200 ha san hô trong 20 năm

Theo Ban Quản lý vịnh Nha Trang, có năm nguyên nhân khiến vịnh Nha Trang mất gần 200 ha rạn san hô trong vòng 20 năm qua.

Ban Quản lý Vịnh Nha Trang- Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Khánh Hòa vừa có phản hồi thông tin vịnh Nha Trang bị mất gần 200 ha rạn san hô trong 20 năm qua.

Theo Ban Quản lý vịnh Nha Trang, tình trạng suy giảm san hô tại vịnh Nha Trang được phản ánh vừa qua xuất phát từ đề tài nghiên cứu khoa học của Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga chi nhánh ven biển. Đề tài này đã được đề cập, phân tích, đánh giá và triển khai các giải pháp từ năm 2022.

 Rạn san hô tại vịnh Nha Trang đang phục hồi tốt. Ảnh: X.H

Rạn san hô tại vịnh Nha Trang đang phục hồi tốt. Ảnh: X.H

Ban Quản lý vịnh Nha Trang xác định có năm nguyên nhân chính gây ra tình trạng suy giảm san hô gồm các tai biến thiên nhiên; hiện tượng tẩy trắng san hô do nhiệt độ nước biển tăng và sao biển gai ăn san hô; khai thác hủy diệt; tác động môi trường và quá trình san lấp, xây dựng.

Trong đó, nguyên nhân tai biến thiên nhiên như cơn bão số 12 Damrey hồi tháng 11-2017 khiến một số khu vực có rạn san hô phong phú, đa dạng như Hòn Mun, Hòn Một, Hòn Tằm, đông bắc Hòn Tre hệ sinh thái san hô bị thiệt hại nặng nề 70- 80%.

Bên cạnh đó, trong vài thập kỷ qua, hiện tượng tẩy trắng san hô gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái san hô trên toàn cầu, không chỉ riêng tại Việt Nam. Đối với vịnh Nha Trang, các kết quả nghiên cứu công bố vào năm 2020 cho thấy tỉ lệ san hô cứng bị tẩy trắng ở mức 39,5%.

Nhằm hạn chế sự suy giảm của hệ sinh thái san hô tại vịnh Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đưa ra một số giải pháp trước mắt cũng như các định hướng mang tính lâu dài để bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái san hô vịnh Nha Trang; đồng thời ban hành kế hoạch với 16 nhiệm vụ tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang.

 Nuôi thử nghiệm san hô trên vịnh Nha Trang. Ảnh: T.N

Nuôi thử nghiệm san hô trên vịnh Nha Trang. Ảnh: T.N

Cũng theo Ban Quản lý vịnh Nha Trang, để phục hồi hệ sinh thái của vịnh từ năm 2022 đến nay tạm dừng các hoạt động bơi, lặn biển, tàu và thúng đáy kính trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun, thí điểm một số khu vực tổ chức lặn biển thể thao giải trí trên vịnh Nha Trang. Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm hành chính.

Ban Quản lý vịnh Nha Trang phối hợp Viện Hải dương học khảo sát hiện trạng rạn san hô ở Hòn Mun cho thấy tình trạng rạn san hô ở Hòn Mun đang phục hồi nhưng còn chậm sau các biến cố do đặc điểm sinh học của các loài san hô cứng tạo rạn có tốc độ tăng trưởng chậm.

Đối với khu vực Đầm Báy có rừng ngập mặn và có rạn san hô đang phục hồi rất tốt, đơn vị tiến hành khảo sát và phối hợp với doanh nghiệp lắp đặt giàn phao phân vùng, tuần tra bảo vệ.

Đơn vị này đã lên phương án phối hợp với các địa phương, tổ chức tuyên truyền, bảo vệ và thực hiện các đề tài khoa học nhằm phục hồi tổng thể vịnh Nha Trang. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa, tạo nguồn kinh phí nhằm tăng nguồn thu bền vững phục vụ công tác bảo tồn, phục hồi vịnh Nha Trang.

HUỲNH HẢI

Nguồn PLO: https://plo.vn/khanh-hoa-phan-hoi-thong-tin-vinh-nha-trang-mat-gan-200-ha-san-ho-trong-20-nam-post861975.html