Khánh Hòa trồng thêm 400 ha rừng ngập mặn vùng ven biển
Tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025 trồng thêm 400 ha rừng ngập mặn với hai loại cây chủ yếu là đước và tràm.
Khu rừng ngập mặn được khôi phục ở ven đầm Nha Phu.
Đây là một trong những giải pháp quan trọng để địa phương ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, chống xói lở và cải thiện môi trường vùng ven biển.
Thành phố Nha Trang dự kiến trồng, chăm sóc và bảo vệ trên 61 ha rừng ngập mặn để ứng phó với biến đổi khí hậu. Số lượng cây trồng mới tập trung ở khu vực Đầm Bấy và Bích Đầm thuộc vịnh Nha Trang với hơn 11 ha, diện tích còn lại ở khu vực sông Quán Trường với tổng kinh phí trên 35 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng ngập mặn cũng được ưu tiên ở vùng ven các vịnh Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh và ven hai đầm Nha Phu và Thủy Triều.
Trước năm 1990, ở những khu vực này có hàng nghìn ha rừng ngập mặn. Sau khi bị suy giảm mạnh, hiện nay khu vực này chỉ còn khoảng trên 100 ha. Việc mở rộng diện tích ao, đìa nuôi trồng thủy sản ở vùng ven biển là nguyên nhân chính gây mất rừng ngập mặn ở Khánh Hòa.
Từ năm 2006 đến nay, Khánh Hòa đã triển khai nhiều dự án trồng và khôi phục lại rừng ngập mặn ở xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, khu vực Đầm Bấy trong vịnh Nha Trang, ven đầm Thủy Triều, huyện Cam Lâm, nhất là ở ven đầm Nha Phu thuộc hai xã Ninh Ích và Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa. Theo đó, rừng ngập mặn hiện có ở Ninh Ích là trên 30 ha, Ninh Lộc khoảng 40 ha.
Khu rừng ngập mặn được bảo tồn ở xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa.
Ông Phạm Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích, huyện Vạn Ninh cho biết, việc trồng và khôi phục rừng ngập mặn được thực hiện dựa vào cộng đồng, hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài và ngân sách địa phương. Trong đó, quan trọng nhất là người dân đã có ý thức trồng rừng ngập mặn để bảo vệ bờ bao của ao, đìa nuôi trồng thủy sản và cải thiện môi trường vùng nuôi.
Việc trồng và khôi phục rừng ngập mặn ở Khánh Hòa cũng đang còn những khó khăn, do đất ngập mặn trước đây đã biến đổi khiến cây giống mới khó thích nghi. Hơn nữa, tỷ lệ cây ngập mặn sống và phát triển tại đây đạt khá thấp chỉ từ 50 - 60%. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí để trồng và bảo vệ rừng ngập mặn còn hạn chế, trong khi các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản và dự án phát triển kinh tế vẫn đang ảnh hưởng đến rừng ngập mặn…