Khánh Hòa phát huy giá trị văn hóa, con người trong thời kỳ mới

Sáng 30-8, tại TP Nha Trang, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã tổ chức Hội nghị Văn hóa tỉnh Khánh Hòa năm 2024, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước (Nghị quyết số 33).

Đây là lần đầu tiên, tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị bàn về các vấn đề về văn hóa với quy mô lớn, có đông đảo đại biểu đại diện từ cấp thôn, tổ dân phố đến cấp tỉnh, từ cán bộ quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học đến cộng đồng các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, du lịch.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, Hội nghị Văn hóa tỉnh Khánh Hòa năm 2024, Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW có tầm quan trọng đặc biệt và ý nghĩa về nhiều phương diện.

 Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân phát biểu khai mạc hội nghị

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân phát biểu khai mạc hội nghị

Hội nghị lần này nhằm cụ thể hóa các nội dung cốt lõi, trọng tâm của Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 gắn với thực hiện những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa được nêu trong Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-01-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tinh thần, thông điệp của Hội thảo Quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Hội nghị là tiền đề quan trọng giúp Tỉnh ủy Khánh Hòa nghiên cứu, ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát huy giá trị văn hóa, con người Khánh Hòa góp phần xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; cũng như chuẩn bị các nội dung về xây dựng văn hóa, con người trong Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2025 – 2030.

 Nhiều công trình văn hóa, lịch sử tại Khánh Hòa cần bảo tồn

Nhiều công trình văn hóa, lịch sử tại Khánh Hòa cần bảo tồn

“Để những giá trị văn hóa, kể cả văn hóa truyền thống được lan tỏa, gắn liền với cuộc sống đương đại, Nghị quyết các đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa gần đây đặt ra mục tiêu xây dựng tỉnh Khánh Hòa là địa phương đáng sống, với các giá trị, chuẩn mực “văn minh, thân thiện, mến khách, hiền hòa, hạnh phúc, thuần hậu”. Bên cạnh đó, vấn đề xây dựng văn hóa, con người Khánh Hòa đang đặt ra yêu cầu bức thiết gắn với việc xây dựng tỉnh giàu đẹp, phát triển hiện đại, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết.

 Lễ hội Am Chúa tại Diên Khánh

Lễ hội Am Chúa tại Diên Khánh

PGS-TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, để thực hiện được mục tiêu chiến lược trở thành nước phát triển, thu nhập cao, đòi hỏi chúng ta phải xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; phát huy hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là các nguồn lực nội sinh, mà giá trị văn hóa, sức mạnh con người chính là một trong các nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của đất nước ta.

CÔNG NHÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khanh-hoa-phat-huy-gia-tri-van-hoa-con-nguoi-trong-thoi-ky-moi-post756494.html