Khảo sát, đánh giá việc gửi, thờ phụng tro cốt, di ảnh của người quá cố tại các cơ sở tự viện Phật giáo
Ngày 4/9, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản số 195/HĐTS-VP1 về việc khảo sát, đánh giá việc gửi, thờ phụng tro cốt, di ảnh của người quá cố tại các cơ sở tự viện Phật giáo. Liên quan đến vụ việc tro cốt được gửi tại chùa Kỳ Quang 2 (phường 17, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) bị để lộn xộn, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thông tin với báo Tin tức về vấn đề này.
Việc gửi tro, cốt ở chùa trước nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam có quy định không, thưa Thượng tọa?
Việc này đã có từ xưa đến nay rồi. Đây là việc đương nhiên. Độ tử giúp cho người chết là một trong những hạnh nguyện của người tu. Trước đây các chùa thường hay có các nghĩa trang, sau này thì có tro cốt.
Về việc này cũng không có quy định nào, vì Giáo hội Phật giáo Việt Nam không thể ra quy định chung, vì mỗi chùa có đặc thù khác nhau.
Ví dụ những chùa di tích thì không thể để tro cốt. Cho nên, không có quy định chung nào cả. Tùy chùa, tùy điều kiện, những chùa chật chội thì làm sao để được.
Việc gửi tro cốt cũng không phải là cái phổ biến.
Thực tế cho thấy, ở các tỉnh ngoài Bắc thì hình như không có gửi tro cốt, có đúng vậy không Thượng tọa?
Ngoài Bắc mới đây mới có thôi, chưa phổ biến lắm. Bây giờ có một số nơi như chùa Phúc Khánh, chùa Tứ Kỳ. Chủ trương của Nhà nước khuyến khích người dân khi mất đi thì hỏa táng, nhưng một số tỉnh thì có chủ trương đưa vào chùa, nơi có điều kiện thì xây tháp để mọi người để cốt.
Song ở các tỉnh ngoài Bắc còn ít, không phổ biến.
Do vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam không có quy định chung, bởi vì đây không phải là cái chung. Tuy nhiên, sau vụ việc ở chùa Kỳ Quang 2, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng phải tính đến việc yêu cầu phải khảo sát xem tình hình như thế nào. Không phải chùa nào cũng có.
Nghĩa là mình không đưa việc này vào quản lý, thưa Thượng tọa?
Về quản lý, cơ bản thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam không có cụ thể. Còn chùa nào tổ chức thì phải thực hiện theo đúng về mặt tâm linh, thờ phụng và phải tuân thủ theo Bộ luật Hình sự.
Hướng tới Giáo hội Phật giáo Việt Nam có văn bản gì không, thưa Thượng tọa?
Hướng tới Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ có văn bản, trước hết là để cho các Ban Trị sự khảo sát, thống kê và nắm vững việc thờ phụng ở đơn vị mình như thế nào.
Về cơ bản, các chùa thờ phụng rất tốt. Như chùa Vĩnh Nghiêm đã làm lâu rồi, làm rất tốt, bây giờ còn có cả khu lắp điều hòa theo yêu cầu của người dân.
Trường hợp ở chùa Kỳ Quang 2, do cụ Hòa thượng khi tiến hành tu sửa chùa đã thiếu quán xuyến đội ngũ thợ xây dựng nên dẫn đến việc để lộn xộn (không phải là bỏ đi như có báo đã nêu). Thực ra nhà chùa đã có sai và Hòa thượng đã xin lỗi trước bà con rồi.
Do chùa đang tu sửa, xếp tro cốt vào một khu, lẽ ra người ta phải làm kệ, đây lại để xuống dưới, cảm thấy không linh thiêng, lại đúng vào dịp tháng Bảy, tâm linh nên câu chuyện bức xúc là đương nhiên.
Đến mình cũng phải bức xúc. Nhưng về cơ bản đã giải quyết ổn thỏa từ hôm qua rồi.
Tôi đã chỉ đạo, sau khi làm việc với chính quyền, về gặp bà con nhân dân, có lời sám hối, hứa sớm hoàn thiện việc tu sửa trong vòng 1 tháng, đến Rằm tháng 8 âm lịch là phải bày biện trang nghiêm.
Những tro cốt bị thất lạc hình ảnh thì phải cố gắng giải quyết.
Vậy hướng tới là vẫn cứ để cho các chùa thực hiện, thưa Thượng tọa?
Không những vẫn thực hiện mà bây giờ một số chính quyền địa phương còn khuyến khích việc đó. Có điều là Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng sẽ nhắc nhở các chùa để sao cho trang nghiêm và quản lý cho thật tốt, bởi đây là một tài sản đặc biệt.
Xin trân trọng cảm ơn Thượng tọa!