Khánh thành hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á
Hầm Hải Vân 2 có chiều dài 6,2 km (chiều dài tuyến 12,4 km bao gồm cả đường dẫn), do Tập đoàn Đèo Cả đề xuất đầu tư, là công trình hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á. Đây là một công trình kỷ lục, khẳng định năng lực của Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực hiện một dự án mang tầm cỡ quốc tế.
Ngày 11/1, tại khu vực cửa hầm phía Nam (thuộc địa phận quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng), Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả (thuộc Tập đoàn Đèo Cả), phối hợp cùng Bộ Giao thông Vận tải, TP. Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức khánh thành hầm Hải Vân 2, sau thời gian 3 năm thi công.
Đến dự và cắt băng khánh thành có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cùng lãnh đạo các bộ ngành và địa phương liên quan.
Theo Tập đoàn Đèo Cả, hạng mục hầm Hải Vân 2 có chiều dài 6,2 km (chiều dài tuyến 12,4 km bao gồm cả đường dẫn) là công trình hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á. Hầm Hải Vân 2 được Tập đoàn Đèo Cả đề xuất đầu tư, triển khai sau khi thực hiện một loạt công trình hầm Đèo Cổ Mã, Đèo Cả, Đèo Cù Mông. Đây là một công trình kỷ lục, khẳng định năng lực của Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực hiện một dự án mang tầm cỡ quốc tế.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, đèo Hải Vân là một cung đường quan trọng trên tuyến Quốc lộ 1. Trong quá khứ cung đường đèo là điểm đen tai nạn và ùn tắc giao thông. Sau khi hầm Hải Vân 1 do Nhật Bản tài trợ được hoàn thành vào năm 2005 đã cải thiện cơ bản điều kiện giao thông trên tuyến đường, rút ngắn hành trình trên tuyến xuyên Việt. Tuy nhiên, phương tiện tăng trưởng rất nhanh đã dẫn tới quá tải, việc xây dựng hầm Hải Vân 2 là một nhu cầu cấp thiết.
“Việc công trình hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng đã đánh dấu sự vươn lên làm chủ những công nghệ phức tạp nhất trong thi công cầu đường. Đây thực sự là tin vui lớn của ngành giao thông vận tải, là công trình chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, trong đó có đóng góp rất lớn của các cán bộ, kỹ sư Tập đoàn Đèo Cả. Điều này khẳng định Tập đoàn Đèo Cả là đơn vị số 1 tại Việt Nam trong việc đầu tư, quản lý những dự án hạ tầng giao thông lớn của đất nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương xem xét tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng giao thông, trong đó có những khó khăn, vướng mắc của Tập đoàn Đèo Cả.
Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, Dự án là khát vọng cháy bỏng của Tập đoàn nhằm xóa đi những vụ tai nạn thảm khốc trên những cung đường đèo nguy hiểm. Hơn nữa các dự án hầm do người Việt Nam thực hiện luôn đảm bảo trong an toàn trong quá trình thi công. Người Việt Nam một lần nữa khẳng định, đã làm chủ và sáng tạo công nghệ đào hầm tiên tiến của thế giới để thực hiện dự án. Doanh nghiệp đã chứng minh được năng lực trong cuộc đua tranh quốc tế.
“Quyết định chọn chiến lược tăng trưởng tập trung với tư duy “Nghĩ khác biệt - tạo cách biệt” đã giúp Tập đoàn Đèo cả hoàn thành nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng trong nhiệm kỳ 2016-2021, thực hiện đúng cam kết trước Chính phủ, câu trả lời cho những hoài nghi toan tính, phần nào đã trả món nợ với nhân dân về cam kết thực hiện các Dự án”, Chủ tich Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ.
Cũng theo Tập đoàn Đèo Cả, nhận thức nhu cầu đi lại của người dân trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán rất cần thiết (đảm bảo ATGT, giảm thời gian đi lại), tuy nhiên, việc đưa Dự án vào khai thác, vận hành sẽ phát sinh rất nhiều chi phí (Điện, nước, nhân công, bảo trì, bảo dưỡng hàng tháng lớn…) trong khi đó các vướng tài chính đã kéo dài vẫn chưa được giải quyết.
Vì vậy, Tập đoàn Đèo Cả tổ chức vận hành cho các phương tiện lưu thông qua 2 ống hầm trong 20 ngày, từ ngày 1/2/2021 đến hết ngày 21/2/2021 (tức từ ngày 20 tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày 10 tháng Giêng năm Tân Sửu). Sau thời gian trên, hầm Hải Vân 2 sẽ tạm dừng vận hành (Hầm Hải Vân 1 vẫn hoạt động bình thường) để chờ cơ quan chức năng giải quyết khó khăn vướng mắc đang tồn tại.