Khánh Hòa - vươn lên cùng đất nước
Sau 50 năm ngày đất nước thống nhất, Khánh Hòa đã vươn lên thành một trong những địa phương có kinh tế phát triển mạnh nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Với nền tảng vững chắc, Khánh Hòa đang quyết tâm trở thành một cực tăng trưởng của cả nước.

Sắc cờ đỏ thắm tại khu vực Quảng trường 2 tháng 4 Nha Trang. Ảnh: CHÂU TƯỜNG
Đất nước thống nhất mở ra giai đoạn mới
Theo hồi ức của nhiều cán bộ lão thành cách mạng, sau năm 1975, Khánh Hòa cùng nhiều địa phương miền Nam phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do chiến tranh để lại. Lịch sử Đảng bộ tỉnh ghi lại: “Sản xuất công nghiệp hầu như không có, sản xuất tiểu thủ công là chủ yếu. Nông nghiệp manh mún, thô sơ, lạc hậu. Ở miền núi, hàng vạn đồng bào đói nghèo; ở đồng bằng, gần 2 vạn héc-ta ruộng đất bị hoang hóa…”. Nha Trang dù được nâng cấp lên thành phố từ năm 1977 nhưng cơ sở hạ tầng còn thô sơ, trung tâm chỉ gói gọn quanh chợ Đầm. Lầu 7 (nay là Nha Trang Hotel) là tòa nhà cao nhất lúc bấy giờ; dọc đường Trần Phú, công trình thưa thớt.

Một góc TP. Nha Trang. Ảnh: Vĩnh Thành
Đất nước thống nhất mở ra giai đoạn mới. Người dân Khánh Hòa bắt tay vào hàng loạt "chiến dịch" đầy tinh thần cách mạng: Rà phá bom mìn, khai hoang phục hóa, xóa nghèo, đẩy mạnh sản xuất, phục hồi hạ tầng bị chiến tranh tàn phá. Nhờ đó, kinh tế từng bước phát triển, đời sống người dân cải thiện rõ rệt. TP. Nha Trang ngày càng hiện đại, năng động. Bước sang thế kỷ XXI, đại lộ Nguyễn Tất Thành và đường Phạm Văn Đồng hình thành, kết nối với đường Trần Phú tạo thành cung đường biển đẹp nhất Việt Nam, chạy dài từ đèo Cù Hin đến Lương Sơn. Các khu đô thị mới như: Vĩnh Điềm Trung, VCN Phước Hải, Hà Quang, An Bình Tân mọc lên, thay thế dần ruộng vườn cũ. Ngày nay, từ sân bay Cam Ranh về trung tâm thành phố, du khách không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp nên thơ của biển và núi. Công viên bờ biển, hàng dừa xanh mát, khách sạn cao cấp nối dài ven biển, các khu du lịch nổi tiếng như: Vinpearl, Hòn Tằm… cùng hệ thống trung tâm thương mại hiện đại như Nha Trang Center, Vincom, Nha Trang Gold Coast đã tạo nên diện mạo mới cho thành phố biển.

Thành phố Nha Trang. Ảnh: Vương Mạnh Cường
10 năm trở lại đây, Khánh Hòa duy trì nhịp tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, diện mạo đô thị, nông thôn, miền núi khởi sắc. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 1,26%; hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh được công nhận thoát nghèo. Toàn tỉnh có 73/90 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31%. Quốc phòng - an ninh được giữ vững; chủ quyền biển, đảo ngày càng được củng cố.
Tư duy bứt phá
Dù đạt nhiều thành tựu, Khánh Hòa vẫn đối mặt với những hạn chế: Quy mô kinh tế còn nhỏ, du lịch phát triển chưa bền vững, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Đảng, Nhà nước và nhân dân kỳ vọng Khánh Hòa phải có những bước đi bứt phá để vươn lên mạnh mẽ hơn. Ngày 28-1-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết số 55/2022 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Đây là những "chìa khóa vàng" để Khánh Hòa bứt phá trong giai đoạn mới.

Một góc Nhà máy Đóng tàu HD Hyundai Việt Nam.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Đảng ủy UBND tỉnh cho biết, Khánh Hòa đặt mục tiêu tăng trưởng cao liên tục trong 10 năm tới. GRDP năm 2025 phấn đấu đạt 10,5%, giai đoạn 2026 - 2030 duy trì 11 - 11,5%. Tỉnh xác định ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại ngành nghề gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh, sức chống chịu. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân hằng năm đạt trên 95% kế hoạch. Tỉnh cũng sẽ thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực công nghiệp, đô thị, du lịch, logistics, đổi mới sáng tạo; tăng cường khai thác cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do; phát triển thương mại điện tử, logistics, vận tải biển và hàng không. Bên cạnh đó, Khánh Hòa đang tập trung phát triển các vùng động lực: TP. Nha Trang, vịnh Cam Ranh, Khu Kinh tế Vân Phong; đẩy nhanh đầu tư đường sắt tốc độ cao TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang, mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh, hoàn thiện hạ tầng thiết yếu phục vụ Vân Phong. Tỉnh cũng khẩn trương hoàn thành Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
50 năm nhìn lại, mỗi bước phát triển đều thấm đẫm nỗ lực, trí tuệ và khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Khánh Hòa. Từ những ngày gian khó đến hôm nay, Khánh Hòa đang sẵn sàng vươn mình mạnh mẽ, đồng hành cùng dân tộc bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Đảng ủy UBND tỉnh: “Với truyền thống cách mạng hào hùng và khát vọng vươn lên cháy bỏng, các tầng lớp nhân dân Khánh Hòa đã, đang và sẽ đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền để đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, bứt phá mạnh mẽ, bền vững hơn trong tương lai”.
Sau đại dịch Covid-19, kinh tế Khánh Hòa phục hồi mạnh mẽ. GRDP giai đoạn 2021 - 2024 tăng trưởng bình quân 8,1%/năm; riêng các năm 2022 - 2024 tăng trưởng hai con số: Năm 2022 tăng 18,9% (cao nhất cả nước); năm 2023 tăng 10,17% (thứ 4 cả nước); năm 2024 tăng 10,16% (thứ 7 cả nước). Quy mô GRDP năm 2024 đạt 128,7 nghìn tỷ đồng, xếp thứ 27 cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng cân bằng, đa dạng hóa động lực tăng trưởng; từng bước trở thành cực tăng trưởng khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202504/khanh-hoa-vuon-lencung-dat-nuoc-39719de/