Khảo sát thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp
PTĐT - Ngày 9/9, tiếp tục chương trình làm việc, Đoàn ĐBQH tỉnh do đồng chí Cao Đình Thưởng - TUV, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn...
Đoàn khảo sát thực tế về công tác dạy nghề tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hạ Hòa
PTĐT - Ngày 9/9, tiếp tục chương trình làm việc, Đoàn ĐBQH tỉnh do đồng chí Cao Đình Thưởng - TUV, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn đã khảo sát thực tế việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2016 - 2019 tại huyện Hạ Hòa. Tham gia đoàn công tác có đồng chí: Lê Thị Yến - Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội.
Thực hiện chính sách pháp luật về GDNN giai đoạn 2016-2019, UBND huyện Hạ Hòa đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật GDNN với nhiều hình thức phong phú. Thông qua hoạt động tuyên truyền, tư vấn đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tổ chức, triển khai Luật GDNN. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GDNN từng bước được hoàn thiện; mạng lưới cơ sở GDNN phát triển rộng khắp, đa dạng về loại hình và trình độ đào tạo. Thực hiện Luật GDNN, huyện đã sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm dạy nghề huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Hạ Hòa. Sau 5 năm hoạt động, Trung tâm đã đào tạo được trên 1.710 lượt học viên trình độ sơ cấp, 121 lượt học viên trình độ Trung cấp nghề; tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ nghề cho gần 4.500 học sinh THCS trên địa bàn huyện. Sau đào tạo, 100% học viên lao động nông thôn nghề nông nghiệp có việc làm tại chỗ; số học viên học nghề phi nông nghiệp có việc làm đạt 75,3%.
Cùng với kết quả đạt được, thực hiện chính sách pháp luật về GDNN giai đoạn 2016-2019, UBND huyện Hạ Hòa kiến nghị, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN và đào tạo tại doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp; tăng cường đầu tư cho phát triển GDNN đối với người dân ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH cần xem xét ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện nhằm tạo tính thống nhất trong quản lý, điều hành và xem xét người lao động có thể được học từ 2 đến 3 nghề đáp ứng nhu cầu của người lao động.Tại buổi khảo sát, các thành viên trong Đoàn đề nghị UBND huyện Hạ Hòa làm rõ thêm một số vấn đề như: Các văn bản cụ thể của UBND huyện chỉ đạo về công tác GDNN-GDTX; việc đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng giáo viên cho Trung tâm GDNN-GDTX như thế nào; việc ghép GDNN với GDTX có phù hợp không; hàng năm huyện có thực hiện tổng hợp nguồn nhân lực cần được đào tạo nghề, nghề nào cần, nghề nào không cần để có phương án đào tạo phù hợp.Bên cạnh đó, nhiều vấn đề xung quanh công tác giáo dục, đào tạo cũng được thành viên trong Đoàn quan tâm làm rõ như: Nguyên nhân học sinh vào học tại Trung tâm GDNN-GDTX; việc phân luồng học sinh sau khi học hết THCS vào học tại Trung tâm GDNN-GDTX có phù hợp không; nghề nào được nhiều học sinh lựa chọn học; việc liên thông học nghề tại trung tâm.
Sau khi nghe các ý kiến, đồng chí trưởng Đoàn khảo sát Cao Đình Thưởng ghi nhận, tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của UBND huyện Hạ Hòa. Đồng chí khẳng định, các đề xuất, kiến nghị của huyện sẽ được Đoàn tổng hợp, báo cáo Quốc hội để Luật GDNN ngày càng hoàn thiện; đồng thời đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan tiếp thu, giải quyết để công tác GDNN, GDTX đạt hiệu quả hơn nữa.