'Khát' nước sạch ở xã nông thôn mới Hải Châu
Được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015, tuy nhiên đến nay, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn xã Hải Châu (Tĩnh Gia) vẫn đang sống chung với tình cảnh 'khát' nước sinh hoạt, do nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn. Nhiều năm nay, người dân trong xã đã phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng chưa được giải quyết.
Nhiều hộ dân xã Hải Châu (Tĩnh Gia) phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn trong sinh hoạt.
Hầu hết những hộ dân ở xã Hải Châu đều dùng nước giếng khoan hoặc giếng đào. Nguồn nước không bảo đảm đã gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhiều hộ dân nơi đây. Dù người dân đã khoan giếng sâu hàng chục mét nhưng nước vẫn bị nhiễm mặn, còn giếng khơi đào khoảng 3-4m thì nhiễm phèn. Để hạn chế phèn, các hộ dân đã xây dựng bể chứa hoặc lấy nước cho vào các dụng cụ khác để lắng. Tuy nhiên, khi sử dụng vẫn thấy một lớp vàng kết tủa phía trên, các vật dụng đựng nước đều có màu vàng chỉ sau thời gian ngắn sử dụng. Ngoài ra, hệ thống ống nước, van nước sử dụng nước phèn rất nhanh xuống cấp, hư hỏng.
Thôn Yên Châu hiện có 340 hộ/2.000 nhân khẩu, đây là thôn chịu ảnh hưởng nặng nhất do nguồn nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn của xã. Do nguồn nước nhiễm mặn khiến nhiều gia đình tại đây luôn sống trong tình cảnh “dở khóc, dở mếu”. Vào mùa hè, nước tắm giặt đã khổ nhưng nước ăn lại càng khổ hơn. Dù đã có một giếng đào nhưng gia đình bà Trần Thị Thơm, thôn Yên Châu vẫn tiếp tục đầu tư gần 20 triệu đồng để khoan thêm một giếng sâu hơn 40m với mong muốn có được nguồn nước bảo đảm vệ sinh để sử dụng. Dù đầu tư nhiều công sức, tiền của nhưng các giếng này chỉ sử dụng để tắm, giặt, còn không thể uống được vì bị nhiễm mặn, nhiễm phèn nặng. Nước bơm lên, phải lắng lọc qua nhiều bước, nhiều tầng trước khi tắm giặt. Tuy vậy, tắm vẫn bị ngứa, còn giặt áo sáng màu thì bị ố vàng. Riêng với nước uống phải đi xin ở địa phương khác hoặc mua nước đóng bình sẵn, rất mất công và tốn kém tiền của.
Gia đình ông Phạm Công Nhiên, thôn Yên Châu đã khoan giếng ở độ sâu hơn 70m và cẩn thận lắp thêm hệ thống lọc ngầm ở đáy bể lọc với chiều dài gần 3m nhưng gia đình ông chỉ có nguồn nước ít nhiễm phèn hơn chút ít so với những hộ dân xung quanh. Do đó, nguồn nước này gia đình ông cũng chỉ sử dụng để tắm, giặt. Để có nước phục vụ ăn, uống, gia đình ông Nhiên lại phải đầu tư 5 triệu đồng xây bể lắng nước mưa, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu, chỉ phục vụ đủ nhu cầu vào mùa mưa. Nhà có 6 khẩu nên lượng nước sử dụng lớn, vào những ngày hè, nắng nóng gia đình ông vẫn phải đi mua nước về sử dụng, có tháng lên tới hơn 500 nghìn đồng tiền nước sạch. Điều này khiến đời sống người dân đã khó lại càng khó khăn hơn do phải gánh thêm khoản chi phí không nhỏ từ nước sinh hoạt.
Theo thống kê của UBND xã Hải Châu, toàn xã có hơn 70% số đang phải sử dụng nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, 32 ha/905 ha đất canh tác bị bỏ hoang do nhiễm mặn. Trong đó, có 5/10 thôn là thôn Yên Châu, Nam Châu, Liên Thành, Liên Hải, Thanh Đông bị nhiễm mặn, nhiễm phèn nghiêm trọng nhất. Nguyên nhân chính khiến nguồn nước bị nhiễm mặn, phèn tại xã được xác định do sự xâm thực của biển vào đất liền kết hợp với nghề sản xuất muối truyền thống của địa phương, cộng thêm việc nuôi trồng thủy sản tại các con sông không có hệ thống xử lý, trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn nước của bà con. Trong các cuộc họp xã, thôn, các đợt tiếp xúc cử tri, người dân luôn có kiến nghị về vấn đề nước sạch, tuy vậy đến nay vẫn chưa được xem xét, giải quyết.
Ông Đặng Duy Tân, Chủ tịch UBND xã Hải Châu cho biết: Vấn đề nước sạch trên địa bàn xã hiện nay rất nan giải. Là xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nhưng lại thiếu nước sạch cho người dân sinh hoạt hàng ngày là trăn trở của cấp ủy, chính quyền xã. Tuy nhiên, việc đầu tư công trình cấp nước sạch đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, nằm ngoài khả năng của địa phương. Do đó, xã rất mong các sở, ngành có liên quan của tỉnh, UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng công trình nước sạch để người dân được sử dụng nguồn nước sạch hợp vệ sinh, bảo đảm sức khỏe.