Khát vọng Hoa Lúa

Cái nắng hanh hao của những ngày tháng mười trải 'mật' lên thửa lúa nếp đến độ chín vàng trên cánh đồng Cao Xá, huyện Lâm Thao. Niềm vui được mùa hiện rõ trên gương mặt lấm tấm mồ hôi ngời sáng nụ cười hồn hậu của những người nông dân. Những bông lúa nếp từ đồng ruộng theo người về nhà, đủ nắng, đủ gió sẽ trở thành nguyên liệu chính để làm nên những mẻ tương Hoa Lúa ngon lành…

Tương cổ Đất Tổ và nước cốt tương HOLUSA của Công ty TNHH MTV Hoa Lúa vừa được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 4 sao.

(baophutho.vn) - Cái nắng hanh hao của những ngày tháng mười trải “mật” lên thửa lúa nếp đến độ chín vàng trên cánh đồng Cao Xá, huyện Lâm Thao. Niềm vui được mùa hiện rõ trên gương mặt lấm tấm mồ hôi ngời sáng nụ cười hồn hậu của những người nông dân. Những bông lúa nếp từ đồng ruộng theo người về nhà, đủ nắng, đủ gió sẽ trở thành nguyên liệu chính để làm nên những mẻ tương Hoa Lúa ngon lành…

Từ sản vật quê hương…
Ở xã Cao Xá, cùng với làng tương truyền thống Dục Mỹ, ai cũng biết đến sản phẩm tương của Công ty TNHH MTV Hoa Lúa. Nằm trong làng An Thái, cơ sở sản xuất của Công ty chính là căn nhà gỗC- tư gia của gia đình anh Cao Trung Thông. Ngay từ khi đặt chân đến, mùi hương ngào ngạt của những mẻ tương phơi nắng thoảng theo gió thu tỏa khắp không gian, đọng trong không khí, đong đầy khoảng sân, vương vấn những chum, vại đã đánh thức khứu giác, vị giác của những vị khách ghé thăm.Xuất phát từ tình yêu với thứ sản vật đặc trưng và niềm khát khao đưa sản phẩm tương truyền thống ra thị trường trong nước, năm 2013, anh Thông đã thành lập Công ty TNHH MTV Hoa Lúa, mở rộng sản xuất và xây dựng thương hiệu để đưa sản phẩm tương truyền thống đến với thị trường trong nước. Anh Thông chia sẻ: “Nghề làm tương đã gắn bó với đất và người Cao Xá từ bao đời nay, tuy nhiên sản phẩm tương truyền thống vẫn chưa được nhiều người biết đến. Do đó, để đưa sản phẩm tương vươn xa đến các thị trường trong và ngoài tỉnh, thoát khỏi “mác” manh mún, nhỏ lẻ, khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại cần từng bước mở rộng sản xuất, tạo dựng uy tín và niềm tin cho khách hàng. Nhận thấy cơ hội phát triển, được sự chấp thuận của chính quyền sở tại và cấp phép của các cơ quan có thẩm quyền, tôi đã thành lập doanh nghiệp với mong muốn gìn giữ và phát huy bản sắc quê hương, tạo dựng thương hiệu từ nghề truyền thống để tạo ra giá trị góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương”.

