Khánh Hòa tìm giải pháp lâu dài để cứu san hô vịnh Nha Trang
UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các cơ quan chức năng địa phương liên quan tìm giải pháp lâu dài để cứu san hô và hệ sinh thái vịnh Nha Trang.
Ngày 5/7, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân vừa có văn bản gửi các sở ngành, địa phương liên quan về việc xử lý tình trạng suy giảm rạn san hô ở Hòn Mun và vịnh Nha Trang.
Cụ thể, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các sở ngành, đơn vị, địa phương có liên quan khẩn trương triển khai các giải pháp để bảo tồn, giữ gìn và phục hồi hệ sinh thái biển đa dạng tại vịnh Nha Trang, trong đó có rạn san hô tại Khu bảo tồn biển (KBTB) Hòn Mun.
Trước mắt, UBND tỉnh Khánh Hòa giao TP. Nha Trang tạm dừng hoạt động du lịch lặn biển tại các khu vực dễ làm tổn hại rạn san hô trong khu vực vịnh Nha Trang, đặc biệt là khu vực Hòn Mun. Đồng thời khoanh vùng, thực hiện bảo vệ chặt chẽ các khu vực nhạy cảm, đang có dấu hiệu phục hồi các hệ sinh thái, điển hình là rạn san hô và các bãi giống, bãi đẻ ở vịnh Nha Trang. Phối hợp với Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh và các sở xây dựng kế hoạch cụ thể của đội liên ngành nhằm tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý vi phạm hành chính các tổ chức, cá nhân.
Về giải pháp lâu dài, UBND tỉnh Khánh Hòa giao TP. Nha Trang phối hợp các sở ngành, viện, trung tâm nghiên cứu và các chuyên gia, nhà khoa học thực hiện nghiên cứu, xây dựng “Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang”. Theo đó, kế hoạch lưu ý việc rà soát cơ chế quản lý, bảo tồn vịnh Nha Trang; nâng cao năng lực Ban quản lý vịnh Nha Trang; liên kết, hợp tác trong công tác quản lý các khu bảo tồn trên vịnh Nha Trang.
Trước đó, báo Tiền Phong đã có nhiều bài viết phản ánh về việc suy giảm rạn san hô nghiêm trọng ở KBTB Hòn Mun. Qua điều tra cho thấy, giữa tháng 6/2020, ở KBTB này có độ phủ san hô sống lên đến 61% nhưng đến đầu năm 2022 chất lượng san hô ở Hòn Mun dưới mức trung bình. Đặc biệt, khu vực Tây Nam của Hòn Mun có tình trạng rạn san hô rất kém, tỉ lệ bao phủ chỉ còn 7,8%.