Khánh thành Khu di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa (1967-1973)
Hướng tới kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2023) sáng 2/2, tại xã Thiệu Viên (Thiệu Hóa) đã tổ chức Lễ khánh thành Khu di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa (giai đoạn 19671973).
Thực hiện chủ trương của Trung ương, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã sơ tán và đặt trụ sở làm việc của cơ quan Tỉnh ủy ở làng Viên Nội, xã Thiệu Viên, huyện Thiệu Hóa để ứng phó với “Chiến tranh cục bộ” và mở cuộc leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.
Tại đây, Tỉnh ủy đã cho thi công xây dựng các công trình như: Nhà làm việc của Thường trực Tỉnh ủy; hội trường lớn của Tỉnh ủy; nhà ăn, nhà ở và làm việc của cán bộ; các công trình khác như hầm trú ẩn, hệ thống giao thông, hào công sự…).
Nhiều sự kiện lịch sử quan trọng được diễn ra tại đây: Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, diễn ra từ ngày 6-9 đến ngày 9/9/1969; Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 7 diễn ra từ ngày 21/10 đến ngày 4/11/1969, Hội nghị nghiên cứu Nghị quyết của Quân ủy Trung ương và bàn công tác quân sự địa phương diễn ra từ ngày 4 đến ngày 6/4/1971.
Năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án: Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa (giai đoạn 1967-1973) trở thành địa chỉ đỏ tuyên truyền truyền thống cách mạng. Sau 17 tháng thi công, dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa (giai đoạn 1967-1973) đã được hoàn thành và tổ chức khánh thành đúng dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3-2-1930 – 3-2-2023) góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, đáp ứng tình cảm, sự mong đợi của các thế hệ lãnh đạo và các tầng lớp Nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, của các đơn vị chức năng, đặc biệt là của cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Thiệu Hóa, xã Thiệu Viên đã đóng góp tích cực vào việc hoàn thành xây dựng công trình Khu di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa (giai đoạn 1967-1973).
Tiếp nối và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thiệu Hóa sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng Thiệu Hóa thành huyện vững về chính trị, giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng - an ninh, sớm trở thành một trong những huyện dẫn đầu của tỉnh.
Thiệu Hóa là vùng đất cổ, được hình thành và phát triển cùng với tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Từ vùng đất này đã sinh thành, dưỡng dục nhiều bậc anh hùng hào kiệt, nhiều danh thần, võ tướng mà tên tuổi và sự nghiệp còn mãi mãi lưu danh trong sử sách, như: Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, nhà sử học lỗi lạc Lê Văn Hưu, Thượng thư Bộ lại Nguyễn Quán Nho,...
Vì nổi danh “địa linh, nhân kiệt” nên đây cũng là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, quê hương của nhiều chiến sĩ cách mạng trung kiên, nhiều cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa của Đảng và là địa bàn hoạt động quan trọng của các chiến sĩ cách mạng tiền bối - một trong những cái nôi của phong trào cách mạng tỉnh ta, nơi ra đời 1 trong 3 chi bộ Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh.
Trong suốt những năm tháng chiến tranh bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân; dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ huyện Thiệu Hóa đã lãnh đạo nhân dân phát huy truyền thống yêu nước của quê hương, ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, tích cực tham gia kháng chiến, kiến quốc, hoàn thành vẻ vang sứ mệnh hậu phương lớn đối với tiền tuyến.
Trong những năm tháng gian khó ấy, Thiệu Hóa đã trở thành một trong những trung tâm cách mạng, nơi đùm bọc, chở che cho phong trào cách mạng của tỉnh. Đặc biệt, trong giai đoạn 1967-1973, khi đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã trở thành nơi sơ tán, đóng chân của cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh và nhiều cơ quan của tỉnh; trong đó, làng Viên Nội, xã Thiệu Viên đã trở thành nơi làm việc của cơ quan Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Để phát huy hiệu quả, giá trị lâu dài của công trình, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đề nghị các cấp, các ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền huyện Thiệu Hóa, xã Thiệu Viên cần làm tốt công tác quản lý, giữ gìn, bổ sung thêm các tư liệu và phát huy tối đa giá trị sử dụng đưa công trình trở thành “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống cách mạng; thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, sinh hoạt chính trị, văn hóa, tư tưởng, du khảo về nguồn, nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, qua đó bồi đắp thêm niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước và khát vọng vươn lên cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Thanh Hóa đang bước vào giai đoạn phát triển mới với những khát vọng lớn lao phấn đấu đến năm 2025, trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc. Đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Để làm được điều đó, cần sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh; trong đó có vai trò rất quan trọng của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân huyện Thiệu Hóa.
Tiếp nối và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tôi mong và tin tưởng chắc chắn rằng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thiệu Hóa sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng Thiệu Hóa thành huyện vững về chính trị, giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng - an ninh, sớm trở thành một trong những huyện dẫn đầu của tỉnh.