Khánh Vĩnh: Chủ động tìm các giải pháp cấp nước sinh hoạt

Theo ông Lê Kim Sung - Chủ tịch UBND xã Cầu Bà, hiện nay, 80% giếng đào trên địa bàn đã trơ đáy; giếng khoan có 4 cái nhưng lượng nước đang cạn dần. Hệ thống nước tự chảy là nguồn cung cấp chính nước sinh hoạt cho xã với 2 thôn, hơn 450 hộ, nhưng hệ thống này đã xuống cấp nặng (đầu tư từ năm 2000)...

Khan hiếm nguồn nước

Theo ông Lê Kim Sung - Chủ tịch UBND xã Cầu Bà, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa hiện nay, 80% giếng đào trên địa bàn đã trơ đáy; giếng khoan có 4 cái nhưng lượng nước đang cạn dần. Hệ thống nước tự chảy là nguồn cung cấp chính nước sinh hoạt cho xã với 2 thôn, hơn 450 hộ, nhưng hệ thống này đã xuống cấp nặng (đầu tư từ năm 2000), chỉ có thể cung cấp được cho 200 hộ ở chế độ luân phiên. Xã đã báo cáo huyện và đề nghị sửa chữa, nâng cấp nhưng trước mắt, người dân phải khắc phục bằng cách lấy nước sông, suối về sinh hoạt.

 Giếng khoan tại thôn Gia Răng, xã Khánh Thành đã hoạt động trở lại.

Giếng khoan tại thôn Gia Răng, xã Khánh Thành đã hoạt động trở lại.

Tại xã Khánh Thành, tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt đỡ hơn. Bà Mang Thị Hương (thôn Gia Răng) cho biết, thời gian qua, do giếng khoan bị trục trặc, bà và những hộ trong khu vực phải đi gánh nước từ sông, suối gần đó về dùng. Hiện nay, xã đã sửa chữa xong hệ thống bơm và giếng khoan đã hoạt động trở lại. Bà cùng những hộ trong xóm bỏ tiền mua ống kéo về nhà dùng nên đỡ phải đi gánh nước.

Ông Đặng Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thành cho hay, thời gian qua, các giếng khoan thường xảy ra hỏng hóc, làm gián đoạn việc cấp nước sinh hoạt cho người dân. Vừa qua, xã đã bỏ kinh phí sửa chữa toàn bộ hệ thống giếng khoan gồm 8 cái tại 2 thôn của xã nên hoạt động cung cấp nước sinh hoạt đã ổn. Xã cũng đã thành lập ban quản lý, giao thôn trưởng làm đầu mối quản lý, vận hành công trình cấp nước tại các thôn. Thôn họp dân thông qua phương án, kế hoạch hoạt động của công trình nước sạch, vận động người dân trả chi phí sử dụng nước, sửa chữa, bảo trì, nếu không đủ xã sẽ hỗ trợ. Về hệ thống nước sạch tập trung của huyện triển khai cho 3 xã Khánh Thành, Khánh Nam và Sông Cầu hiện đã kéo đường ống về 1 thôn của xã, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ đấu nối, hộ người Kinh tự bỏ kinh phí đấu nối. Trong tình hình hạn hán ngày càng khắc nghiệt, xã kiến nghị huyện hỗ trợ thêm 5 giếng khoan, hiện nay Phòng Dân tộc đã hỗ trợ kinh phí 3 cái.

Theo lãnh đạo huyện Khánh Vĩnh, toàn huyện có 1 nhà máy nước tại thị trấn Khánh Vĩnh, 17 hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn và 50 giếng khoan công cộng. Nếu nắng nóng kéo dài, một số công trình cấp nước không đủ khả năng cung cấp tại một số xã như: Khánh Hiệp, Khánh Thành, Cầu Bà… Số còn lại chỉ đảm bảo 50 - 80% công suất. Do vậy, nguồn nước sinh hoạt bổ sung chủ yếu là giếng đào, giếng khoan và sông, suối.

Dự kiến chở nước cấp cho 10.000 người dân

Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt phục vụ người dân, huyện Khánh Vĩnh đã đề ra các giải pháp như: Tăng cường kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống cấp nước; chuẩn bị vật tư dự phòng sẵn sàng khắc phục hư hỏng, giảm thất thoát nước; các địa phương chủ động cân đối, phân phối lượng nước hợp lý trên các tuyến, mạng cấp nước; vận động người dân chủ động dự trữ nước…

Theo ông Lương Nguyễn Nhật Trường - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh, để chủ động cấp nước sinh hoạt cho người dân, huyện đề ra 2 kịch bản: Nếu nắng nóng kéo dài đến hết tháng 5, huyện sẽ triển khai khoan giếng tại các khu vực thiếu nước; nếu nắng hạn kéo dài tới tháng 8, huyện sẽ kiểm tra hiện trạng các công trình, nâng cấp, cải tạo kịp thời, đồng thời tính toán chở nước cung cấp cho các vùng thiếu nước trầm trọng. Dự kiến huyện sẽ chở nước cấp cho 10.000 người dân và cấp 123 túi bạt dự trữ nước sinh hoạt.

Liên quan đến công trình cấp nước tập trung 3 xã Khánh Thành, Khánh Nam và Sông Cầu, ông Phan Hải Đăng - Trưởng Ban quản lý Công trình công cộng và Môi trường huyện Khánh Vĩnh cho biết, từ tháng 11-2019, hệ thống mạng cấp 2 đã được bàn giao cho ban quản lý với tổng chiều dài tuyến ống cấp 1 hơn 12.000m, cấp 2: 5.000m. Đầu năm 2020, huyện cho đơn vị tạm ứng 320 triệu đồng để đấu nối đường ống vào các hộ dân. Hiện nay, có tổng cộng 195 đầu mối. Trong đó, phần lớn là xã Sông Cầu, 2 xã còn lại mỗi xã 20 đầu mối. Việc đấu nối sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới nhằm đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân trong khu vực hệ thống đảm nhận.

V.L

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/doi-song/202005/khanh-vinh-chu-dong-tim-cac-giai-phap-cap-nuoc-sinh-hoat-8164834/