Khát vọng hòa bình trong trái tim người trẻ

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Con đường đi tới thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước luôn sáng rõ khát vọng hòa bình, độc lập, tự do.

Khát vọng ấy đang được tiếp tục nuôi dưỡng với những việc làm thiết thực của thế hệ trẻ hôm nay, để đóng góp vào việc khẳng định vị thế đất nước.

Các nữ chiến sĩ lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan. Ảnh: Độc Lập

Các nữ chiến sĩ lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan. Ảnh: Độc Lập

Nguồn cảm hứng từ phong trào “Ba sẵn sàng”

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, cả nước đã có hơn 5 triệu lượt đoàn viên, thanh niên gia nhập lực lượng vũ trang; trên 133 nghìn đoàn viên, thanh niên tham gia thanh niên xung phong. Quá trình đi đến ngày toàn thắng đã ghi dấu ấn nhiều phong trào cách mạng của thế hệ trẻ, trong đó “Ba sẵn sàng” là phong trào có sức lôi cuốn mạnh mẽ, rộng khắp, khởi đầu từ tuổi trẻ Thủ đô Hà Nội, sau đó trở thành phong trào thi đua chung của thanh niên cả nước. Phong trào “Ba sẵn sàng” có ý nghĩa hết sức to lớn và để lại nhiều kinh nghiệm quý báu về công tác thanh vận của Đảng, nhằm phát huy hơn nữa ý chí, tinh thần cống hiến, sức sáng tạo của tuổi trẻ.

Hội nghị Trung ương lần thứ 12 khóa III (tháng 12-1965) của Đảng đề ra nhiệm vụ: "Cả nước kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, dù trong bất kỳ tình huống nào, để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam". Theo tinh thần đó, từ năm 1966, phong trào “Ba sẵn sàng” tiếp tục mở rộng những nội dung mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chiến lược mới của Đảng, đó là: “Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, công tác và học tập trong bất kỳ tình huống nào; sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến”.

Một đặc trưng của phong trào “Ba sẵn sàng” là tinh thần sẵn sàng gia nhập quân đội, đi thanh niên xung phong, sẵn sàng tham gia chiến đấu, chiến đấu dũng cảm. Những lá đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ viết bằng máu và nhiều cuốn nhật ký của những thanh niên, chiến sĩ trẻ đã nói lên ý chí quyết tâm “Ba sẵn sàng” của thanh niên miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Trong thanh niên học sinh, sinh viên trí thức, hàng nghìn giáo viên, sinh viên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khi đó đã hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng”, xếp bút nghiên lên đường ra trận. Họ đã góp phần làm nên truyền thống anh hùng của thanh niên miền Bắc, của tuổi trẻ các trường đại học...

Lan tỏa tinh thần xung kích, tình nguyện

Sinh ra trong hòa bình, ý niệm và khát vọng hòa bình trong thế hệ thanh niên hôm nay được thắp lên và lớn dần trong lòng những người trẻ theo từng năm tháng, với bước chân trên từng tấc đất quê hương ngấm xương máu cha anh nơi họ đi qua, trong mỗi bài ca cách mạng mà họ hát, nơi mỗi một di tích lịch sử họ được ghé thăm...

Tiếp nối tinh thần của phong trào “Ba sẵn sàng”, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã phát động trong thanh niên cả nước nhiều chương trình hành động, tiêu biểu như: “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”; “Nghĩa tình biên giới hải đảo”; “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”; “Đồng hành cùng ngư dân trẻ ra khơi”...

Đặc biệt là các phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” đã được triển khai rộng rãi với hàng chục triệu lượt thanh niên tham gia. Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, trải qua hơn 20 năm triển khai, đến nay đã trở thành phong trào rộng lớn trong thanh niên, mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Năm 2024 kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng đánh dấu tròn 20 năm Tháng Thanh niên. Chặng đường đó đã ghi dấu ấn của lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam trong quá trình đóng góp xây dựng đất nước, với tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo vì lợi ích của cộng đồng, xã hội; đã có hơn 100 triệu lượt đoàn viên, thanh niên chung tay thực hiện hơn 668 nghìn công trình, phần việc với tổng giá trị ước tính lên tới 4.500 tỷ đồng; hàng triệu suất quà được trao đến tay người dân trên khắp cả nước.

Là quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam thực hiện nghiêm chỉnh các nghĩa vụ, đồng thời tích cực hợp tác cùng các quốc gia khác giải quyết các vấn đề an ninh đang nổi lên, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Sau gần 10 năm triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Việt Nam đã cử khoảng 800 lượt cán bộ, nhân viên, trong đó có nhiều người trẻ đi thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình ở cả hình thức cá nhân và đơn vị. Lực lượng này chủ yếu là các sĩ quan, quân nhân trẻ, được tuyển chọn từ các đơn vị trong toàn quân; trải qua các kỳ kiểm tra, sát hạch nghiêm ngặt, đáp ứng được yêu cầu cao của Liên hợp quốc, có đủ phẩm chất, năng lực làm việc trong môi trường quốc tế. Sự hiệu quả của đội ngũ này đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Đối với người trẻ, khát vọng hòa bình chính là mong muốn cháy bỏng được cống hiến, góp sức giữ gìn và dựng xây Tổ quốc, để đất nước hùng cường, có cơ đồ, vị thế lớn, ngăn tất cả những nguy cơ của chiến tranh. Điều đó đang được thế hệ trẻ Việt Nam qua các thời kỳ, trong đó có thế hệ trẻ hiện nay, thể hiện rõ.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khat-vong-hoa-binh-trong-trai-tim-nguoi-tre-665005.html