Khát khao cống hiến của chàng nhạc sĩ tài hoa

Không may mắc căn bệnh hiểm nghèo, song với với ý chí và nghị lực sống mạnh mẽ, anh Nguyễn Huy Sơn (sinh năm 1989, ở tổ dân phố Đồng Trũng, thị trấn Hùng Sơn, Đại Từ) đã vượt lên số phận, có những tác phẩm nghệ thuật 'để đời' và khơi dậy phong trào văn hóa, thể thao ở khu dân cư.

Vốn yêu thích âm nhạc, thơ ca từ nhỏ nên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh Sơn đã tham gia vào các chương trình văn nghệ do trường, lớp tổ chức và đoạt nhiều giải cao. Năm 2012, anh thi đỗ và học Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc (Thái Nguyên), sau đó tiếp tục học liên thông ở Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội (Hà Nội). Sau khi ra trường, anh tích cực sáng tác nhạc và mong ước trở thành một nhạc sĩ thực thụ.

Năm 2017, anh Sơn phát hiện mình bị ung thư máu. Mọi lý tưởng sống và kế hoạch cho tương lai của chàng nhạc sĩ trẻ gần như chấm dứt. Anh tuyệt vọng, chán nản và không còn niềm tin vào cuộc sống.

Lúc anh Sơn nhập Viện Huyết học Truyền máu Trung ương để điều trị cũng là lúc con trai 8 tháng tuổi của anh bị viêm phổi, phải cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Cùng thời điểm đó, mẹ đẻ của anh gặp tai nạn, bị đứt dây chằng ở chân, phải nhập viện để mổ gấp. Hoàn cảnh trớ trêu khiến anh cảm thấy mình bất lực khi không thể ở bên cạnh người thân những lúc nguy khó nhất.

Giây phút khó khăn đó, anh đã tự hứa với bản thân không được gục ngã, phải chiến thắng bệnh tật để trở về nhà, về với những người thân yêu trong gia đình. Chính vì lẽ đó, anh Sơn đã đáp ứng tốt phác đồ điều trị của bác sĩ và được xuất viện.

Trở về nhà, anh luôn sống lạc quan, vui vẻ, tích cực sáng tác nhạc, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao ở địa phương. Nhờ đó, nỗi đau bệnh tật dường như không làm khó anh thực hiện ước mơ của mình.

Không phải “con nhà nòi”, hành trình đến với âm nhạc của anh Nguyễn Huy Sơn bắt đầu từ niềm đam mê. Với kiến thức được học, cùng với cảm nhận về con người, cuộc sống quanh mình, anh đã viết lên những ca từ thấm đượm tình yêu quê hương, đất nước, trong đó phần lớn các ca khúc được anh viết về mảnh đất, con người Đại Từ. Những bài hát của anh có giai điệu, ca từ đậm chất trữ tình, mộc mạc, giản dị, truyền tải thông điệp gần gũi, giàu sức hút.

Theo chia sẻ của anh Sơn, để sáng tác được một bài hát hay, chạm đến trái tim người nghe, nhạc sĩ phải có vốn sống, vốn hiểu biết phong phú và sâu rộng. Chính vì thế, trước khi sáng tác bất kỳ ca khúc nào về quê hương, đất nước, anh đều tham khảo tài liệu lịch sử, tìm hiểu thêm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ đó chắt lọc yếu tố “đắt” để sáng tác ra tác phẩm âm nhạc gần gũi, giúp những người con xa quê khi nghe như có cảm giác đang ở trên chính quê hương mình. Trước khi đặt bút sáng tác một ca khúc về quê hương hay về một đơn vị, anh luôn xác định chủ đề ca khúc hướng tới, từ đó chọn chất liệu sáng tác là âm hưởng trữ tình, dân gian hoặc hành khúc… sao cho phù hợp.

Ngoài sáng âm nhạc, anh Sơn còn tham gia biên đạo múa cho các chương trình văn nghệ của nhiều cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn. Với những động tác múa uyển chuyển, khéo léo, anh đã truyền cảm hứng tới nhiều người.

Bên cạnh những cống hiến về nghệ thuật, anh Nguyễn Huy Sơn còn tích cực tham gia vào các hoạt động chung ở địa phương, như: tham gia cấp ủy Chi bộ tổ dân phố Đồng Trũng; Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên huyện; Bí thư Chi đoàn tổ dân phố Đồng Trũng; Tổ phó Tổ bảo vệ dân phố; cán bộ Văn phòng Đảng ủy thị trấn Hùng Sơn… Ở mỗi vị trí, anh đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Anh Sơn chia sẻ: Bất kỳ hoạt động nào, nếu biết cách khơi dậy, phong trào sẽ phát triển và thu hút nhiều người tham gia. Đơn cử như khi tổ chức hoạt động văn nghệ ở tổ dân phố, để tạo sự tự tin cho các cô, các chị khi múa, hát trên sân khấu, ban đầu tôi cho mọi người xem mẫu tiết mục trên màn hình ti vi, cầm giấy để hát cho thuộc lời. Khi đã thuộc lời bài hát và quen động tác, tôi cho các cô, các chị “thoát ly” khỏi màn hình ti vi, không nhìn vào giấy để hát nữa. Dần dần, mọi người quen và làm theo, đi biểu diễn ở các cuộc thi không còn lúng túng nữa.

Không chỉ biết cách lên kịch bản cho các chương trình văn nghệ ở địa phương, mà trong các hoạt động khác như Tết Thiếu nhi (1-6), Tết Trung thu, anh Sơn cũng luôn biết cách thu hút thiếu nhi tham gia. Trước khi chương trình diễn ra, anh đều tuyên truyền trên hệ thống loa của tổ dân phố trước để các cháu biết có những nội dung gì. Tiếp đó, với mỗi chương trình, anh kết nối với đơn vị tổ chức sự kiện “đặt hàng” chú Cuội, chị Hằng, ảo thuật gia... để tạo thêm sự hứng thú cho thiếu nhi. Bên cạnh đó, anh cũng tạo trò chơi mới để cho các cháu thiếu nhi được chơi, cười đùa và thể hiện năng khiếu; tặng quà các cháu có hoàn cảnh khó khăn, góp phần tạo động lực cho các cháu vươn lên…

Nhờ tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương, cùng sự lạc quan, yêu đời, anh Sơn thấy sức khỏe của mình dần ổn định. Anh tăng cường tập các môn thể thao phù hợp để nâng cao sức khỏe, tạo sự dẻo dai cho cơ thể. Anh chia sẻ thêm: Với tôi, thời gian là vàng. Tôi không bao giờ để thời gian “chết”. Vì thế, còn sống ngày nào, tôi còn tiếp tục sáng tác, mang đến cho đời những tác phẩm âm nhạc về nơi tôi sinh ra, lớn lên và gắn bó.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202406/khat-khao-cong-hien-cua-chang-nhac-si-tai-hoa-3fa34ea/