Khát vọng cống hiến, nhìn từ U23 Việt Nam

Dù không giành được huy chương, nhưng với việc lọt vào top 4 đội mạnh nhất tại Asiad 18, đội tuyển đã cho người hâm mộ được sống trong niềm vui bóng đá trọn vẹn.

Dù không giành được huy chương, nhưng với việc lọt vào top 4 đội mạnh nhất tại Asiad 18, đội tuyển đã cho người hâm mộ được sống trong niềm vui bóng đá trọn vẹn. Ảnh: VietnamNet

Khi tiếng còi trên sân Pakansari ở Indonesia kết thúc, hành trình tuyệt vời của tuyển Olympic Việt Nam ở Asiad 2018 khép lại. Dù không giành được huy chương, nhưng với việc lọt vào top 4 đội mạnh nhất tại Asiad, đội tuyển đã cho người hâm mộ được sống trong niềm vui bóng đá trọn vẹn, từ những chiến thắng ở vòng bảng cho đến những phút nghẹt thở ở vòng đấu loại. Đã từ rất lâu rồi, có lẽ là 10 năm trước khi Công Vinh đánh đầu ngược giúp Việt Nam vô địch AFF Cup lần đầu tiên, người Việt mới có cảm xúc như thế với bóng đá. Chúng ta hồi hộp chờ đợi từng trận đấu, từng cái tên xướng lên, cùng vỡ òa khi ghi bàn thắng, và im lặng trong nỗi buồn khi thất bại.

Bóng đá khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Những ai đã từng một lần được được hát quốc ca ở Mỹ Đình, được hòa nhịp cũng cả hàng triệu người đổ xuống đường ăn mừng chiến thắng của đội tuyển quốc gia trong những đêm không ngủ, với màu cờ đỏ sao vàng rợp trời, với cả những ồn ào của đám đông phấn khích khi ăn mừng thành tích của U23 tại Thường Châu (Trung Quốc) đầu năm nay, chắc hẳn đều hiểu rõ điều này. Người ta dễ dàng tha thứ cho nhau những va chạm trên đường phố, mà ngày thường sẽ kết thúc bằng nhữngvụ loạn đả, bằng thần chú “Việt Nam vô địch!”. Kể cả những vị khách du lịch đến Việt Nam trong những ngày đó có lẽ cũng không hết ngạc nhiên vì niềm vui của người Việt, quốc gia chưa từng tham dự World Cup hay có thành tích cao tại những giải đấu cấp châu lục.

Bóng đá đoàn kết mọi người và tạo ra năng lượng tích cực của đám đông. Dưới những ngày hè nóng chói chang, người ta sẵn sàng tụ tập hàng giờ bên một ly trà đá vỉa hè để bàn luận sôi nổi về một trận bóng, một cầu thủ, hay đơn giản là những chuyện bên lề sân cỏ. Ở nông thôn, những nhà có ti-vi lớn “mở cửa” tiếp đón hàng xóm đến xem, thị dân tập trung về những quảng trường lớn, trung tâm thể thao để cổ vũ cho đội nhà, và ngay cả những ai bận công việc cũng tranh thủ ngồi xem Olympic Việt Nam thi đấu qua màn hình smartphone. Khi đội tuyển ghi bàn, thì tứ hải giai huynh đệ: mọi người ôm chầm lấy nhau chia vui dù chưa từng quen biết.

Năng lực tích cực này không chỉ đến ở niềm vui chiến thắng, mà còn là nỗi buồn thất bại. Khi nhìn thấy các cầu thủ đổ mồ hôi, nước mắt vì màu cờ sắc áo, người hâm mộ cùng khóc với họ khi thua trận, nhưng đồng thời cũng đứng bên cạnh để cổ vũ, động viên cho những người đã chiến đấu hết mình. Thành tích cao không phải là tất cả, thứ được coi trọng nhất là ý chí. Như thế, bóng đá mang đồng loại đến với nhau một cách tự nhiên, chân thành, và không vụ lợi nhất. Những khán giả khi xem tuyển quốc gia thi đấu không chỉ gắn kết nhau bởi sở thích, mà còn bởi tinh thần dân tộc: mọi người đều hồi hộp nguyện cầu may mắn cho tuyển quốc gia, dù có thích bóng đá hay không.

Chính vì sức mạnh tinh thần của bóng đá, những trận đấu thường được coi là cuộc đua tranh giữa các quốc gia, thay vì chỉ là môn giải trí thuần túy. Trong tiểu luận “Tinh thần thể thao”, nhà văn nổi tiếng George Orwell từng so sánh bóng đá với đánh trận, nơi các đội đua tranh với nhau như trên chiến trường để bảo vệ “phẩm giá quốc gia”. Điều này, tất yếu, tạo ra nhiều tác dụng phụ. Khi Olympic Việt Nam thất bại trước Hàn Quốc – một điều dễ đoán trước dựa trên tương quan giữa hai bên – nhiều “HLV online” lên tiếng phê phán “phù thủy” Park Hang-seo, cho rằng người chèo lái Việt Nam đến những điều không tưởng cố tình để thua đội bóng quê hương. Cuộc đấu súng thất bại trước Các tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) vừa qua cũng bị đem ra mổ xẻ, dèm pha.

Nhưng tinh thần dân tộc cực đoan chỉ là một vệt đen nhỏ của bóng đá. Với phần lớn chúng ta, môn thể thao vua mang lại tình yêu tích cực với màu cờ sắc áo, cảm giác tự hào quốc gia, và năng lượng tích cực để hòa đồng với hàng chục triệu đồng bào khác. Đây là thứ sức mạnh chỉ có những chủ thuyết chính trị hay tôn giáo thuyết phục mới làm được. Không chỉ mang đến niềm vui và cảm xúc thăng hoa, bóng đá thực sự là sợi dây vô hình gắn kết sức mạnh của một quốc gia, đặc biệt là ở những nước như Việt Nam, để, không chỉ vì bóng đá hay thể thao.

Nguyễn Khắc Giang

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/blog/asiad-2018-khat-vong-cong-hien-nhin-tu-u23-viet-nam-474561.html