Khát vọng Đa Mi'Quốc gia' thu nhỏTiềm năng du lịch lớn
Một vùng đất hoàn toàn khác biệt so với những địa bàn khác trong tỉnh, từ khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng, con người đến khung cảnh thiên nhiên. Gần 20 năm thành lập đơn vị hành chính cấp xã – Đa Mi đang khát khao vươn lên trở thành điểm đến hấp dẫn, nhưng trở ngại vẫn còn đâu đó.
Bài dự thi
Bài dự thi “Phóng sự- bút ký”
Hơn 15 năm tôi mới có dịp trở lại vùng cao Đa Mi, ấn tượng rõ nhất của nơi này là nhà cửa nhiều hơn, đường sá được mở rộng, nâng cấp, rút ngắn thời gian đi lại từ miền xuôi lên vùng cao. Còn nhớ, những năm 2004, 2005 khi tháp tùng Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tí trong các chuyến công tác về đây, để lên đến Đa Mi, chúng tôi phải xuống xe lội qua suối ở Đông Tiến, vượt qua những cung đường đèo quanh co, hiểm trở ở Đông Giang, La Dạ mới đến được UBND xã. Từ trung tâm huyện Hàm Thuận Bắc lên Đa Mi khoảng 40 km ngày ấy phải mất vài tiếng đồng hồ nhưng bây giờ, chỉ 60 phút, chúng tôi đã có mặt tại xã vùng cao. Lúc bấy giờ trụ sở tạm của xã được sử dụng là khu nhà mà các chuyên gia, kỹ sư ở, điện đóm cũng chập chờn, ngày mới thành lập cái gì cũng thiếu thốn khó khăn. Còn giờ đây, trụ sở xã đã khang trang hơn rất nhiều và nằm trên khu đất cao, cách trục đường nhựa chỉ chục mét, rất thuận tiện cho cán bộ, người dân đến làm việc và giải quyết các thủ tục hành chính.
Không hẹn trước nhưng Chủ tịch UBND xã Đa Mi Nguyễn Anh Toàn vẫn niềm nở tiếp chúng tôi khi liên hệ công tác. Trong câu chuyện trao đổi về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của xã vùng cao này, tôi biết anh rất đau đáu và trăn trở nhiều điều mà khả năng vượt tầm của xã. Thôi thì những mong muốn, ước nguyện ấy sẽ sớm được huyện, tỉnh nhìn nhận, đánh giá và sẽ có quyết sách kịp thời trong tương lai không xa.
Các rẫy cà phê được người dân trồng ở khu vực đồi và ven lòng hồ. Ảnh: Đ.Hòa
Đa Mi được mệnh danh là “quốc gia” thu nhỏ quả thật không sai, vì nơi đây là vùng đất hội tụ của người dân khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Anh cán bộ văn phòng nói vui trưởng công an xã ở đây được ví như “bộ trưởng” Bộ Công an bởi tính đa dạng vùng miền, dân tộc, tôn giáo do vậy công tác quản lý cũng gặp nhiều khó khăn nhất định. Vùng đất này là nơi hội ngộ của người dân tứ xứ, trong đó gồm nhiều thành phần đến an cư lập nghiệp, đi kinh tế mới, di dân tự do… Cái khó của di dân tự do, đến lập nghiệp là người dân chỉ đăng ký nhân khẩu bản thân, vợ chồng không có con cái trong hộ khẩu nên việc đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung nguồn nhân lực cho xã hầu như rất ít. Đa phần cán bộ chủ chốt của xã đều được tăng cường từ huyện lên, muốn tìm kiếm người địa phương để đào tạo, quy hoạch cũng rất khó vì không có nguồn – Chủ tịch xã Nguyễn Anh Toàn chia sẻ. Gần 20 năm thành lập, nhưng số doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn chỉ đếm trên lòng bàn tay. Người dân Đa Mi đa số trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và rau sạch nhưng ở thế khó là thiếu vốn đầu tư, phân bón, giống… Ngặt nỗi những vật tư phục vụ cho sản xuất cây trồng thiếu cái gì đều phải chạy sang Bảo Lộc, Bảo Lâm để mua. Theo tính toán của nông dân, đầu tư cho 1 ha cây công nghiệp, theo chu kỳ chăm sóc trong năm phải 4 lần bón phân nhưng người dân chỉ có vốn đầu tư được 1 lần. Muốn vay ngân hàng thì phải thế chấp, nhưng số người dân có “sổ đỏ” ở đây không nhiều, việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cũng hết sức phức tạp, bởi đất ở Đa Mi thường vướng đến đất đồi núi, rừng, công trình, quá trình xác minh tính hợp pháp nguồn gốc đất không hề đơn giản. Hiện nay, người dân Đa Mi hạn chế trồng cây cà phê, điều bởi chi phí cao, giá thành hạ mà họ chuyển sang trồng bơ, sầu riêng, mít thái cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy chưa trở thành thương hiệu nổi tiếng nhưng sầu riêng, bơ sáp, rau sạch Đa Mi được các thương lái từ Bảo Lộc, Long Khánh, Bảo Lâm đến đặt hàng mua theo mùa vụ, nên người dân khá yên tâm đầu ra. Theo thương lái Hoàng Tư, ngụ Bảo Lộc, sở dĩ chúng tôi thu mua trái cây ở Đa Mi bởi chất lượng, sầu riêng múi to, dày, thơm, ngọt chứng tỏ độ màu mỡ đất đai ở đây rất tốt so với nhiều nơi khác.
