Khảo sát thực hiện đề án thành lập thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn
Sáng 22-8, đồng chí Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã dẫn đầu đoàn công tác gồm: Bộ Xây dựng, Bộ Tư Pháp, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội khảo sát kết quả thực hiện đề án thành lập thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn. Cùng đi với đoàn có đồng chí Lê Thị Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành cấp tỉnh.
Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng phát biểu tại buổi làm việc
Đô thị Nưa, thuộc địa bàn huyện Triệu Sơn được UBND tỉnh Thanh Hóa lập quy hoạch năm 2008 và phê duyệt quy hoạch điều chỉnh vào năm 2016, thuộc địa giới hành chính của xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn. Địa phương có truyền thống văn hóa - lịch sử lâu đời, trong đó, có quần thể di tích lịch sử quốc gia Am Tiên, bao gồm Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên gắn với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu. Xã Tân Ninh hiện là trung tâm khai khoáng - chế biến quặng lớn nhất cả nước với trữ lượng quặng cromit khai thác 150.000 tấn/năm. Có tuyến quốc lộ 47C, tỉnh lộ 517 giao cắt với đường nối Sân bay Sao Vàng - Khu Kinh tế Nghi Sơn, là điều kiện thuận lợi để phát triển các hoạt động giao thương.
Đại diện Bộ Tư pháp phát biểu tại buổi làm việc
Sau hơn 10 năm tổ chức thực hiện quy hoạch chung xây dựng đô thị Nưa với định hướng trở thành trung tâm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch, đến nay, bộ mặt đô thị trên địa bàn xã Tân Ninh đã có nhiều thay đổi tích cực. Khu đô thị quy hoạch rộng 150ha với tổng giá trị đầu tư 1.270 tỷ đồng. Hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, đường giao thông cơ bản được bê tông hóa. Tuyến đường chính được chiếu sáng, các hộ gia đình đều sử dụng điện lưới, nước sạch, rác thải được thu gom và xử lý hợp vệ sinh. Sự thay đổi về kinh tế - xã hội đã làm thay đổi quá trình tổ chức dân cư theo hướng tập trung với mật độ cao, hình thành lối sống đô thị, tổ chức sản xuất và chuyên môn hóa dần có sự chuyển dịch tích cực. Đô thị Nưa đã được công nhận đạt chuẩn đô thị loại V vào năm 2016.
Đề án thành lập thị trấn Nưa được thực hiện theo quyết định số 6371/BNV-CQĐP ngày 28-12-2018 của Bộ Nội vụ. Theo báo cáo của UBND tỉnh, đánh giá 4 điều kiện thành lập đơn vị hành chính thị trấn và các tiêu chuẩn đơn vị hành chính thị trấn Nưa đều đáp ứng yêu cầu, như: quy mô dân số, diện tích, cơ cấu và trình độ kinh tế… Theo đó, thị trấn Nưa được thành lập theo phương án nguyên trạng diện tích, dân số xã Tân Ninh. Sau khi thành lập, thị trấn Nưa có diện tích 21,20km2; quy mô dân số 9.638 người với 11 tổ dân phố. Việc thành lập thị trấn Nưa trên cơ sở nguyên trạng xã Tân Ninh không làm phát sinh bộ máy, biên chế, góp phần bảo đảm tiêu chuẩn của đơn vị hành chính theo quy định; tạo tiền đề pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức bộ máy quản lý đô thị, nhằm đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý hành chính trên địa bàn. Đồng thời, kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa - lịch sử tại địa phương, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị đã được duyệt.
Đồng chí Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu kết luận buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành Trung ương đánh giá sự cần thiết và cơ bản thống nhất cao quá trình thực hiện đề án thành lập thị trấn Nưa. Tuy nhiên, nhằm hoàn thiện đề án một cách toàn diện và bảo đảm các yếu tố pháp lý do sự thay đổi của các văn bản quy phạm pháp luật, đoàn công tác đề nghị chính quyền địa phương hoàn thiện đề án theo hướng: Nêu rõ hơn các kết quả thực hiện chương trình phát triển đô thị từ năm 2008 đến nay trên các mặt kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng vấn đề xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý. Trong đó, trọng tâm nêu rõ sự phát triển, thay đổi bộ mặt đô thị, việc phát triển, đầu tư các lĩnh vực có tiềm năng và định hướng như công nghiệp khai khoáng, thương mại, du lịch… làm tiền đề cho sự phát triển thị trấn Nưa. Đánh giá toàn diện những biến động, thay đổi về các mặt chính trị, xã hội khi thay đổi địa danh hành chính từ xã lên thị trấn.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, chính quyền địa phương thực hiện bổ sung hoàn chỉnh dự án, trong đó cần thể hiện rõ nét những bước phát triển của bộ mặt đô thị Nưa, xây dựng các định hướng cụ thể với các các tiêu chí còn hạn chế. Thực hiện rà soát các thủ tục pháp lý, hoàn chỉnh đề án trên cơ sở các quy định, hướng dẫn của pháp luật để trình hội đồng thẩm định.