KHẢO SÁT THỰC HIỆN LUẬT ĐIỆN ẢNH TẠI HÀ NỘI: TÍNH TOÁN XÂY DỰNG RẠP CHIẾU PHIM TẠI CÁC HUYỆN NGOẠI THÀNH
Tại buổi làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Hội Điện ảnh Hà Nội, và Công ty TNHH MTV điện ảnh Hà Nội về thực hiện Luật Điện ảnh (sáng 19/01), Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng kiến nghị thành phố quan tâm đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực này, đặc biệt là tính toán xây dựng rạp/cụm rạp chiếu phim tại các huyện ngoại thành, đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân.
Báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định, từ khi Luật Điện ảnh ra đời, công tác phát hành, phổ biến phim được nâng cao rõ rệt. Hoạt động chiếu phim có những chuyển biến tích cực, qua đó nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của Nhân dân; tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống của con người, đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách Thủ đô.
Các đơn vị sự nghiệp được quan tâm đầu tư kinh phí mua máy chiếu phim kỹ thuật số HD, xe ôtô trang bị cho các đội chiếu phim lưu động, cấp kinh phí cải tạo, chống xuống cấp rạp chiếu phim. Danh mục phim ngày càng đa dạng, phong phú góp phần làm tốt công tác phục vụ nhiệm vụ chính trị của Thủ đô Hà Nội và đất nước.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, do nguồn ngân sách đầu tư hạn hẹp nên các rạp chiếu phim chưa được trang bị hiện đại theo kịp xu thế hiện nay. Nhiều rạp được xây dựng trước năm 1954 nên khuôn viên nhỏ, chưa được cải tạo thành cụm rạp, có các dịch vụ đi làm, nên khó cạnh tranh với các cơ sở phổ biến phim nước ngoài.
Hiện nay Công ty TNHH Một thành viên Điện ảnh Hà Nội sở hữu 6 cụm rạp là: Rạp Tháng 8 (phố Hàng Bài); Rạp Bạch Mai (phố Bạch Mai), Rạp Đống Đa (phố Thái Thịnh), rạp Mê Linh (phố Lò Đúc), rạp Dân Chủ (phố Khâm Thiên), rạp Kinh Đô (phố Cửa Nam). Tuy nhiên, trong đó chỉ duy nhất cụm rạp Tháng 8 gồm 4 phòng chiếu với 980 ghế đang hoạt động (nhưng cũng không thể cạnh tranh được với các cụm rạp tư nhân); các cụm rạp khác đã chuyển đổi kết hợp xã hội hóa nhiều loại hình dịch vụ văn hóa khác nhau.
Trong nhiều năm qua, Hà Nội không có cơ sở điện ảnh nào sản xuất phim truyện, tập trung vào thể loại phim tài liệu, phóng sự nhằm tuyên truyền chính trị, giới thiệu quảng bá về Thủ đô hoặc phục vụ nội bộ... Năm 2021, thành phố dự kiến kêu gọi các nguồn lực xã hội triển khai dự án phim tài liệu nghệ thuật “Hà Nội tôi yêu” (giai đoạn 1 dự kiến sản xuất 100 tập phim) để trình chiếu trên các phương tiện truyền thông hiện đại nhằm quảng bá hình ảnh và thu hút khách du lịch quốc tế.
Để thúc đẩy hoạt động điện ảnh phát triển, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội kiến nghị cần có sự quan tâm hơn nữa đối với hoạt động của ngành Điện ảnh nói chung, công tác phát hành, phổ biến phim nói riêng. Nên giữ nguyên mô hình hoạt động hiện nay để các cơ sở điện ảnh có thể phát huy tối đa sức mạnh của mỗi đơn vị.
Tiếp tục có chính sách hỗ trợ, chương trình mục tiêu đối với chiếu phim lưu động tại các địa bàn khó khăn, chưa có điều kiện đầu tư trang thiết bị máy móc phù hợp để hoạt động. Hiện nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Thông tư quy định cho đội chiếu phim lưu động, đề nghị Bộ Tài chính có thông tư quy định chế độ kinh phí hoạt động cho đội chiếu phim lưu động.
Cục Điện ảnh tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các bộ, ngành đặt hàng sản xuất, phát hành những bộ phim nội dung tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc... có tính nghệ thuật cao, hấp dẫn người xem để phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị.
Ghi nhận những kết quả Hà Nội đã đạt được trong lĩnh vực này, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, song Đoàn khảo sát kiến nghị thành phố cần quan tâm đến hoạt động điện ảnh nhiều hơn nữa, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tạo môi trường thuận lợi cho các nghệ sĩ sáng tạo, để Hà Nội thực sự trở thành trung tâm văn hóa của đất nước; tính toán quy hoạch rạp/cụm rạp tại các huyện ngoại thành, đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân…./.
Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=51394