Khát vọng Memozone
Tôi đón họ tại sân bay Tân Sơn Nhất sau một chuyến đi vất vả giữa mùa dịch bệnh. Những người hùng thầm lặng vừa từ Hà Nội trở về sau khi đã phối hợp cùng Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông để rà soát, kiểm tra những bước cuối cùng trước khi Bộ triển khai một ứng dụng bảo vệ sức khỏe cho toàn dân chống COVID-19: Ứng dụng sử dụng công nghệ Bluetooth để rà tìm người tiếp xúc gần bệnh nhân COVID - 19 do chính người Việt Nam sáng chế!
Nhóm mang tên MemoZone, gồm 4 thành viên chính: ông Nguyễn Hải Linh - Trưởng nhóm, bà Phạm Thị Thanh Hằng - Chủ nhiệm dự án, ông Đào Trần Bằng - Trưởng bộ phận phần mềm, ông Lê Hồng Long - Trưởng bộ phận thiết bị và 10 kỹ thuật viên. Tôi hỏi họ: Sao lại đi Hà Nội giữa mùa dịch bệnh? Họ trả lời với ánh mắt đầy tự hào: Đi theo tiếng gọi của Tổ quốc! Và đề án này ra đời từ tiếng gọi thiêng liêng ấy!
Đầu tháng 3/2020, khi dịch bệnh bắt đầu hoành hành, Thủ tướng Chính phủ phát đi thông điệp: Chống dịch như chống giặc! Toàn dân tộc đoàn kết một lòng, biết bao tấm gương người tốt, việc tốt xuất hiện, tạo thành những giá trị cao đẹp cho cuộc đời.
Ông Nguyễn Hải Linh chia sẻ: “Trong lòng mỗi chúng tôi, ai cũng khao khát làm được việc gì đó có ích cho Tổ quốc. Người thì muốn mời một nhạc sĩ tên tuổi viết bài hát chống dịch, người thì muốn quyên góp làm từ thiện… Rồi một cơ duyên xuất hiện khi một thành viên trong nhóm lóe lên ý nghĩ: Có thể sử dụng công nghệ Bluethooth để phát hiện F1, F2 trong phòng chống COVID-19.
Cả nhóm quyết định lao vào nghiên cứu đề án từ con số 0 tròn trĩnh, với bao thách thức, từ việc viết phần mềm đến việc thích ứng với mọi thiết bị của cả 2 hệ điều hành Android và iOS, vốn là những đối thủ "không đội trời chung". Chung tay với chúng tôi có công ty CP BĐS Đông Dương- đơn vị tình nguyện tài trợ”.
Cùng với sự sâu sát của lãnh đạo Chính phủ và Bộ TTTT, đề án nhận được sự quan tâm đặc biệt, khi đích thân đồng chí Bộ trưởng Bộ TTTT và Cục trưởng Cục Tin học hóa đã tiếp cận, lắng nghe, góp ý cho đề án. Sau đó là những đêm không ngủ với biết bao trăn trở, thách thức với cả nhóm. Có người mỗi ngày chỉ ngủ 2 tiếng đồng hồ. Họ đã động viên nhau bằng câu nói nổi tiếng của Paven Coocsaghin: “Đời người chỉ sống có một lần, hãy sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí”. Họ truyền cho nhau tinh thần của bài hát Tự nguyện với thông điệp sẵn sàng: “Là người, tôi sẽ chết cho quê hương”!
Sau đó, các tập đoàn lớn như VNPT, Mobiphone, BKAV… cùng đồng hành với họ để triển khai sáng kiến hữu ích đó.
Chưa bao giờ có một không khí thi đua sôi nổi, lành mạnh đến như vậy bởi đơn vị nào cũng muốn đóng góp công sức của mình để phục vụ nhân dân với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, ông Nguyễn Hải Linh kể: “Tôi cũng đã chứng kiến các cán bộ của Cục Tin học hóa, ngày nào cũng làm việc đến nửa đêm, tôi ăn với họ bữa chiều lúc 22h đêm bằng miếng bánh mì nuốt vội… Đúng như lời của đồng chí Bộ trưởng: Họ làm việc bằng danh dự, bằng tinh thần của người chiến sĩ!”