Đỗ tương - nguyên liệu không thể thiếu để làm nên những mẻ tương ngon lành.Bằng những nguyên liệu được chọn lọc kỹ càng như gạo nếp, đậu tương, vừng, muối biển và không thể thiếu nguồn nước ngọt lành của quê hương cùng phương pháp sản xuất truyền thống, anh Thông đã tạo nên những sản phẩm tương có chất lượng cao, mang đậm bản sắc vùng Đất Tổ. Từ sản phẩm tương truyền thống, sau nhiều năm ấp ủ ý tưởng, tự nghiên cứu, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, năm 2014, anh Thông đã cho ra đời sản phẩm nước cốt tương HOLUSA. Đây là sản phẩm mới, độc đáo có giá trị thương mại và sức cạnh tranh thị trường cao hơn.Trăn trở về việc làm thế nào để sản phẩm ngày càng đến được tay nhiều người tiêu dùng, anh Thông đặc biệt chú trọng tạo dựng thương hiệu mà trước hết là nâng cao chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp luôn kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chế biến đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm. Do đó, sản phẩm làm ra luôn có chất lượng cao, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, ngày càng có thêm nhiều khách hàng mới yêu mến lựa chọn sản phẩm, từng bước tạo dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Đây cũng chính là động lực giúp doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện, trung bình mỗi năm doanh nghiệp sản xuất và bán ra thị trường trên 20.000 lít tương, nước cốt tương; doanh thu hàng năm đạt trên một tỷ đồng, giải quyết việc cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.…đến sản phẩm OCOP cấp tỉnh
Con đường xây dựng thương hiệu cho sản phẩm truyền thống quê hương qua nhiều thăng trầm, gặp không ít khó khăn, song bằng tâm huyết với sản phẩm truyền thống quê hương anh Thông đã dần hiện thực hóa mong ước đưa sản phẩm quê hương ra thị trường trong nước. Năm 2016, sản phẩm tương cổ Đất Tổ và nước cốt tương HOLUSA của Công ty TNHH MTV Hoa Lúa đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, được hỗ trợ dán tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc (QR corde), đánh dấu bước tiến quan trọng trên con đường khẳng định thương hiệu tương Hoa Lúa.

Nghề làm tương đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ.Cùng với không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng, anh Thông còn quan tâm đến cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, nhờ đó các sản phẩm tương và nước cốt tương HOLUSA đã chinh phục nhiều thị trường khó tính. Chủ động tiếp cận thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm năm 2018, sản phẩm tương và nước cốt tương HOLUSA tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử, từ đây sản phẩm tương Hoa Lúa chính thức có “tên” trên bản đồ giao dịch điện tử của tỉnh. Các sản phẩm nhãn hiệu HOLUSA của Công ty TNHH MTV Hoa Lúa đã tham gia nhiều chương trình, hội nghị kết nối cung cầu, được trưng bày, giới thiệu rộng rãi tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, Hội chợ sản phẩm nông sản sạch, hội chợ sản phẩm OCOP tiêu biểu… đã giúp sản phẩm tương và nước cốt tương HOLUSA đến gần hơn với người tiêu dùng và có mặt tại nhiều chuỗi cung cứng, kênh phân phối thực phẩm sạch tại Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận.Chất lượng đảm bảo, sức cạnh tranh cao, sản phẩm tương Hoa Lúa đã từng bước trở thành sản phẩm OCOP cấp huyện, rồi cấp tỉnh. Mới đây, sản phẩm tương cổ Đất Tổ và nước cốt tương HOLUSA được UBND công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 4 sao theo Quyết định số 2408 QĐ/UBND ngày 25/9/2021.Đồng chí Nguyễn Quốc Hùng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Thao cho biết: “Cùng với sản phẩm địa phương có tiềm năng như: Tương Dục Mỹ, gạo JO2, ủ ấm Sơn Vi, rau an toàn Tứ Xã… tương cổ Đất Tổ và nước cốt tương HOLUSA của Công ty TNHH MTV Hoa Lúa được xác định là các sản phẩm chủ lực trong thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của huyện Lâm Thao. Việc xây dựng thành sản phẩm OCOP, góp phần phát triển, nâng cao giá trị các sản phẩm đặc trưng của huyện, phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện sẽ tiếp tục phối hợp với sở, ngành của tỉnh, các đơn vị chức năng tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị, tạo đầu ra cho sản phẩm và nâng cấp tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm OCOP ở thứ hạng cao hơn”… Vốn là thức chấm dân dã, lâu đời của người Việt, kết tinh từ hạt “ngọc thực”, chắt chiu bởi nắng và gió Trung du qua bàn tay lao động cần cù và sáng tạo của con người, tương - từ một sản phẩm truyền thống đã vượt qua khỏi “lũy tre làng” trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị và sức cạnh tranh cao của tỉnh.

Thùy Phương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202110/khat-vong-hoa-lua-180425