Khát vọng Nậm Chày

Với hơn 36% hộ nghèo, Nậm Chày (Văn Bàn) hiện là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. Làm gì để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc nơi đây?

Trung tâm xã Nậm Chày.

Trung tâm xã Nậm Chày.

Một ngày cuối tháng 5, chúng tôi nhận được điện thoại của anh Đỗ Đăng Hảo, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện nói rằng, mấy hôm nữa anh sẽ có chuyến công tác lên Nậm Chày. Anh Hảo là Huyện ủy viên phụ trách xã, nên những chuyến đi cơ sở là thường niên. Tôi cũng lên Nậm Chày nhiều lần, nhưng nghe anh nói lần này sẽ đi theo một cung đường qua hết các thôn nên cũng có phần háo hức. Như đã hẹn, sáng sớm hôm ấy, chúng tôi có mặt ở trung tâm huyện, kiểm tra xe máy trước khi khởi hành, anh Bùi Trung Kiên, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Chày làm hoa tiêu. Đang trong những ngày cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, quán xá đóng cửa nên chúng tôi mỗi người chủ động mang theo nước, bánh mì ăn dọc đường. Sáng đầu hè, mới 7 giờ mà nắng đã lên cao, đoàn chúng tôi di chuyển chầm chậm theo Quốc lộ 279 và 30 phút sau, trung tâm xã Dương Quỳ hiện ra trước mắt. Từ ngã ba rẽ trái là lên trung tâm xã Nậm Chày, tuyến đường này vừa được rải nhựa bằng nguồn vốn ODA đã rút ngắn thời gian từ Dương Quỳ lên Nậm Chày chỉ còn 20 phút thay vì cả tiếng đồng hồ như trước. Tuy nhiên, lần này chúng tôi rẽ phải theo đường lên xã Dần Thàng để từ đó vào các thôn Tà Moòng, Khâm Trên, sau đó sẽ qua Khâm Dưới về trung tâm xã và đi tiếp các thôn còn lại. Ở Dương Quỳ nắng đã lên mà nửa tiếng đồng hồ sau khi lên đến trung tâm xã Dần Thàng, sương mù vẫn bao phủ với tiết trời se lạnh.

Cùng chuyến đi lần này còn có anh Nguyễn Văn Bàn, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Văn Bàn. Anh Bàn được Ban Thường vụ Huyện ủy phân công phụ trách các xã phía Tây huyện, lần công tác nào vào vùng này, anh cũng dành nhiều thời gian hơn cho xã khó khăn Nậm Chày. 5 giờ sáng nay, anh đã từ huyện vào Dần Thàng tranh thủ kiểm tra, động viên các tổ bầu cử trước ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, sau đó chờ chúng tôi đến để cùng đi Nậm Chày. Trước đây từng có thời gian công tác trong ngành giáo dục, bởi vậy những bước chân anh đã đi mòn những con dốc, khu rừng, bản làng nơi đây. Những thế hệ học sinh của anh Bàn năm xưa, nay đã đứng tuổi, thầy trò lâu ngày gặp nhau đương nhiên là mừng, nhưng anh Bàn chẳng khi nào trọn niềm vui bởi bao năm cái nghèo vẫn bủa vây mảnh đất này.

Tôi cũng không rõ trước đây chia tách địa giới ra sao mà thôn Tà Moòng của Nậm Chày thì lọt thỏm giữa Dần Thàng, trong khi thôn Nậm Cằm của Dần Thàng thì lại nằm cách xa trung tâm xã, lọt thỏm giữa các thôn của Nậm Chày. Lời giải thích hợp lý nhất có lẽ là các thôn có cùng đồng bào dân tộc thì được gom về cùng xã, Nậm Chày có hơn 90% là người Mông, còn Dần Thàng chủ yếu là người Dao. Chúng tôi đang sẵn sàng nổ xe máy vào Tà Moòng thì nhận được tin từ trong thôn báo ra trận mưa đêm qua khiến nhiều đoạn sạt lở, muốn vào giờ chỉ có thể đi bộ, nếu thế phải đến hôm sau chúng tôi mới quay ra được. Tính toán lại lộ trình, anh Bàn bảo có lẽ đi Khâm Trên trước, sau đó tính tiếp. Đường từ Dần Thàng sang Khâm Trên phải nói chính xác là đường rừng, bởi nó xuyên qua toàn bụi cây, khe nước. Từ đỉnh con dốc cuối cùng trước khi lao xuống Khâm Trên, chúng tôi dành thời gian ngắm toàn cảnh núi non Nậm Chày. Từ đây phóng tầm mắt rộng có thể nhìn thấy phía dưới chân là Khâm Trên, Khâm Dưới, xa xa là trung tâm xã Nậm Chày với 2 thôn Hỏm Trên, Hỏm Dưới, còn bên trái là Pờ Xì Ngài, Lán Bò, phía đỉnh núi mờ xa sát xã Liên Minh (Sa Pa) là thôn Nậm Chày. Anh Bàn bảo, ở đây đất rộng người thưa, có nhiều tiềm năng phát triển nông lâm nghiệp, nhưng giao thông khó khăn quá, đến nay cả xã mới có hơn 6 km đường liên thôn được đổ bê tông, còn lại hầu hết là đường đất. Đường từ Khâm Trên về Khâm Dưới đã thuận lợi hơn cung đường trước đó nhưng vẫn xóc đến tê tay. Dọc đường đi, hầu hết những căn nhà khóa trái cửa, người dân đã bắt đầu lấy nước vào ruộng, cày bừa chuẩn bị cho vụ lúa mới, cái nghèo hiện rõ trên khuôn mặt hốc hác của người dân nơi đây. Để tự mình lý giải nguyên nhân vì sao Nậm Chày lại nghèo đến thế, sau khi vòng về trung tâm xã nghỉ trưa, chúng tôi tiếp tục vào thôn Nậm Chày và thôn Pờ Xì Ngài. Lời giải đáp của anh Bàn trước đó vẫn đúng, nguyên nhân đầu tiên là giao thông yếu kém.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Quốc Khánh kiểm tra hiện trạng các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Nậm Chày.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Quốc Khánh kiểm tra hiện trạng các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Nậm Chày.

