'Khát vọng Đam Săn' là khát vọng hùng cường
Đoàn Ca múa dân tộc tỉnh Đắk Lắk vừa hoàn thành và ra mắt vở ca kịch 'Khát vọng Đam Săn' dựa trên nền tảng sử thi 'Bài ca chàng Đam Săn' của dân tộc Ê đê ở Tây Nguyên. Tác phẩm do nhà văn Hồng Hoa biên kịch, nhạc sĩ Nguyễn Cường viết nhạc và Tổng đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Y San Aliô biên đạo múa, Công ty văn hóa - du lịch Sông Thương Garden tổ chức sản xuất. Tác phẩm hoàn thành và ra mắt vào thời điểm vừa kết thúc Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 là một thành quả mang nhiều ý nghĩa, được dư luận đánh giá cao về chủ đề tư tưởng và giá trị nghệ thuật.
Hơn 40 năm và… 5 dự án
“Bài ca chàng Đam Săn” là một thiên sử thi anh hùng của người Ê đê ở Tây Nguyên. Tác phẩm được học giả người Pháp Subaschier sưu tầm, dịch sang Pháp ngữ và giới thiệu ở Paris năm 1927, được các nhà dân tộc học và nghiên cứu văn hóa dân gian trên thế giới đánh giá rất cao. Họ xếp “Bài ca chàng Đam Săn” cùng loại hình với các tác phẩm anh hùng ca nổi tiếng của phương Tây, như “Iliat-Odixe” của Hi Lạp và “Bài ca chàng Rô-lăng” của người Pháp. Thiên sử thi “Bài ca chàng Đam Săn” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của kho tàng văn học dân gian Việt Nam, đã được Nhà nước ta xếp hạng là “Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia”.
Đón chào Đam Săn trở về (Cảnh trong vở ca kịch “Bài ca Đam Săn”).
Nội dung chính của thiên sử thi kể về những võ công và những khát vọng tự do, khát vọng tình yêu và khát vọng hùng cường của người tù trưởng trẻ tuổi, tài năng lỗi lạc. Theo tục “nối dây” của người Ê đê, chàng Đam Săn phải lấy hai chị em Hnhí và HBhi làm vợ, nhưng chàng lại có những hành động chống lại cuộc hôn nhân. Chàng chặt cây smuk là cây thàn sinh ra Hnhí và HBhi, khiến hai người bị chết. Khi vợ chết, Đam Săn lại cầu xin thần linh cho vợ chàng sống lại. Đăm Săn đã đánh thắng hai tù trưởng Mtao Grư và Mtao Msei dám cướp vợ chàng. Mong muốn buôn làng phát triển hùng mạnh hơn, Đăm Săn đã đi cầu hôn với Nữ thần Mặt Trời nhưng chàng thất bại và bị chết trong rừng. Người cháu của Đam Săn lại tiếp tục sự nghiệp của cậu mình…
Bà Hyim Kdoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: Hơn 40 năm qua đã có ít nhất 5 dự án “sân khấu hóa” thiên sử thi về Đam Săn nhằm quảng bá rộng rãi di sản văn hóa này; đồng thời cũng là một biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di sản “Bài ca chàng Đam Săn”. Tuy nhiên, vì những lý do khách quan và chủ quan nên các dự án trên đây đều bị gác lại, hoặc tiến hành dang dở. Phải đến đầu năm 2021, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh và tài năng, tâm huyết của các nghệ sĩ mới gặp được “cơ duyên”. Vở ca kịch “Khát vọng Đam Săn” hoàn chỉnh và ra mắt vào thời điểm vừa kết thúc Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 là một thành quả nghệ thuật mang nhiều ý nghĩa.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường - một “thương hiệu âm nhạc” gắn liền với rất nhiều ca khúc nổi tiếng về Tây Nguyên - chia sẻ: “Sử thi Tây Nguyên nói chung và “Bài ca chàng Đam Săn” nói riêng, với lối kể khan truyền thống, rất gần gũi với âm nhạc hàn lâm. Vì vậy nếu đưa lên sân khấu thì chọn ca kịch là phù hợp nhất. Nhưng “Ca kịch” hiểu theo nghĩa Opera thì là một loại hình đỉnh cao có những yêu cầu rất khắt khe chặt chẽ. Tuy nhiên thời hiện đại, mỗi dân tộc đã có những cách ứng xử hợp lý với Opera, trên nguyên tắc bảo đảm hồn cốt là các Aria, tạm hiểu là những “khúc độc thoại”.
Theo đó, chúng tôi cũng đã chọn một cách xử lý phù hợp với điều kiện Tây Nguyên. Bên cạnh phần nhạc giao hưởng do nhạc sĩ Minh Đạo phụ trách thì tôi trực tiếp làm thêm phần nhạc truyền thống của Tây Nguyên. Sự kết hợp này bảo đảm vở diễn có được một phần của không khí ca kịch hàn lâm, một phần đặc trưng của âm nhạc Ê đê. Tôi viết 5 Aria cho 5 nhân vật quan trọng trước, từ đây tôi phát triển âm nhạc cho cả vở. Đây không chỉ là giải quyết “bài toán hàn lâm” mà còn vì công chúng khán giả. Bởi vì chúng tôi làm “Khát vọng Đam Săn” là trước hết để diễn cho đồng bào Tây Nguyên nghe và xem, hiểu được và yêu thích, trân quý di sản văn hóa dân tộc mình. Và nữa, tác phẩm phải được biểu diễn nhiều lần, nhiều không gian khác nhau, có thể phục vụ các lễ hội và khách du lịch… chứ không phải làm ra chỉ để diễn vài lần rồi… cất kho!”.
