Khảo sát việc thực hiện Luật Cư trú tại TP Hồ Chí Minh

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đồng ý với việc bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương trong dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), nhưng cần có lộ trình thích hợp để tránh gia tăng thêm áp lực và thách thức cho Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình phát triển.

Đó là ý kiến được đưa ra tại buổi làm việc của Đoàn công tác Ủy ban Pháp luật của Quốc hội với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về khảo sát việc thực hiện Luật Cư trú, diễn ra chiều 22/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND Thành phố (đứng) báo cáo về một số nội dung liên quan đến dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND Thành phố (đứng) báo cáo về một số nội dung liên quan đến dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Thay mặt Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố khẳng định, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) mang tính tiến bộ, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện pháp luật và nhu cầu thực tế của cuộc sống. Tuy nhiên một số điều khoản của Luật cần có lộ trình thực hiện để đảm bảo hiệu lực và tính khả thi của Luật sau khi ban hành và có hiệu lực.

Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp rất nhiều thách thức từ tình trạng gia tăng dân số, vì vậy, nếu bỏ điều kiện riêng về đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương theo dự thảo Luật sửa đổi sẽ dẫn đến tình trạng tăng đột biến lượng công dân vào cư trú tại Thành phố, làm gia tăng thêm áp lực về cơ sở hạ tầng nhà ở, giao thông đô thị, y tế, giáo dục… Vì vậy, việc thực hiện tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cần có lộ trình, thời gian để chuẩn bị các giải pháp về cơ sở hạ tầng đảm bảo các yêu cầu cuộc sống người dân đô thị.

Ông Ngô Minh Châu cho rằng, việc xóa sổ hộ khẩu, sổ tạm trú là cần thiết, nhưng để đảm bảo không gây xáo trộn cho cuộc sống người dân do vẫn còn quá nhiều thủ tục hành chính cần đến các loại giấy tờ này nên tiếp tục giữ lộ trình sử dụng song song việc quản lý hộ khẩu giấy và quản lý bằng số định danh cá nhân. Sau khi đưa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào hoạt động khoảng 1 năm sẽ tùy tình hình thực tế để quy định thời hạn xóa bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất với Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi); cho rằng Luật Cư trú (sửa đổi) có những quy định thông thoáng hơn với nhiều điều kiện, quy định bị bãi bỏ, sửa đổi sẽ tạo được sự đồng thuận của nhân dân và sau khi được triển khai thực hiện sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân theo Hiến pháp quy định.

Thay mặt cơ quan được giao nhiệm vụ soạn thảo dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh tầm quan trọng, sự cần thiết sửa đổi Luật Cư trú, hướng tới những tiến bộ, đồng bộ trong hoạt động quản lý nhà nước về cư trú, tạo điều kiện phục vụ nhân dân tốt hơn. Những vấn đề sửa đổi được đưa ra trong dự thảo Luật nhằm phù hợp với thực tiễn cuộc sống, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý, đảm bảo quyền cư trú của người dân theo đúng quy định của Hiến pháp phù hợp với thông lệ các nước trong khu vực và thế giới. Bộ Công an sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến các ngành, địa phương để hoàn thiện dự thảo luật, đảm bảo Luật Cư trú (sửa đổi) sau khi có hiệu lực sẽ góp phần phục vụ công tác quản lý và phát triển xã hội.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao báo cáo và ý kiến phản ánh của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về các nội dung liên quan đến dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), góp phần cùng Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện các quy định của pháp luật về cư trú. Việc khảo sát tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương cho thấy sự thống nhất cao về sự cần thiết và ý nghĩa tích cực của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đối với nhân dân và đời sống xã hội. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục hoàn thiện, làm rõ hơn một số vấn đề liên quan như thời gian cho lộ trình; giải pháp đối phó với những thách thức từ xóa bỏ điều kiện riêng đăng ký thường trú vào Thành phố; kế hoạch triển khai hoàn thiện công tác cấp số định danh cá nhân…

Theo Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Sở Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Luật Cư trú được ban hành năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) đã góp phần từng bước hoàn thiện các quy định của pháp luật về cư trú và kịp thời thời đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của công dân, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác đăng ký, quản lý cư trú, đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của công dân; góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (đứng) phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (đứng) phát biểu tại buổi làm việc.

Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh gồm 19 quận, 5 huyện; 259 phường, 5 thị trấn và 58 xã. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có hơn 1,5 triệu hộ với hơn 6,4 triệu nhân khẩu đăng ký thường trú; hơn 1 triệu hộ với 3,6 triệu nhân khẩu đăng ký tạm trú. Hàng ngày có khoảng 500 nghìn lượt người đến lưu trú; hơn 85 nghìn hộ với hơn 195 nghìn nhân khẩu là người nước ngoài được cấp thẻ thường trú, tạm trú. Từ năm 2014 đến tháng 6 năm nay, Thành phố đã xử lý hơn 169 nghìn trường hợp vi phạm hành chính về cư trú, phạt tiền hơn 40 tỷ đồng.

Tin, ảnh: Xuân Khu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/khao-sat-viec-thuc-hien-luat-cu-tru-tai-tp-ho-chi-minh-20200722231812848.htm