Khánh thành Thư viện Pháp ngữ tại Học viện Ngoại giao - kỷ niệm mối quan hệ Việt – Pháp
Ngày 12/04/2023, Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam tổ chức Lễ khánh thành Thư viện Pháp ngữ và tổ chức chương trình Trao đổi 'Quan hệ Ngoại giao Việt - Pháp'. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.
Tham dự sự kiện, có PGS, TS. Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Singapore và UNESCO; Ông Nicolas Warnery, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam và các giảng viên, sinh viên Khoa tiếng Pháp, Học viện Ngoại giao.
Phát biểu khai mạc, PGS, TS. Dương Văn Quảng nhận định: “Năm 2023 là một năm quan trọng, đánh dấu tròn 50 năm mối quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam được thiết lập. Cho đến nay, quan hệ song phương Việt - Pháp đã được chú trọng nhiều hơn về mặt chính trị cũng như hợp tác mạnh mẽ trên các phương diện kinh tế, giáo dục, khoa học, công nghệ và văn hóa”.
Trong buổi Lễ Khánh thành Thư viện Pháp ngữ, PGS. TS. Dương Văn Quảng và Đại sứ Pháp Nicolas Warnery đã ôn lại sự đồng hành của mối Quan hệ hợp tác giữa Học viện Ngoại giao và Đại sứ quán Pháp trong chặng đường Quan hệ Ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp. Trong suốt quá trình đó, Đại sứ quán Pháp đã và luôn là một đơn vị hỗ trợ, hợp tác, nghiên cứu mạnh mẽ. Công trình Thư viện Pháp ngữ tại Học viện Ngoại giao do Đại sứ quán Pháp tài trợ xây dựng là một trong những bằng chứng cho sự phát triển của quan hệ hợp giữa hai bên.
Đại sứ Pháp Nicolas Warnery nhấn mạnh Lễ kỷ niệm 50 năm Quan hệ Ngoại giao giữa hai nước tại một công trình học thuật và nghiên cứu để khẳng định một lần nữa ĐSQ Pháp luôn quan tâm và chú trọng đến lĩnh vực giáo dục.
Bên cạnh lễ Khánh thành Thư viện Pháp ngữ, buổi Trao đổi “Quan hệ Ngoại giao Việt - Pháp” là một trong những điểm nhấn kỷ niệm dấu mốc đặc biệt trong quan hệ song phương Việt - Pháp.
TS. Dương Văn Quảng và Đại sứ Pháp Nicolas Warner đã ôn lại kỷ niệm từ những ngày đầu của Quan hệ Ngoại giao Việt - Pháp cho đến nay, những chuyến viếng thăm nhà nước mang tính lịch sử giữa hai bên, những sự kiện Pháp ngữ đa lĩnh vực quan trọng được tổ chức thường niên. Đặc biệt, Đại sứ Pháp Nicolas Warnery khẳng định Việt Nam luôn là một đối tác hợp tác quan trọng, Đại sứ tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam và của mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp. Nhiều câu hỏi đối thoại giữa các cán bộ, sinh viên Học viện Ngoại giao và Đại sứ Pháp đã được đặt ra trong bầu không khí cởi mở và sôi nổi.
TS. Dương Văn Quảng một lần nữa nhấn mạnh nhấn mạnh: “Năm 2023 là năm đặc biệt trong quan hệ Việt - Pháp, hai nước sẽ cùng nhau kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược. Những kết quả đã đạt được đang cho thấy những tiềm năng to lớn trong quan hệ song phương, đồng thời cũng là động lực quan trọng cho sự phát triển tiếp theo của mối quan hệ Việt-Pháp trong tương lai sắp tới, nhất là trong bối cảnh quan hệ quốc tế đang diễn biến phức tạp với sự cạnh tranh gay gắt giữa các chủ thể trên thế giới”.
Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức năm 1973. Cho đến nay, hợp tác giữa hai nước vẫn luôn thể hiện sự năng động, tích cực và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực liên quan đến kinh doanh, kinh tế, chống biến đổi khí hậu, đại học, di sản, đến cách tiếp cận tương đồng về một số vấn đề liên quan đến an ninh và sự ổn định… Ngoài ra, giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương cũng là một lĩnh vực quan trọng trong mối quan hệ hai nước. Hiện có khoảng trên 300.000 người Việt Nam đang sống và làm việc tại Pháp; đã có khoảng 3.000 người Việt Nam được đào tạo tại Pháp là những chuyên gia pháp lý, giảng viên đại học, bác sĩ, nhà nghiên cứu… Công trình Thư viện Pháp ngữ tại Học viện Ngoại giao do Đại sứ quán Pháp tài trợ xây dựng năm 2022 là một trong những bằng chứng cho quan hệ hợp tác đó. Một công trình nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, có tác dụng hỗ trợ cho việc giảng dạy, nghiên cứu và học tập của giảng viên và sinh viên Pháp ngữ của Học viện Ngoại giao, từ đó tiếp tục duy trì và củng cổ sợi dây gắn kết giữa hai nước.