Khát nước có phải dấu hiệu bệnh tiểu đường?

Hỏi: Thưa bác sĩ, gần đây tôi hay khát nước, liệu đây có phải là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường? Nguyễn Thị Thu (Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội).

Đáp: Các dấu hiệu của bệnh đái tháo đường typ 1 là ăn nhiều, uống nhiều, đi tiểu nhiều và gầy đi nhiều. Khi người dân có 1 trong 4 dấu hiệu nêu trên thì nên đi kiểm tra xem có bị tiểu đường typ 1 hay không.

Qua thực tế thăm khám bệnh, tôi nhận thấy rất nhiều trường hợp phát hiện suy thận do đái tháo đường kéo dài mà bệnh nhân không biết. Bởi vậy, lứa tuổi ngoài 35 như bạn, tốt nhất nên đi kiểm tra đường huyết định kỳ 6 tháng/lần.

Với đái tháo đường typ 2, bệnh diễn biến rất âm thầm, thậm chí không có triệu chứng.

Người lớn bị đái tháo đường có nguy cơ tăng gấp 2 - 3 lần nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ; 2,6% bệnh mù toàn cầu có thể là do đái tháo đường. Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra suy thận.

Để phòng tránh bệnh đái tháo đường, bạn nên hạn chế tất cả các loại thực phẩm dẫn đến đưa nhiều gluxit vào trong cơ thể.

Nếu đi khám mà không may đã mắc bệnh, bạn nên hạn chế ăn tinh bột và trái cây ngọt. Thay vào đó, nên ăn những thực phẩm làm giảm khả năng đói nhưng không có nhiều tinh bột như rau, đậu phụ, khoai sọ... Với hoa quả, bệnh nhân mắc đái tháo đường nên ưu tiên thanh long, ổi, táo xanh, táo chua thay vì táo ngọt, bưởi da xanh, hạn chế ăn những trái cây quá ngọt như mít, vải.

Đái tháo đường là căn bệnh nguy hiểm, dễ biến chứng. Việc chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm có thể giúp kiểm soát bệnh ở mức tối ưu. Theo đó, khi được chẩn đoán, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối chỉ dẫn của bác sĩ, đồng thời duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh để tránh lượng đường huyết tăng cao.

Ths.BSCKI Nguyễn Thị Tường Vân
(Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông)

Ths.BSCKI Nguyễn Thị Tường Vân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suc-khoe/997745/khat-nuoc-co-phai-dau-hieu-benh-tieu-duong