Rất nhiều bài toán khó mà các nhóm phải giải quyết bằng những phương pháp và cách tiếp cận khác nhau nhưng cùng một đáp số, đó là: thông qua tương tác Bluetooth giữa các điện thoại thông minh, ứng dụng cho phép lưu lại lịch sử tiếp xúc giữa các điện thoại trong phạm vi gần.
Khi một người bị phát hiện là F0, toàn bộ lịch sử tương tác trong vòng 14 ngày trước đó sẽ chuyển về Trung tâm xử lý, từ đó phát tin nhắn cảnh báo cho những người đã từng tiếp xúc gần F0 trong khoảng thời gian 10 phút để họ tự cách ly, đến xét nghiệm tại các trung tâm y tế.
Giải pháp này không xâm phạm đến quyền riêng tư vì các số điện thoại chuyển thành mã định danh, lưu trong điện thoại người sử dụng, chỉ khi F0 phát lên trung tâm xử lý, khi đó mã định danh mới chuyển thành số điện thoại để gửi tin nhắn cảnh báo cho các đồi tượng bị nghi lây nhiễm.
Đồng chí Bộ trưởng khẳng định với cả nhóm: “Đây có thể xem là giải pháp tiên tiến, duy nhất được áp dụng đến lúc này, nếu giải phát trên thành công, các trường hợp nghi lây nhiễm như quán Bar Buddha, Bệnh viện Bạch Mai sẽ tìm thấy hết, khắc phục được những bất cập như phương pháp thủ công đang áp dụng.”
Tuy nhiên ở công đoạn cuối cùng phải giải quyết là làm sao để các điện thoại iOS ở trạng thái background có thể “nhìn thấy nhau”. Hệ điều hành không cho phép thực hiện điều đó, và tất cả các quốc gia đang nghiên cứu đều bất lực trước vần đề trên.
Ông Hải Linh chia sẻ: “Lại là những đêm không ngủ tìm tòi, cuối cùng, một thành viên của nhóm đã phát hiện ra giải pháp: chỉ cần một điện thoại android xuất hiện, do android có thể “nhìn thấy” mọi iOS ở mọi trạng thái nên có thể nhìn giúp các iOS đó, tức là android sẽ gửi các mã định danh của các iOS xung quanh cho từng iOS.
Do android chiếm tỷ lệ khoảng 75% trên thị trường Việt Nam nên giải pháp này hoàn toàn khả thi. Tương tự, nếu không có android, chỉ cần một iOS “thức” nó sẽ làm công việc tương tự như Android để giải quyết bài toán trên. Ngày 15/4/2020, dự án hoàn tất những công đoạn cuối cùng và theo yêu cầu của Bộ trưởng, chúng tôi tức tốc ra Hà Nội để rà soát, kiểm tra ứng dụng”.
Khi biết tin MemoZone đoạt giải nhất cùng BKAV, cùng với sự khẳng định của Bộ TTTT: MemoZone có vai trò to lớn, là đơn vị tiên phong phát kiến ý tưởng, cũng là đơn vị có những giải pháp sâu sắc, sáng tạo, xử lý những vấn đề khó của ứng dụng, cả nhóm ôm chầm lấy nhau rưng rưng nước mắt, những giọt nước mắt như giọt mật của cuộc đời ban tặng vì những cống hiến của nhóm đã được ghi nhận, đó còn là những giọt nước mắt dành tặng Mẹ Tổ quốc thân yêu!
Nhìn những con người phờ phạc vì thiếu ngủ nhưng ánh mắt sáng ngời, tôi không thể tránh được xúc động khi hiểu rõ câu chuyện họ kể. Tôi thầm mong họ sẽ còn làm được nhiều việc có ích đất nước cùng với niềm tin vững chắc: Việt Nam sẽ chiến thắng dịch COVID-19 bởi có sự đoàn kết, chung tay của mọi người mà nhóm MemoZone là 1 ví dụ điển hình như thế!
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/khat-vong-memozone-1644373.tpo