Khánh Hòa yêu cầu vừa phòng dịch, vừa đáp ứng nhu cầu hàng hóa
UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu thúc đẩy các biện pháp vừa chống dịch, vừa đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho người dân đặc biệt trong khu phong tỏa.
Dịch bệnh Covid-19 tại tỉnh Khánh Hòa đang diễn biến rất phức tạp. Nhiều chợ truyền thống đã phải đóng cửa. Nhiều địa phương, khu dân cư đang bị phong tỏa tạm thời. Bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu trong lúc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất tại địa phương này.
Từ ngày 9/7, khi tỉnh Khánh Hòa áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại thành phố Nha Trang, thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh, các địa phương đã phát phiếu đi chợ, đi siêu thị, cửa hàng tiện lợi cho người dân. Mỗi hộ gia đình được phát phiếu với tần suất 4 ngày/lần, có 3 khung giờ: buổi sáng, buổi chiều và buổi tối, nhằm giảm số người đi mua sắm.
Từ ngày 26/7, khi các chợ truyền thống ở thành phố Nha Trang phải đóng cửa, người dân chỉ được đến các siêu thị, cửa hàng tiện lợi để mua hàng. Các phiếu đi chợ cũng quy định khu vực được phép mua hàng. Các biện pháp này đã hạn chế người dân tập trung đông nhưng gây nhiều bất tiện.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, ở phường Phước Hải, thành phố Nha Trang cho biết: “Hiện nay người dân được đi mua hàng hóa, nhu yếu phẩm vẫn còn chưa hợp lý. Ví dụ như: Buổi chiều, đi mua lúc 1h chiều trên kệ hàng đã sạch hết, không có hàng mà mua. Quy định mua hàng trong khu vực gần nơi sinh sống nhưng hàng không tươi, nhiều thời điểm thiếu hàng. Hiện nay, đóng cửa chợ đã khó khăn rồi mà giờ siêu thị còn đóng cửa nữa thì càng khó khăn hơn”
Trong khi đó, Bưu điện tỉnh Khánh Hòa đã triển khai việc bán hàng bình ổn giá hơn 10 ngày nay. Toàn tỉnh có 130 điểm bán hàng là các bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã cung ứng gần 200 mặt hàng nhu yếu phẩm như: Gạo, nước mắm, dầu ăn, sữa, nước rửa tay sát khuẩn, đồ dùng gia đình… Hàng hóa tại các điểm bán được niêm yết giá rõ ràng và áp dụng bình ổn theo giá thị trường. Khi tới mua hàng, người dân cần thực hiện nghiêm quy định 5K và đảm bảo giãn cách. Ngoài hình thức đến mua hàng trực tiếp tại các điểm phục vụ, người dân có thể đăng ký mua hàng qua bưu tá hoặc liên hệ số điện thoại hotline đã công bố của bưu điện.
Bà Ung Thị Vân, Giám đốc Bưu điện tỉnh Khánh Hòa cho biết, với mạng lưới rộng, hệ thống vận chuyển lớn nên các điểm bưu điện đã phục vụ tốt cho người dân tại các xã, phường đang có dịch bệnh.
“Khi thực hiện Chỉ thị 15, 16, độ phủ của lượng hàng hóa cung cấp nhiều hơn. Còn tất cả các điểm bán này, trước đây đã thực hiện cung cấp cho người dân tại địa bàn. Ngoài việc bán theo giá của Bưu điện thông báo, người lao động muốn có doanh số cao, họ còn trích giảm trực tiếp cho bà con”, bà Ung Thị Vân cho hay.
Hiện nay, tại thành phố Nha Trang có 8 siêu thị lớn và gần 50 cửa hàng tiện lợi rải đều tại 27 xã, phường. Tại huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa cũng có nhiều cửa hàng tiện lợi. Các địa phương đã yêu cầu các siêu thị, cửa hàng tiện lợi phải có phương án kinh doanh đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch; không để tập trung đông người, thực hiện giữ khoảng cách 2m khi chờ vào siêu thị…
Tỉnh Khánh Hòa cũng chú trọng đảm bảo an sinh xã hội cho người nghèo. Theo đó, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Khánh Hòa đã đưa vào vận hành Trung tâm cứu trợ nhân đạo, kịp thời hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn trong dịch bệnh. Đến nay, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã hỗ trợ 3,4 tỷ đồng gồm gạo, mì tôm, nước uống... cho người dân ở các khu cách ly, phong tỏa và các bác sỹ, các lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Đối với các khu phong tỏa, chúng tôi đã giao trách nhiệm lãnh đạo các phường, thành lập Trung tâm cứu trợ của Chữ thập đỏ, của Đoàn Thanh niên, Mặt trận, các đoàn thể tổ chức các gian hàng 0 đồng để có thể cung ứng các nhu yếu phẩm cho người dân trong vùng phong tỏa”./.