Khảo nghiệm giống lúa mới, nâng cao năng suất, chất lượng

ĐBP - Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo, tiến tới tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thời gian qua, ngành Nông nghiệp, các HTX đã tích cực chủ động phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất lúa giống tổ chức thực hiện các mô hình trồng khảo nghiệm giống lúa mới. Từ đó lựa chọn những giống có năng suất, chất lượng tốt bổ sung vào cơ cấu giống và đưa vào canh tác trên địa bàn tỉnh.

Chị Nguyễn Thị Hương, xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên) cùng cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam trao đổi về những ưu điểm của giống lúa mới VNR20.

Chỉ còn khoảng chục ngày nữa, mô hình trồng thử nghiệm giống lúa VNR20 tại xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) sẽ cho thu hoạch. Đây cũng là vụ thứ 2, Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) gieo trồng thử nghiệm giống lúa VNR20 trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Dù là giống lúa mới, song VNR20 lại được các hộ dân đã thử nghiệm đánh giá rất cao về năng suất, khả năng chống chịu sâu bệnh, chịu rét tốt, thời gian sinh trưởng ngắn nên có thể bố trí được cả vụ xuân và vụ hè thu trên địa bàn. Dẫn chúng tôi tham quan khu ruộng rộng hơn 7.000m2 trồng thử nghiệm giống lúa VNR20, bà Nguyễn Thị Hương, xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên) cho biết: Đây là vụ thứ hai gia đình tôi gieo trồng giống lúa thuần VNR20. Sau khi thu hoạch vụ lúa trước, tôi thấy giống lúa này có thời gian sinh trưởng ngắn hơn so với các giống lúa khác nhưng năng suất khá cao. Nếu như vụ trước đạt năng suất khoảng 75 tạ/ha thì vụ mùa này, tôi tính toán năng suất đạt cũng không kém, cũng phải đạt từ 72 – 75 tạ/ha. Đặc biệt là giống lúa này mới được đưa vào gieo cấy nhưng có những ưu thế vượt trội, lúa cứng cây, thích hợp với điều kiện thời tiết tại địa phương, chống chịu được mưa giông, ít nhiễm sâu bệnh. Ngoài ra, giống lúa VNR20 có năng suất cao lại có chất lượng gạo dẻo, ngon nên gia đình sẽ tiếp tục trồng vào những vụ tiếp theo.

Là công ty chuyên cung cấp giống lúa, hàng năm Công ty TNHH Giống - Vật tư nông nghiệp Xuân Hà cũng thử nghiệm nhiều giống lúa khác nhau để lựa chọn các giống lúa chất lượng, năng suất cao đưa vào sản xuất, trong đó có giống lúa VNR20. Ông Nguyễn Văn Hà, Công ty TNHH Giống - Vật tư nông nghiệp Xuân Hà, cho biết: Giống VNR20 do Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam thử nghiệm, với đặc tính có thể cấy được cả 2 vụ trong năm, trong đó vụ xuân có thời gian sinh trưởng từ 115 – 120 ngày, vụ hè thu từ 95 - 100 ngày. Thực tế triển khai cho thấy toàn bộ diện tích lúa trồng theo mô hình phát triển tốt, ít sâu bệnh, tỷ lệ hạt chắc cao, số hạt trên bông nhiều, đặc biệt khả năng chống đổ tốt trên cả những chân ruộng sâu. Dự kiến thu hoạch năng suất bình quân đạt 72 tạ/ha, thâm canh tốt đạt 80 tạ/ha. Ngoài VNR20, công ty còn triển khai thử nghiệm với nhiều giống lúa mới để lựa chọn các giống lúa có sức chống chịu sâu bệnh tốt, cho năng suất cao để gieo trồng trên phạm vị rộng hơn.

Theo thống kê của Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vụ đông - xuân năm 2020 - 2021, lượng giống lúa được cung ứng, sử dụng ước khoảng 489,04 tấn. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, các địa phương đã thực hiện nhiều mô hình sản xuất áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới. Trong đó, có một số mô hình sản xuất tiêu biểu, như: Mô hình trình diễn áp dụng giống mới và áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống lúa ADI 168, Hanna112, thực hiện tại các xã trên địa bàn huyện Tủa Chùa với quy mô 39ha; Mô hình trình diễn giống lúa thuần chất lượng cao HDT 10 thực hiện tại các xã của huyện Nậm Pồ với quy mô 43,11ha; Mô hình trình diễn áp dụng tiến bộ kỹ thuật bón phân hữu cơ trong sản xuất lúa vụ đông - xuân triển khai tại huyện Điện Biên Đông, với quy mô 28,2ha; Mô hình ứng dụng giống lúa mới và tiến bộ kỹ thuật trong bón phân hữu cơ cho lúa vụ đông - xuân năm 2020 - 2021, triển khai tại huyện Mường Nhé với quy mô 213,21ha… Các tiến bộ kỹ thuật tiếp tục duy trì, nhân rộng và tiến bộ kỹ thuật mới được thử nghiệm đã góp phần thay đổi nhận thức nhân dân trong sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, giống lúa mới vào sản xuất không chỉ cho năng suất cao, chất lượng gạo tốt, giống lúa mới còn có khả năng chống chịu với sâu bệnh và thời tiết khắc nghiệt của vùng cao, thời gian sinh trưởng của cây lúa lại ngắn. Nhờ vậy có thể đẩy mạnh việc thâm canh tăng vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con. Qua đó từng bước thay đổi tập quán canh tác, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các giống lúa mới vào gieo cấy thay thế giống lúa thuần địa phương năng suất thấp, góp phần tăng năng suất, chất lượng lúa trên cùng một đơn vị diện tích.

Bài, ảnh: Quang Hưng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/khoa-hoc-cong-nghe/187341/khao-nghiem-giong-lua-moi-nang-cao-nang-suat-chat-luong