Không phải là… Sử thi Đam Săn
Vở ca kịch “Khát vọng Đam Săn” của Nguyễn Cường - Hồng Hoa và ekip sáng tạo gồm 5 chương. Chương 1 là cảnh đám cưới của Đam Săn và Hnhí. Chương 2 là cảnh chiến đấu và chiến thắng Mtao Msei, mở rộng buôn làng phát triển hùng mạnh. Chương 3 là nỗi khát khao có được Đam Săn của Nữ thần Mặt trời, khiến buôn làng bị chìm vào bóng tối. Chương 4 là hành trình gian lao của Đam Săn lên gặp Nữ thần Mặt trời, mang ánh sáng về cho dân làng. Chương 5 là ánh sáng ngập tràn cao nguyên, khát vọng của Đam Săn lan tỏa khắp núi rừng…
Như vậy, so với 8 chương của thiên sử thi “Bài ca chàng Đam Săn” thì ca kịch “Khát vọng Đam Săn” có sự “rút ngắn” về bố cục. Không chỉ thế, vở diễn còn có nhiều nhân vật, nhiều chi tiết bị thêm - bớt hoặc mang nội dung khác. Chẳng hạn: Trong Sử thi, Đam Săn cưới 2 chị em Hnhí và HBnhi, nhưng trong ca kịch chỉ cưới Hnhí. Trong Sử thi, Đam Săn cầu hôn Nữ thần Mặt trời nhưng bị từ chối và bị chết trên đường trở về, nhưng trong ca kịch thì Nữ thần Mặt trời vì yêu Đam Săn nên thu hết ánh sáng để “dụ” chàng. Rồi cũng vì yêu Đam Săn nên Nữ thần đã ban tặng cho chàng chiếc vòng ánh sáng. Đam Săn kiệt sức khi về tới buôn làng nhưng ánh sáng chàng mang về tràn ngập cao nguyên…
Chia tay Nữ thần mặt trời (Cảnh trong vở ca kịch “Bài ca Đam Săn”).
Lý giải về những “sự khác” trên đây, nhạc sĩ Nguyễn Cường và nhà văn Hồng Hoa khẳng định họ sáng tạo từ cảm hứng về sử thi Đam Săn chứ không phải “chuyển thể” sử thi. Cảm hứng lớn nhất tỏa ra từ thiên sử thi này là khát vọng tự do (chống lại những ràng buộc tập tục lạc hậu); là khát vọng chung sống hòa hợp với thiên nhiên (muốn cưới Nữ thần Mặt trời làm vợ); là khát vọng mở rộng buôn làng, xây dựng một cộng đồng dân tộc hùng mạnh, một xã hội tràn ngập ánh sáng và tình yêu. Khai thác sử thi Đam Săn để sáng tạo vở ca kịch, các tác giả chỉ nhằm làm nổi bật hơn, khắc họa rõ nét hơn những khát vọng đó. Và vở ca kịch đã cơ bản đạt được ý đồ nghệ thuật đó. Rõ ràng, ca kịch “Khát vọng Đam Săn” không phải là “chuyển thể” thiên sử thi Bài ca chàng Đam Săn.
Trong kho tàng văn học dân gian của nhân loại, liên quan đến ứng xử với Mặt trời, loài người thường có 3 cách thức: Cầu xin (cúng bái, tế lễ); chống đối (thần thoại bắn rớt Mặt trời, đánh nhau chinh phục Mặt trời); hoặc đánh lừa, ăn cắp (như Promete). Người Ê đê cổ đại của Tây Nguyên hùng vĩ đã không chọn những cách thức như thế, mà tìm cách giao hòa, chung sống với Mặt trời, muốn cưới Mặt trời làm vợ; tức là muốn được chung sống hài hòa yêu thương với thiên nhiên để tăng thêm sức mạnh cho cộng đồng, đặng thực hiện khát vọng xây dựng một bộ tộc (dân tộc) hùng cường, thịnh vượng. Đó là khát vọng nhân văn, mỹ cảm, tiến bộ mà loài người văn minh thời hiện đại đang “ngộ” ra và phấn đấu. Đó cũng là Khát Vọng Lớn của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp Đổi mới, hội nhập và phát triển!
Đồng thời, các tác giả phải chọn các giải pháp “rút gọn”, sáng tạo nội dung và xử lý âm nhạc, bố trí sân khấu như vở ca kịch thì mới khả dĩ biểu diễn được tại nhiều không gian, phục vụ được nhiều đối tượng, thuận tiện cho các đơn vị nghệ thuật khi dàn dựng… Nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng bày tỏ hi vọng tác phẩm của ông và các cộng sự chỉ như một “bộ khung” để các đơn vị nghệ thuật có thể tiếp tục sáng tạo bồi đắp thêm, tùy vào khả năng, điều kiện thực tế của mỗi đơn vị và địa phương. Thậm chí, vở diễn có thể được dàn dựng phát triển bởi những nhà hát Opera danh tiếng, biểu diễn trên những sân khấu lớn trong nước và trên thế giới.
Theo ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở VT-TT & DL tỉnh Đắk Lắk, thì tỉnh đã có kế hoạch sau khi kiểm soát được đại dịch COVID-19, sẽ tổ chức biểu diễn “Khát vọng Đam Săn” phục vụ quân và dân tỉnh nhà, thiết thực góp phần thực hiện sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa trên quê hương sử thi Đăm Săn. Đồng thời sẽ có các giải pháp cụ thể để tác phẩm trở thành một sản phẩm du lịch của Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/khat-vong-dam-san-la-khat-vong-hung-cuong-i639878/