Khánh Sơn: Mong được đầu tư 2 hồ thủy lợi
Với lợi thế về phát triển nông nghiệp, huyện Khánh Sơn đang tập trung vào mũi nhọn này. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn do chưa thể chủ động được nguồn nước tưới. Người dân huyện Khánh Sơn mong muốn Nhà nước sớm đầu tư xây dựng các hồ thủy lợi để giải quyết vấn đề nước sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn.
Với lợi thế về phát triển nông nghiệp, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang tập trung vào mũi nhọn này. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn do chưa thể chủ động được nguồn nước tưới. Người dân huyện Khánh Sơn mong muốn Nhà nước sớm đầu tư xây dựng các hồ thủy lợi để giải quyết vấn đề nước sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn.
Chưa chủ động được nước tưới
Tuy đã phát triển thành thủ phủ cây ăn quả của tỉnh nhưng hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp của huyện Khánh Sơn vẫn còn nhiều hạn chế. Lâu nay, việc sản xuất của người dân trên địa bàn vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn nước tự nhiên từ sông Tô Hạp, các suối nhỏ. Để tích nước phục vụ sản xuất, địa phương đã xây dựng nhiều đập dâng nhưng lượng nước tích trữ được rất ít, không thể đáp ứng nhu cầu tưới vào mùa khô hạn.
Những người trồng cây ăn quả tại Khánh Sơn cho biết, mùa khô vừa qua, thời tiết nắng nóng kéo dài 4 - 5 tháng khiến cây trồng bị thiếu nước trầm trọng, nhất là giai đoạn cây ra hoa, đậu quả. Một số vườn sầu riêng ở các xã Sơn Lâm, Sơn Bình bị ảnh hưởng nặng, thậm chí có cây chết do thiếu nước. “Cứ đến mùa khô, nông dân lại phải tranh nhau từng đoạn suối, khúc sông để đặt máy bơm đưa nước tưới lên cứu vườn cây; những vườn xa suối, xa sông Tô Hạp thì phải bơm chuyền nhiều chặng mới đưa nước lên được”, ông Nguyễn Văn Hiền - người trồng sầu riêng ở xã Sơn Hiệp nói.
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cho hay: “Trên địa bàn toàn huyện đang có hơn 2.700ha cây ăn quả với hơn 1.500ha sầu riêng, hơn 330ha bưởi da xanh, gần 70ha chôm chôm và hàng trăm héc-ta cây ăn quả khác. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chuyển đổi thêm gần 790ha sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, nguồn nước người dân sử dụng để tưới cho cây trồng chủ yếu phụ thuộc vào nước trời; nước bơm từ các sông, suối trên địa bàn và một phần nguồn nước ngầm. Ngoài ra, những năm qua, huyện đã đầu tư một số đập dâng để tích nước phục vụ chống hạn cho các vùng cây trồng trọng điểm ở Sơn Lâm, Sơn Bình, Sơn Trung, Ba Cụm Nam… Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu nước tưới. Do đó, địa phương đã nhiều lần kiến nghị tỉnh xem xét đầu tư hồ chứa nước Sơn Trung và Tà Lương để phục vụ sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn”.
Mong sớm đầu tư
Hiện nay, huyện Khánh Sơn mong muốn sớm được đầu tư 2 hồ chứa nước Sơn Trung và Tà Lương; 2 hồ này sẽ giải quyết được vấn đề nước sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn huyện. Đây cũng là điều kiện để giúp Khánh Sơn phát triển bền vững nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc xây dựng các hồ, hạ tầng thủy lợi sẽ thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương; giúp Khánh Sơn có điều kiện để phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.
Theo ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn, hiện nay, dự án hồ chứa nước Sơn Trung đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công và sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025, với tổng vốn đầu tư khoảng 184 tỷ đồng, sẽ phục vụ nước sản xuất và sinh hoạt cho thị trấn Tô Hạp, các xã: Ba Cụm Bắc, Sơn Trung, Sơn Hiệp, Sơn Bình. Trong khi đó, dự án hồ chứa nước Tà Lương thuộc danh mục các công trình đầu tư xây mới giai đoạn sau năm 2025 của quy hoạch thủy lợi tỉnh, do đó đến thời điểm này chưa có tên trong danh mục đầu tư thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, với những ý kiến, kiến nghị của người dân địa phương, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xem xét sự cần thiết đầu tư xây dựng hồ chứa nước Tà Lương và khả năng cân đối kinh phí để xem xét bổ sung hồ chứa nước Tà Lương vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Thanh Long