Đã quá trưa sau khi mục sở thị các hồ Hàm Thuận, hồ Đa Mi và các đập tràn, bụng đã đói lả chúng tôi quay về quán cơm Công tại ngã ba Đa Mi. Gần 13 giờ chiều nhưng quán cũng khá đông thực khách, chỉ cần nhìn những biển số xe ra vào là biết họ từ đâu đến, nào là Đồng Nai, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương. Trong lúc chờ chủ quán dọn cơm, tôi tranh thủ trò chuyện với một thành viên trong đoàn ở Lâm Đồng được biết đây là chuyến tham quan thực tế của các học sinh, sinh viên nhân ngày 20/11. Về lý do chọn Đa Mi là địa điểm đến, anh Trần Hùng - Trưởng đoàn cho biết, Đa Mi có những nét tương đồng về khí hậu như Đà Lạt, nhưng đây là vùng có nhiều thắng cảnh đẹp, nét hoang sơ vẫn còn, đặc biệt là vào sáng sớm ngắm phong cảnh rừng núi, mây mù thật đẹp.
Thu hoạch cá trên hồ Đa Mi. Ảnh: Đ.Hòa
Phong cảnh hữu tình của Đa Mi không đẹp sao được khi những phượt thủ thường chọn cung đường này để đi, khám phá thác 9 tầng, thác Mây, thác Mưa. Nếu du khách muốn ngắm nhìn lòng hồ Đa Mi bao quát nhất có thể đến chùa Quan Âm lễ Phật rồi thoải mái phóng tầm mắt xuống lòng hồ rất thơ mộng. Được tha hồ chiêm ngưỡng rừng, núi chập chùng, mây mù vắt ngang đỉnh núi khi hoàng hôn thì quá thú vị. Dù ở trên vùng cao nhưng ở đây có 2 hồ thủy điện Đa Mi - Hàm Thuận trên sông La Ngà, chảy qua địa phận huyện Hàm Thuận Bắc cách Phan Thiết hơn 60 km. Đây là vùng rừng núi còn nét hoang vu, dân cư thưa thớt. Nếu có dịp đến đây, du khách sẽ thấy hồ nước mênh mông, phẳng lặng, bao bọc chung quanh bởi những dãy núi nhấp nhô với một màu xanh biếc.
Cuối tuần, tạm xa phố thị với những xô bồ, náo nhiệt, hãy cùng bạn bè, người thân làm một chuyến khám phá những ngọn thác còn hoang sơ của núi rừng Đa Mi. Những ai chinh phục được thác 9 tầng, thác Mây, thác Mưa, thác Đaguri ở vùng này chắc chắn sẽ được công nhận “fan” của những người thích khám phá. Theo người dân ở đây các thác này không có mặt phẳng như thác 9 tầng nên người ta chỉ đến tham quan chứ không ở lại. Chính vì thế nó còn rất hoang sơ và thơ mộng. Với những gì thiên nhiên đã ban tặng, hy vọng trong tương lai không xa, Đa Mi sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Rời Đa Mi, tôi nhớ những chia sẻ của Chủ tịch xã Nguyễn Anh Toàn: Khát vọng của Đa Mi không chỉ mãi là nàng công chúa ngủ yên trong rừng mà cần được đánh thức sớm để khẳng định vị thế du lịch phía tây của tỉnh, dựa vào địa thế núi, rừng sẽ thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Và tôi nghĩ tiềm năng phát triển du lịch ở vùng đất khá đặc biệt này là rất lớn nếu như được hỗ trợ kịp thời từ huyện, tỉnh, để đánh thức Đa Mi.
Đa Mi là Đạ Mí. Theo tiếng đồng bào K’ho, Raglay, Châu Ro... ở mảng Nam Tây nguyên, Đạ nghĩa là nơi có nước, có sông. Mí là tên riêng. Đồng bào gọi sông La Ngà là Đạ La Ngà. Thời chống pháp, Đa Mi thuộc tỉnh Đồng Nai Thượng – xứ sở của “rừng thiêng nước độc”, về sau thuộc huyện Di Linh (Lâm Đồng), rồi thuộc Bình Thuận.
Công Nam
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/khat-vong-da-mi-133019.html