Khát nhân lực ngành du lịch, đào tạo có kịp không?
Theo Tổng cục Du lịch mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động. Tuy nhiên, lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (ITDR) với tốc độ tăng trưởng là 6,2%/năm trong giai đoạn 2011-2015, đến hết năm 2015, nhu cầu nhân lực làm việc trực tiếp (hướng dẫn viên du lịch, lễ tân…) trong ngành ước tính cần 620.000 người và đến năm 2020 nhu cầu nhân lực của ngành du lịch tăng lên khoảng 870.000 lao động trực tiếp với tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2020 là 7,0%/năm.
Ông Trần Văn Thiện, Hiệu trưởng Trường Đại Học Văn Hiến cho rằng, những năm gần đây, ngành du lịch nước ta đã thu hút hàng chục triệu du khách khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam, nhanh chóng nâng cao tỷ trọng thu nhập trong GDP của nền kinh tế quốc dân, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế…
"Tuy nhiên, ngành Du lịch Việt Nam cũng đang gặp những khó khăn, thách thức không nhỏ về nhiều mặt, nổi bật trong đó là vấn đề về xây dựng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhìn chung ngành du lịch vẫn trong tình trạng vừa thừa vừa thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển của ngành trong giai đoạn mới của nền kinh tế đất nước và hội nhập toàn cầu", ông Thiện nói.
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ đào tạo, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch cho biết, hiện nay, cả nước có hơn 190 cơ sở đào tạo du lịch gồm: 65 trường đại học có các khoa du lịch; 55 trường cao đẳng (có 10 trường cao đẳng chuyên đào tạo du lịch trong đó có 8 trường trực thuộc Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch); 71 trường trung cấp...
Tuy nhiên, thống kê của Tổng cục du lịch cho thấy, lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Khát nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch là điều dễ nhận thấy.
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, du lịch Việt Nam đã có cải thiện về thứ bậc trên bảng xếp hạng, từ thứ 75/141 quốc gia được đánh giá trong năm 2015 lên thứ 67/136 quốc gia được đánh giá trong năm 2017. Trong đó, chỉ số "nguồn nhân lực và thị trường lao động" xếp hạng 37 nhưng chỉ số "quy mô đào tạo nhân lực" lại xếp hạng 69 và "tỉ lệ đào tạo bậc trung cấp" chỉ xếp hạng 67.
Do đó công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành du lịch hiện nay cần hướng tới đạt được các kiến thức, kỹ năng theo các tiêu chuẩn đã được thỏa thuận trong khu vực và mở rộng ra phạm vi toàn cầu.
Mặc dù số lượng các cơ sở đào tạo về du lịch ngày càng gia tăng nhưng chưa có sự liên kết, thống nhất trong chương trình đào tạo, không thừa nhận lẫn nhau và chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội và chưa theo kịp các quốc gia trong khu vực cũng như chưa có giáo trình thống nhất theo chuẩn chung của các nước trong khu vực và thế giới.
Hiện tại các cơ sở đào tạo về du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Nhân lực ngành du lịch được đào tạo còn thiếu tính thực tiễn, chương trình đào tạo du lịch đến nay vẫn chưa được thống nhất, kết cấu khung chương trình đào tạo giữa các cơ sở rất khác nhau về tỉ lệ giữa khối kiến thức đại cương và chuyên ngành.
Điều này dẫn đến sinh viên ra trường thiếu các kỹ năng và các doanh nghiệp phải đào tạo lại nguồn nhân lực mới có thể đáp ứng được yêu cầu thực tế.