Khát vọng đưa nông sản chủ lực vươn xa...

Nông dân huyện Phú Giáo tự hào về những sản phẩm cây ăn trái chủ lực của quê hương mình. Sầu riêng thơm nức, bưởi da xanh, dưa lưới ngọt dịu... thu hút đông đảo khách hàng gần xa. Nơi đây, từng loại cây ăn trái được vun trồng, chăm sóc cần mẫn, vun đắp bằng mồ hôi và tâm huyết của người nông dân. Họ khát vọng đưa những sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng, mang đậm hương vị quê hương ra thị trường thế giới.

Sầu riêng cũng là sản phẩm có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định. Trong ảnh: Đoàn cán bộ huyện Phú Giáo khảo sát vườn sầu riêng tiêu chuẩn VietGAP của hộ ông Đinh Ngọc Khương, xã An Bình

“Quả ngọt” trên những vườn cây

Năm 2023 đánh dấu mốc quan trọng đối với các thành viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (xã An Bình) khi thành công chinh phục thị trường khó tính như Nhật Bản. Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HXT chia sẻ với khát vọng đưa nông sản vươn xa, khẳng định vị thế và giá trị nông sản địa phương trên thị trường, HTX không ngừng tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp (DN) chuyên xuất khẩu nông sản. Thông qua đối tác trung gian, quý II-2023 HTX đã ký kết được hợp đồng xuất khẩu dưa lưới cấp đông sang thị trường Nhật Bản trong vòng 1 năm, sản lượng khoảng 400 tấn. Đối với thị trường trong nước, hiện HTX đang cung cấp sản phẩm cho hệ thống siêu thị Metro, BigC, Co.opmart... với giá cả ổn định.

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long hiện có 83 thành viên, tổ chức sản xuất 20 ha dưa lưới theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Mỗi năm HTX sản xuất, đưa ra thị trường hơn 2.000 tấn dưa lưới. Theo ông Quyết, việc xuất khẩu nông sản đồng nghĩa với trách nhiệm thực hiện sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ vững chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế, mang lại lợi nhuận bền vững.

Ông Đinh Ngọc Khương, một nhà vườn trồng sầu riêng ở xã An Bình, chia sẻ: “Gia đình tôi đã trồng sầu riêng được gần 10 năm. Gia đình áp dụng phương thức bón phân hữu cơ, tưới phòng trừ sâu bệnh sinh học... để sản phẩm luôn đạt chất lượng và đáp ứng được yêu cầu thị trường. Hiện nay, sầu riêng của gia đình tôi chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Trung bình 1 ha đạt sản lượng từ 20-25 tấn”. Để có được vườn sầu riêng rộng 7 ha luôn phát triển khỏe mạnh, cho trái đạt chất lượng, ông Khương đã không ngừng học hỏi, nghiên cứu áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến từ các nước có nền nông nghiệp phát triển. Đến nay, toàn bộ vườn sầu riêng của gia đình ông đều được đánh mã số cây để tiện theo dõi, quản lý sâu bệnh. Mỗi vụ thu hoạch, vườn sầu riêng mang lại cho ông lợi nhuận hàng tỷ đồng.

Ông Trịnh Đức Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Giáo, cho biết Phú Giáo có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả giúp nông dân ngày càng khá giả. Nông dân trong huyện đang nỗ lực áp dụng khoa học - kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu. Một số sản phẩm nông sản như chuối, ổi, dưa lưới, sầu riêng của địa phương đã có mặt tại các thị trường quốc tế như Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines…

Hỗ trợ nông dân đưa sản phẩm vươn xa

Theo bà Huỳnh Ngọc Ánh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Giáo, việc tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân mở rộng thị trường, hướng tới xuất khẩu nông sản không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần xây dựng thương hiệu nông sản địa phương, quảng bá hình ảnh quê hương. Thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thị trường tiêu thụ nông sản, như: Hỗ trợ nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; kết nối nông dân với DN thông qua các hội chợ, hội nghị để giới thiệu sản phẩm nông sản của địa phương đến các DN xuất khẩu. Bên cạnh đó, địa phương cũng hỗ trợ nông dân vay vốn đầu tư sản xuất; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản, như: Đăng ký nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm nông sản chủ lực.

Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất cũng như có sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long có thị trường tiêu thụ dưa lưới ổn định và đáp ứng chất lượng thị trường xuất khẩu. Trong ảnh: Sản phẩm dưa lưới của HTX trưng bày tại Lễ hội “Mùa trái chín” năm 2024

Dẫu vậy, bài toán về giá hàng hóa nông sản luôn là trăn trở đối với người nông dân. Nhiều hộ nông dân cho biết sau lễ ký kết, DN xuất khẩu thu mua nông sản đều đưa ra giá quá thấp. Trong khi đó, một số DN xuất khẩu thì cho rằng việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của nông dân rất khó để họ bán giá cao. Hơn nữa, mỗi thị trường nước nhập khẩu có tiêu chí riêng, rất khắt khe. Như vậy, khó khăn và thách thức đối với người nông dân gặp phải trong quá trình xuất khẩu là không nhỏ.

Ông Đoàn Văn Đồng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, nhấn mạnh ngành nông nghiệp huyện nhà cần đẩy mạnh nghiên cứu, mở rộng vùng trồng nông sản theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ các chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, truy xuất nguồn gốc tại các vùng trồng nhằm tăng tính cạnh tranh và tăng uy tín trên thịtrường. Ông Đoàn Văn Đồng cũng lưu ý nông dân, các hợp tác xã, DN trên địa bàn huyện cần nghiên cứu quy mô sản xuất, khả năng cung cấp các sản phẩm của huyện, của các đơn vị sản xuất liên kết tạo nguồn cung cho hoạt động kinh doanh; từng bước liên kết với các đơn vị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị để vừa chủ động trong sản xuất, kinh doanh, vừa gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp của huyện…

Huyện Phú Giáo là vùng đất màu mỡ, với những vườn cây ăn trái xanh mướt trải dài. Việc phát triển 3 nhóm cây trồng có giá trị kinh tế cao, diện tích canh tác lớn, gồm: Sầu riêng, bưởi da xanh, dưa lưới là hướng đi phù hợp và đầy triển vọng cho ngành nông nghiệp huyện nhà. Tin tưởng rằng, với sự nỗ lực không ngừng của các hộ nông dân, HTX, DN sản xuất nông nghiệp; cùng sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp, các ngành, sản phẩm nông nghiệp chủ lực huyện Phú Giáo sẽ vươn xa trong thời gian tới.

Trên địa bàn huyện Phú Giáo hiện có 822 cơ sở, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt; trong đó diện tích trồng dưa lưới hơn 83 ha, cây sầu riêng diện tích khoảng 293 ha, cây có múi hơn 412 ha. Toàn huyện có 94 cơ sở trồng trọt có chứng nhận VietGAP. Hiện nay, việc tổ chức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đang chuyển từ “chuỗi liên kết cung ứng nông sản” sang phát triển “chuỗi liên kết giá trị”, chuyển từ mục tiêu “hỗ trợ kinh tế hộ” sang mục tiêu “hỗ trợ kinh tế tập thể” để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động sản xuất nông nghiệp.

TIẾN HẠNH

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/khat-vong-dua-nong-san-chu-luc-vuon-xa--a328609.html