Khảo sát việc thực hiện pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý và quản lý viên chức theo chức danh nghề nghiệp
Ngày 12/5, Đoàn công tác của Ủy ban pháp luật của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi khảo sát việc thực hiện pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý và quản lý viên chức theo chức danh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Về phía tỉnh, làm việc với Đoàn có đồng chí Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, huyện, thành phố.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, Vĩnh Phúc hiện có 21 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 9 UBND huyện, thành phố, 136 đơn vị hành chính cấp xã, 770 đơn vị sự nghiệp công lập, với 22.946 viên chức.
Trong đó 91 viên chức có trình độ tiến sĩ và tương đương, 2.206 thạc sĩ và tương đương; 15.232 viên chức trình độ đại học. 100% viên chức đạt chuẩn trình độ ngoại ngữ; 549 người xếp hạng chức danh nghề nghiệp hạng I; 10.787 người hạng II; 6.827 người hạng III và 4.873 người hạng IV.
Thực hiện pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý và việc quản lý viên chức theo chức danh nghề nghiệp, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy đã ban hành các quy định như Quyết định số 1545 ngày 6/8/2013 về quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh; Quy định số 02 ngày 6/6/2018 về quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo diện BTV Tỉnh ủy quản lý; Quy định số 05 về ban hành khung tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền quản lý của các sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác bổ nhiệm viên chức quản lý theo đúng quy định của Nghị định số 115 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch nhằm xây dựng đội ngũ viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín phục vụ nhân dân và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong công tác quản lý viên chức theo chức danh nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý của địa phương, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng Đề án xác định vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp và đã phê duyệt 885 vị trí việc làm của 854 đơn vị, đạt 100%.
Chủ tịch UBND tỉnh đã ủy quyền Giám đốc Sở Nội vụ phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh. Đến hết tháng 4/2022, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ viên chức thuộc thẩm quyền theo đúng khung vị trí việc làm và bản mô tả khung năng lực được phê duyệt.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc bổ nhiệm viên chức quản lý và quản lý viên chức theo chức danh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có không ít khó khăn, bất cập do quy định số lượng cán bộ quản lý viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập chưa thống nhất giữa Thông tư 16 của Bộ Giáo dục và Đào tạo với điểm c, khoản 2, điều 6 của Nghị định số 120 của Chính phủ về quy định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Chế độ, chính sách đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục còn chưa phù hợp; các bộ, ngành Trung ương chưa ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành. Đặc biệt, tỉnh còn thiếu gần 2.880 chỉ tiêu biên chế so với định mức dẫn đến tình trạng quá tải trong việc dạy học; mức lương của giáo viên có tăng nhưng mang tính chất cào bằng…
Tại buổi khảo sát, tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ xem xét giao bổ sung biên chế, số lượng làm việc thuộc đơn vị sự nghiệp giáo dục; sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 106 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung và hỗ trợ, phục vụ của đơn vị sự nghiệp công lập; ban hành hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp.
Đẩy mạnh phân cấp, phân định rõ trách nhiệm của cán bộ, ngành, chính quyền địa phương trong quản lý viên chức; bổ sung các văn bản Luật về quản lý, sử dụng viên chức bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn…
Phát biểu tại buổi khảo sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang đã trao đổi, làm rõ một số nội dung liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý và quản lý viên chức; việc phân cấp quản lý, bổ nhiệm viên chức quản lý theo chức danh nghề nghiệp. Đồng thời cho biết, Đoàn sẽ tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của Vĩnh Phúc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.