Khánh Ly người thổi hồn số 1 vào nhạc Trịnh
Cuộc gặp gỡ đầu tiên của Trịnh Công Sơn và Khánh Ly tại Đà Lạt là chặng đầu tiên trên hành trình chinh phục khán giả yêu âm nhạc bằng những bản tình ca lãng mạn say đắm lòng người của chàng nhạc sĩ tài hoa.
Nguyễn Thị Lệ Mai sinh ngày 6.3.1945, gặp Trịnh Công Sơn trong một đêm thanh xuân rực cháy ở hộp đêm Tulipe Rouge trên Đà Lạt. Ngay khi nhìn thấy Lệ Mai trên sân khấu và cất tiếng hát, Sơn đã bị mê hoặc bởi chất giọng trung trầm đặc biệt đầy cuốn hút ấy, để rồi sau lần gặp gỡ định mệnh, Sơn và Mai đã bắt đầu chuyến hành trình kéo dài 10 năm Trịnh Công Sơn - Khánh Ly. Sau này, chuyến hành trình của Trịnh và “nữ hoàng chân đất” đã biến họ trở thành những tượng đài âm nhạc bất hủ của Việt Nam.
Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thời trẻ - Ảnh tư liệu
Trong phim Em và Trịnh, nếu Bích Diễm lạnh lùng, xa cách như cơn mưa rào bất chợt; Dao Ánh ngọt ngào, tỏa nắng ban mai; Thanh Thúy liêu trai, đầy say đắm; thì Khánh Ly giống như cơn gió xào xạc cuối thu, xốn xang để bất kỳ ai lạc bước vào mùa thu ấy đều không tìm được đường về. “Nhìn những mùa thu đi, em nghe sầu lên trong nắng, và lá rụng ngoài song, nghe tên mình vào quên lãng. Nghe tháng ngày chết trong thu vàng…”, Trịnh Công Sơn đã dành Nhìn những mùa thu đi cho Khánh Ly trong quán cà phê Tùng cổ kính bậc nhất Đà Lạt, bắt đầu mối duyên kỳ lạ không dễ để cắt nghĩa mà chỉ có thể cảm nhận qua từng nốt nhạc.
Trịnh Công Sơn nói về tình yêu dành cho Khánh Ly: “Gặp gỡ Khánh Ly là một may mắn tình cờ, không phải cho tôi, mà còn cho cả cô ấy. Tôi và Khánh Ly là hai người bạn, thương nhau vô cùng”. Với chiếc đàn thùng đơn giản, Trịnh Công Sơn đã cùng Khánh Ly say sưa biểu diễn những bài tự tình quê hương. Ngay buổi biểu diễn đầu tiên tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, họ đã trở thành hiện tượng. Khánh Ly và Trịnh Công Sơn sau đó đã đi biểu diễn ở rất nhiều nơi, trước rất nhiều người và... không nhận thù lao.
Khánh Ly từ nữ ca sĩ Lệ Mai chuyên hát ở các hộp đêm Đà Lạt đã trở thành một Khánh Ly, một tri âm tri kỷ của Trịnh và những bản nhạc Trịnh. Giọng hát Khánh Ly như được sinh ra để thể hiện những tình khúc của Trịnh Công Sơn. Phim Em và Trịnh cũng sẽ tiết lộ vì sao Khánh Ly không chọn nghệ danh là tên thật Lệ Mai, lại chọn ghép từ tên hai nhân vật Khánh Kỵ và Yêu Ly trong tác phẩm Đông Chu liệt quốc mà bà vô cùng yêu thích.
Có vô số ca sĩ nổi tiếng hát nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, nhưng để nói đến sự chất chứa cảm xúc và thấu cảm về lời ca, nốt nhạc của Trịnh thì có lẽ chỉ mình Khánh Ly - người chắt chiu từng chữ, nắn nót từng câu từ như thể trái tim mách bảo rằng lần nào cũng sẽ là lần cuối được hát hát ca khúc của “người tình âm nhạc”.
