Khánh Hòa tăng tốc hiện thực hóa tầm nhìn trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Ngày 25/7/2025, UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp với báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo 'Khánh Hòa - Hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương - Đột phá trong kỷ nguyên mới'. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đến dự và chỉ đạo tại Hội thảo. Sự kiện là diễn đàn quan trọng nhằm đánh giá hiện trạng, nhận diện cơ hội, thách thức và thảo luận các giải pháp mang tính chiến lược, đồng bộ và khả thi để hiện thực hóa mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tận dụng lợi thế, khơi thông điểm nghẽn để bứt phá phát triển

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định, mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 7 của cả nước vào năm 2030 đang từng bước thành hiện thực. Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, không gian phát triển của tỉnh được mở rộng, tiềm năng và lợi thế được cộng hưởng và bổ trợ, hình thành vùng động lực kinh tế mới cực kỳ quan trọng với cấu trúc phát triển đa ngành, liên kết chặt chẽ và toàn diện. Trong giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn đạt ở mức cao, từ 8% trở lên; quy mô nền kinh tế sau sắp xếp đạt trên 175.000 tỷ đồng. Để hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh và bền vững, Khánh Hòa nhận diện rõ ba điểm nghẽn lớn cần tập trung tháo gỡ: Hoàn thiện đồng bộ hạ tầng chiến lược; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và kiên quyết xử lý dứt điểm các công trình, dự án tồn đọng kéo dài. “Đây cũng chính là lý do Hội thảo hôm nay được tổ chức, nhằm tạo diễn đàn để các nhà lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng trao đổi, hiến kế những giải pháp đột phá, khả thi, giúp tỉnh tháo gỡ khó khăn, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế sẵn có”, ông Nam chia sẻ thêm.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tham dự và chỉ đạo tại Hội thảo

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tham dự và chỉ đạo tại Hội thảo

Chia sẻ cụ thể hơn về tầm nhìn và chiến lược phát triển tỉnh trong giai đoạn mới, ông Trần Hòa Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, sau sắp xếp địa giới hành chính, không gian phát triển của tỉnh được mở rộng, tạo lợi thế lớn để Khánh Hòa bứt phá. Hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ với đầy đủ các loại hình từ đường bộ, đường sắt, đường biển đến đường hàng không; tuyến cao tốc Bắc – Nam đi qua địa bàn dài nhất cả nước; tỉnh sở hữu bờ biển dài nhất cả nước với hơn 490km, cùng hàng trăm đảo lớn nhỏ, nhiều vịnh biển đẹp nổi tiếng như Nha Trang, Cam Ranh, Vân Phong, Vĩnh Hy. Đặc biệt, Khánh Hòa có ba cảng biển nước sâu và trong tương lai sẽ là tỉnh có nhiều sân bay nhất cả nước với 4 sân bay. “Tiềm năng tự nhiên phong phú, hạ tầng ngày càng hoàn thiện, cùng với sự quan tâm từ Trung ương là lợi thế rất lớn để Khánh Hòa tăng tốc phát triển, nhất là trong lĩnh vực kinh tế biển. Sự cộng hưởng giữa các vùng địa phương và giữa hai nền kinh tế tương đồng sau sáp nhập sẽ tạo ra chuỗi liên kết mở rộng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới một cách hiệu quả và bền vững”, ông Nam khẳng định.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Quốc Nam phát biểu chào mừng

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Quốc Nam phát biểu chào mừng

Chiến lược rõ ràng, hành động quyết liệt chuyển mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới

Để cụ thể hóa mục tiêu lớn, ông Trần Hòa Nam cho biết Khánh Hòa xác định 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó hoàn thiện tiêu chí trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, tỉnh định hướng phát triển các cực tăng trưởng mới như Cam Lâm (đô thị sân bay), Vạn Ninh (đô thị du lịch biển cao cấp), Ninh Hòa và Cà Ná (đô thị công nghiệp). Giai đoạn 2025–2030, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, tập trung vào bốn trụ cột: công nghiệp, năng lượng, du lịch – dịch vụ và xây dựng đô thị.

Tỉnh cũng đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số giai đoạn 2025–2030 với bốn trụ cột được ưu tiên gồm: công nghiệp, năng lượng, du lịch – dịch vụ và xây dựng đô thị. Trong đó, Khánh Hòa kỳ vọng trở thành trung tâm năng lượng tái tạo quốc gia và phát triển mạnh các ngành dịch vụ sáng tạo, logistics, du lịch cao cấp gắn với chuyển đổi số.

Môi trường đầu tư – kinh doanh sẽ tiếp tục được cải thiện thông qua cải cách hành chính mạnh mẽ, phát triển chính quyền điện tử, tăng năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư chiến lược. Tỉnh cũng đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế tư nhân như một động lực then chốt, gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu.