Chủ tịch UBND xã Nậm Chày Sùng A Dùng bảo, người dân nơi đây sống theo các cụm dân cư ở rất xa nhau, nếu đầu tư theo cơ chế giao thông nông thôn thì không thể thực hiện được. Tôi hỏi lại, nếu giao thông được đầu tư liệu có thực sự tạo nên sự đổi thay? Chủ tịch Dùng quả quyết: Chắc chắn có, anh nhìn xem, năm vừa qua, khi tuyến đường trục chính từ Dương Quỳ lên Nậm Chày được cải tạo, nâng cấp đã có thêm nhiều nhà xây mọc lên rồi đấy. Giao thông không phải là tất cả, nhưng sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội nơi đây.

Anh Đỗ Đăng Hảo, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện phân tích thêm, cùng với khó khăn về kết cầu hạ tầng, ở Nậm Chày còn nổi lên một vấn đề nhức nhối đó là tệ nạn xã hội với hơn 200 người nghiện ma túy. Tệ nạn như đám mây đen che mù mảnh đất Nậm Chày, làm cho con người u mê, không còn tâm trí lao động, sản xuất. Nhận thức rõ không giải quyết được vấn đề này thì có đầu tư bao nhiêu tiền của nữa chỉ như muối bỏ bể, năm 2020, huyện Văn Bàn đã đầu tư một trung tâm cai nghiện cộng đồng đặt ngay phía sau trụ sở UBND xã. Gần năm qua, những học viên đầu tiên đã hoàn thành chương trình cai nghiện, bắt đầu một cuộc sống mới. Với sự kiên trì của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự quyết tâm của những người muốn thay đổi số phận mình, tệ nạn ma túy đang từng bước được đẩy lùi.

Thật có duyên với Nậm Chày khi vừa rồi tôi lại có dịp theo đoàn công tác của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Quốc Khánh và lãnh đạo một số sở, ngành trở lại nơi đây. Thành phần đoàn công tác cũng đặc biệt khi cùng với đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh còn có đồng chí Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn, người có nhiều trăn trở tìm hướng thoát nghèo cho Nậm Chày. Trước khi vào buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã “tăng bo” bằng xe máy vào thôn Khâm Dưới để gặp gỡ, trò chuyện với người dân. Kết luận buổi làm việc hôm đó, cùng với ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chúng tôi còn thấy cả tâm tư, tình cảm, trăn trở của một người từng gắn bó với mảnh đất Văn Bàn muốn góp sức để Nậm Chày thoát nghèo cho trọn nghĩa vẹn tình. Anh Hảo tiết lộ thêm cho chúng tôi một thông tin thú vị: Khi còn là Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn, đồng chí Hoàng Quốc Khánh đã đi bộ vào Tà Moòng, sau đó quyết định cho mở tuyến đường vào đây. Ngày con đường được thông tuyến, nhìn thấy những chiếc ô tô đầu tiên vào thôn, nhiều người dân Tà Moòng đã bật khóc…

Huyện Văn Bàn đặt mục tiêu “về đích” huyện nông thôn mới vào năm 2025, cũng có nghĩa xã Nậm Chày phải đạt chuẩn nông thôn mới trước thời điểm đó. Trong buổi làm việc vừa qua, nhiều kiến nghị của Nậm Chày đã được các đồng chí trong đoàn công tác của tỉnh giải đáp. Ba vấn đề lớn đã được chỉ ra và cũng là giải pháp để Nậm Chày thoát nghèo là đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất nông nghiệp, giải quyết tệ nạn xã hội. Khó khăn là tất yếu nhưng đôi khi chính khó khăn lại khiến người ta quyết tâm cao độ, ở Nậm Chày chúng tôi cũng nhìn thấy điều đó qua những gương mặt trưởng thôn tuổi đời mới ngoài đôi mươi. Với nhiệt huyết và trách nhiệm, họ sẽ là những người đi đầu ở thôn trong chặng đường đầy thách thức.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/212470-khat-vong-nam-chay