Khánh Ly từng nói: “Trịnh Công Sơn là kỷ vật đời tôi”. Thời gian đầu khi bà đến bên Trịnh, ông từng nhắn nhủ: “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh” và Khánh Ly coi đó vẫn là bài học cuộc sống, sống trong đời sống bằng một tấm lòng.
Để vào vai “nữ hoàng chân đất”, Bùi Lan Hương đã trải qua 5 vòng casting nhưng cô là cái tên đầu tiên trong dàn diễn viên được ấn định.
Người thủ vai Khánh Ly trong phim, nữ ca sĩ Bùi Lan Hương từng theo đuổi dòng nhạc Dreampop và ghi dấu ấn bởi tiếng hát ma mị, phiêu du như một đóa hoa đêm nở muộn. Bên cạnh Avin Lu trong vai Trịnh Công Sơn thời trẻ, Bùi Lan Hương cũng là người thể hiện phần lớn các ca khúc nhạc phim Em và Trịnh.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nói về quá trình tuyển diễn viên hóa thân thành Khánh Ly: “Khi tôi xem băng casting của Bùi Lan Hương ở vòng ngoài trước khi gặp trực tiếp, tôi đã bị cuốn hút bởi thần thái của cô gái này. Nói ra hơi xấu hổ, lúc đó tôi không biết Bùi Lan Hương là ai. Vai Khánh Ly đòi hỏi khó hơn các vai nữ khác trong phim bởi với công chúng, mọi người có thể ít biết đến ca sĩ Thanh Thúy, Diễm hay Dao Ánh, nhưng hầu như ai cũng biết nữ ca sĩ Khánh Ly. Chính vì thế, diễn viên vào vai Khánh Ly phải có ngoại hình giống thần thái của nữ ca sĩ, đồng thời phải hát hay, vì đây có lẽ là nhân vật hát nhiều nhất trong phim”.
Hình ảnh Khánh Ly trong phim Em và Trịnh
Khánh Ly của Bùi Lan Hương có sự phóng khoáng ở cả giọng hát lẫn thần thái. Tuy nhiên, trong phim, khán giả sẽ được thấy cả những giây phút yếu mềm của “nữ hoàng chân đất”, như khi ở bên người tri kỷ, khi được hát những khúc Trịnh ca mà chẳng ai có thể hát hay hơn bà, hay những khoảnh khắc được coi là “kinh điển” trong lịch sử âm nhạc giữa Trịnh Công Sơn và Khánh Ly - như buổi biểu diễn ở Quán Văn với các ca khúc Da vàng.
Bùi Lan Hương chia sẻ về quá trình hóa thân thành nữ danh ca Khánh Ly: “Cô Khánh Ly là một tượng đài trong âm nhạc Việt Nam, với màu sắc thanh âm vô cùng đặc biệt, không thể nhầm lẫn. Mọi người biết về cô quá nhiều, quá rõ. Đó chính là khó khăn của tôi trong việc hóa thân thành một nhân vật mà ai cũng biết. Tôi mong diễn xuất của mình sẽ không trở thành một màn hóa trang mô tả, mà quan trọng là đem được tinh thần của người phụ nữ ấy từ lúc cô 19 tới 45 tuổi, để khán giả cảm nhận được tâm hồn, nhịp thở, suy tư ấy chứ không phải là xem một cuốn tư liệu tiểu sử cuộc đời. Nếu chỉ để nghe giọng hát, xem dáng hình thì ai cũng có thể tra cứu google, nhưng thấy một Khánh Ly trong đời sống, trong tình yêu, sau những hào quang sân khấu mới là điều mà tôi hướng tới”.
Trong Em và Trịnh, tạo hình của Bùi Lan Hương trong vai Khánh Ly tạo cảm hứng về một “giọt lệ thiên thu” trong buổi chiều tím loang vỉa hè.
Rồi mùa thu bay đi…
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/khanh-ly-nguoi-thoi-hon-so-1-vao-nhac-trinh-181061.html