Song song với phát triển kinh tế, Khánh Hòa chú trọng các giải pháp gắn tăng trưởng với phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục – y tế, đào tạo nghề và chăm lo đời sống người lao động. Các yếu tố quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường cũng được xem là trụ cột không thể thiếu trong chiến lược phát triển dài hạn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu

Ông Nguyễn Hữu Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ nhấn mạnh, Khánh Hòa có tiềm năng rất lớn để trở thành một thành phố trực thuộc trung ương với nền kinh tế mạnh mẽ, một bộ máy chính quyền hiện đại và hiệu quả, gắn liền với xu hướng chuyển đổi số và đô thị thông minh. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Thành, Khánh Hòa sau sáp nhập phải đối mặt với thách thức về sự khác biệt trình độ, hạ tầng và năng lực hành chính giữa các địa phương, nhất là khi địa bàn trải dài từ Bắc Cam Ranh tới Nam Phan Rang. Do đó, tỉnh cần khẩn trương rà soát tổ chức bộ máy hành chính các cấp, sắp xếp hợp lý, ưu tiên cán bộ có năng lực và tinh thần đổi mới, đồng thời ứng dụng công nghệ số để quản lý nhân sự, dự báo nhu cầu và nâng cao hiệu quả điều hành.

Tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, phân cấp - phân quyền hiệu quả, loại bỏ thủ tục không còn phù hợp, đồng thời tạo cơ chế đặc thù để thu hút nhân tài, chuyên gia trong các lĩnh vực then chốt như quy hoạch đô thị thông minh, công nghệ, quản trị công. Việc xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, phát triển kinh tế tư nhân làm động lực tăng trưởng và đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội, quốc phòng – an ninh, bảo vệ môi trường sẽ là trụ cột trong chiến lược phát triển toàn diện của tỉnh.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, bà Trần Thu Hằng – Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc (Bộ Xây dựng) nhận định, việc hợp nhất hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận không chỉ mở rộng không gian phát triển mà còn tạo nên một thực thể hành chính – kinh tế đủ tầm là cực tăng trưởng mới của khu vực duyên hải miền Trung. Mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 đặt ra yêu cầu cao về quy hoạch chiến lược và hạ tầng đồng bộ.

Bộ Xây dựng đánh giá cao Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến 2050 – một bản quy hoạch mang tính định hướng cho toàn vùng Nam Trung Bộ. Khánh Hòa đã chủ động đề xuất nhiều dự án hạ tầng liên vùng như mở rộng cao tốc Bắc – Nam, hình thành trục ven biển từ Vạn Ninh đến Thuận Nam, nâng cấp cảng Bắc Vân Phong, cảng Cà Ná, hiện đại hóa sân bay Cam Ranh và nghiên cứu khai thác sân bay Thành Sơn.

Bộ Xây dựng đề nghị tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch, điều chỉnh linh hoạt theo thực tiễn, đẩy nhanh đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, ưu tiên công trình động lực, tăng cường thu hút đầu tư PPP vào các lĩnh vực giao thông, cấp thoát nước, nhà ở xã hội và đô thị thông minh. Việc thí điểm các mô hình đô thị biển, sinh thái tại Cam Lâm, Cam Ranh, Thuận Nam được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề nhân rộng ra toàn vùng.

“Bộ cam kết đồng hành cùng địa phương trong điều chỉnh quy hoạch, phát triển hạ tầng, nhà ở và cơ chế chính sách. Với vị trí chiến lược, tài nguyên phong phú và quyết tâm chính trị, Khánh Hòa có đầy đủ điều kiện để bứt phá, duy trì tăng trưởng trên 10%/năm, trở thành trung tâm kinh tế, xã hội mới của miền Trung”, bà Hằng khẳng định.

PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh - Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) chia sẻ, bối cảnh chuyển đổi số, chính quyền hai cấp và yêu cầu về phát triển bền vững đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động quản trị Nhà nước. Khánh Hòa đang hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, do đó việc nâng cao năng lực quản trị Nhà nước theo hướng hiện đại trở thành yêu cầu cấp thiết.

Để đạt được mục tiêu này, Khánh Hòa hướng đến xây dựng một nền quản trị Nhà nước hiện đại - minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, năng động và gắn với yêu cầu phát triển bền vững. Theo đó, Khánh Hòa cần hoàn thiện thể chế, đặt nền tảng pháp lý cho việc tổ chức lại bộ máy tự quản linh hoạt, gọn nhẹ, tinh gọn. Xây dựng chính quyền số - nền tảng của quản trị hiện đại. Chính quyền số là trụ cột của quản trị nhà nước hiện đại. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức. Nguồn nhân lực chính là "xương sống" của quản trị hiện đại… Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh kiến nghị cần phân quyền và tự chủ mạnh mẽ hơn cho Khánh Hòa. Cụ thể, trao quyền quản lý tài chính – đầu tư – nhân sự tương ứng với đô thị loại đặc biệt. Tăng tính chủ động trong hợp tác quốc tế, đặc biệt là khai thác thế mạnh biển đảo. Trung ương sớm ban hành cơ chế đặc thù cho Khánh Hòa, đặc biệt trong giai đoạn chuyển tiếp.

Nguyễn Vũ

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/khanh-hoa-tang-toc-hien-thuc-hoa-tam-nhin-tro-thanh-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-167827.html