Khánh Hòa thu hồi 56 dự án rộng hơn 300 ha
Ban Kinh tế Ngân sách HĐNĐ tỉnh Khánh Hòa thống nhất 56/57 dự án đề nghị đưa vào danh mục các dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh trình.
Ban Kinh tế Ngân sách HĐNĐ tỉnh Khánh Hòa cho biết, đơn vị này vừa có báo cáo Thẩm tra nghị quyết thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh.
Trước đó ngày 24/3, UBND tỉnh Khánh Hòa có tờ trình với nội dung hiện trên địa bàn có 57 dự án với tổng diện tích 312,85 ha cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Trong số danh sách này, có 50 dự án vốn ngân sách với diện tích 285,97ha; 7 dự án có vốn ngoài ngân sách với diện tích 26,88ha.
Ban Kinh tế Ngân sách cơ bản thống nhất 56/57 dự án đề nghị đưa vào danh mục các dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh trình.
Đối với riêng dự án Hố chôn lấp rác thải sinh hoạt tại bãi rác Hòn Rọ với diện tích 3,1ha hiện chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, Ban đề nghị UBND tỉnh làm rõ cơ sở pháp lý đề nghị đưa vào danh mục.
Ngày 5/4, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 97 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Khánh Hòa khắc phục những yếu kém, tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm về quản lý đất đai và đầu tư xây dựng, trong đó có đầu tư theo hình thức BT; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, xử lý dứt điểm những vi phạm theo các kết luận thanh tra, kiểm tra để khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng thời, Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng, việc khắc phục hậu quả sai phạm trong quản lý đất đai sau thanh tra, kiểm tra của Khánh Hòa còn chậm, chưa được xử lý dứt điểm, dẫn đến lãng phí nguồn lực. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn bất cập, thiếu tầm nhìn dài hạn… Do đó, những hạn chế, yếu kém nêu trên cần được phân tích, đánh giá nghiêm túc, thấu đáo; xác định rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để trên cơ sở đó phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, đề ra mục tiêu, yêu cầu, giải pháp phù hợp với thực tiễn.