Khát vọng nông nghiệp trên đất Chín Rồng
Vì sao Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế nhưng chưa phát triển và phát triển chưa bền vững? Để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển thì trước hết cần phải có thể chế, quy hoạch sản phẩm cụ thể, cần tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, hạ tầng xã hội, giao thông, năng lượng, hạ tầng số…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.
Cuối tuần trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, với chủ đề “Khát vọng nông nghiệp Đất Chín Rồng xanh – sinh thái – bền vững”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển thì trước hết cần phải có thể chế".
Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp tổ chức tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
VỰA LÚA GẠO, TÔM, CÁ TRA, TRÁI CÂY
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết vùng Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích tự nhiên 39,7 nghìn km2, chiếm 12,2% diện tích cả nước, có dân số khoảng 18 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước.
Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của cả nước.
Thời gian qua, nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng trưởng nhờ khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế. Năm 2021, giá trị gia tăng tổng sản phẩm ngành nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng 1,6%, chiếm 32,2% giá trị gia tăng tổng sản phẩm trên địa bàn toàn vùng và chiếm 31,3% giá trị gia tăng tổng sản phẩm toàn ngành nông nghiệp cả nước.
Mục tiêu phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2025 đạt tốc độ tăng GDP nông nghiệp đạt trên 3%/năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất 2 lần so với năm 2018. Lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 30% tổng số lao động. Tỷ lệ sản lượng sản phẩm trồng trọt, thủy sản nuôi trồng được cấp chứng nhận sản xuất bền vững trên 20%. Tỷ lệ cơ sở sản xuất chăn nuôi trên địa bàn xử lý chất thải bằng biogas hoặc các giải pháp công nghệ xử lý, sử dụng hiệu quả, sạch 50%...
Đồng bằng sông Cửu Long đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây, với 24,5 triệu tấn thóc (chiếm 55,4% cả nước), 0,78 triệu tấn tôm (chiếm 83,5%), 1,47 triệu tấn cá tra (chiếm 98%) và 4,3 triệu tấn trái cây (chiếm 60%).
Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đã được quan tâm đầu tư góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và đổi mới bộ mặt nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đến nay, đã đầu tư đồng bộ hệ thống kênh với 15 nghìn km kênh trục và kênh cấp I, 77 nghìn km kênh cấp II và cấp III. Đã hình thành các hệ thống công trình thủy lợi và hệ thống đê bao, hạ tầng cấp nước, hạ tầng cảng cá khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Tính đến nay, tỷ lệ số xã toàn vùng đạt tiêu chí về hạ tầng giao thông nông thôn là 78%.
Cùng với hệ thống hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai, cấp nước sinh hoạt, hệ thống cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cũng được đầu tư nâng cấp như Khu neo đậu tránh trú Rạch Gốc (Cà Mau), Hòn Tre (Kiên Giang), Kinh Ba (Sóc Trăng), Cung Hầu (Trà Vinh), Bình Đại (Bến Tre), Cửa sông Soài Rạp (Tiền Giang)...; các cảng cá, bến cá Tắc Cậu, Bình Đại, Gành Hào, Trần Đề…
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ ra rằng, với nền đất thấp, đối diện với 2 mặt biển cả phía Đông và Tây, Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng hứng chịu nặng nềnhất tác động biến đổi khí hậu.
Phía thượng nguồn sông Mê Công do các hoạt động kinh tế sử dụng nguồn nước, như thủy điện, chuyển nước khỏi lưu vực hệ thống, suy giảm nhanh diện tích rừng, thảm thực bì, làm thay đổi căn bản quy luật dòng chảy khi vào đến địa phận Việt Nam.
“Những điểm bất hợp lý trong sự phát triển kinh tế nội tại, như thâm canh lúa 3 vụ, khai thác tài nguyên cát sỏi, nguồn nước ngầm, xây dựng hạ tầng, nhà ở ven sông cùng với các hoạt động kinh tế khác gây nên tổn thương lớn đến vùng châu thổ và sự phát triển bền vững. Sử dụng quá mức thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe và chất lượng, an toàn thực phẩm”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu rõ.
ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG PHẢI LÀ MỘT THỰC THỂ
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: Các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long cần phải liên kết, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và thúc đẩy hợp tác chủ động mở rộng không gian liên kết, phát triển.
“Đất đai có thể manh mún, địa giới hành chính có thể bị chia cắt, nhưng tư duy không thể manh mún, không gian kinh tế không thể bị chia cắt. Sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, tính liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương cần phải được chú trọng ngay đầu mùa vụ, chứ không phải chỉ tập trung xử lý khi nông sản ùn ứ sau thu hoạch. Do đó, đã đến lúc đồng bằng cần có cách nghĩ mới hơn, khác hơn, lớn hơn, táo bạo hơn, để kích hoạt vùng đất giàu tiềm năng này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
"Đồng bằng sông Cửu Long phải là một thực thể, 13 tỉnh, thành không thể rời rạc, mà phải bổ sung cho nhau, cùng nhau liên kết. Sản xuất phải gắn với thị trường. Chúng ta phải chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông nghiệp muốn phát triển được thì phải có công nghiệp chế biến, dịch vụ đi kèm".
Ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, gần đây ở Đồng bằng sông Cửu Long, những mô hình phát triển nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị, thuận thiên đã xuất hiện ở nhiều địa phương trong vùng.
Mô hình kinh tế dưới tán rừng, mô hình tôm - lúa ở bán đảo Cà Mau, mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh, xen canh đã tăng thu nhập cho nông dân vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, mô hình sản xuất thích ứng với hạn mặn ở các tỉnh duyên hải.
Chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” được các địa phương chú trọng, đã kết hợp tinh tế tài nguyên bản địa với giá trị văn hóa địa phương.
Nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp lớn cũng đã triển khai những dự án quy mô có tính liên tỉnh, hứa hẹn sẽ kích hoạt tiềm năng cùng lúc cho nhiều địa phương. Đó là những tín hiệu lạc quan minh chứng cho sự sáng tạo, năng động và sức sống của Đồng bằng. Vấn đề là chúng ta cần nối kết, lan tỏa những giá trị đó.
“Liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long không phải là phép tính cộng về dân số, về diện tích, về nguồn lực hữu hình của 13 tỉnh, thành phố. Hơn hết, đó là độ mở, kết nối về tư duy, kết nối các nguồn lực vô hình, vô hạn, tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa “Nhà nước – Thị trường – Xã hội”, kiếm tìm xung lực mới, khởi tạo không gian phát triển mới”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính trăn trở đặt câu hỏi: Vì sao Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế nhưng chưa phát triển và phát triển chưa bền vững? Vậy những tồn tại, yếu kém gì kìm hãm sự phát triển?
“Để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển thì trước hết cần phải có thể chế. Quy hoạch sản phẩm cụ thể là gì? Cần tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, hạ tầng xã hội, giao thông, năng lượng, hạ tầng số… Cần tập trung nguồn lực để phát triển, hợp tác công tư, lấy nội lực nội tại để phát triển. Mà nội lực quan trọng nhất là con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa… “, Thủ tướng nói.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/khat-vong-nong-nghiep-tren-dat-chin-rong.htm