Khát vọng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm

Trẻ tuổi, năng động, chọn được hướng đi riêng để khởi nghiệp nên mới 28 tuổi, anh Nguyễn Văn Mạnh ở ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú đã sở hữu trang trại phát triển bền vững, thu nhập tiền tỷ mỗi năm từ vườn cây ăn trái. Anh dự định thời gian tới phát triển mạnh nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm.

Khởi nghiệp từ đam mê

Lớn lên trong gia đình làm nông nghiệp ở Nghệ An nên từ nhỏ Nguyễn Văn Mạnh đã quen với cảnh “chân lấm tay bùn” và năm 6 tuổi theo cha mẹ vào Bình Phước lập nghiệp. Vốn đam mê cây cối, sau khi tốt nghiệp THPT, Mạnh theo học chuyên ngành trồng trọt Trường cao đẳng Công nghiệp cao su. Trong suốt quá trình học tập, Mạnh tìm đến các trang trại, vườn ươm để học hỏi, trải nghiệm, tìm hiểu các loại cây mà vùng quê mình đang ít người trồng. Trước khi khởi nghiệp bằng nghề nông, anh làm việc cho một công ty phân bón với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Khi bất ngờ bỏ công việc ổn định để làm vườn, trồng các loại cây ăn trái, nhiều người không khỏi tiếc nuối với quyết định của anh.

Anh Nguyễn Văn Mạnh trong vườn dâu da sai trĩu quả

Anh Nguyễn Văn Mạnh trong vườn dâu da sai trĩu quả

Dám nghĩ, dám làm, tận dụng diện tích vườn cây ăn trái của gia đình, cộng thêm sự hỗ trợ của cha mẹ, anh đã dốc một phần vốn để cải tạo vườn và mua các loại cây giống về trồng. Phần còn lại, anh đầu tư mở một đại lý cung cấp phân bón và thuốc trừ sâu, vừa để phục vụ vườn cây của gia đình vừa bán cho các hộ dân trên địa bàn.

Ngoài ra, anh còn tham gia Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ - thương mại Hưng Phát (xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú) với vai trò hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây ăn trái cho các thành viên và nhân dân trên địa bàn. Qua tìm hiểu, anh nhận thấy, trong trồng trọt nếu chỉ thực hiện phương thức độc canh thì khi thất bại là mất hết nên anh quyết định trồng đa canh. Bởi anh nghĩ, không chỉ hỗ trợ thu nhập lẫn nhau mà cách làm này còn giảm thiểu chi phí đầu tư cho các loại cây trồng.

Khát vọng về du lịch miệt vườn

Dẫn chúng tôi đi tham quan khắp lượt từ vườn sầu riêng, bưởi, chôm chôm xen canh dâu da, anh Mạnh nói rành mạch “tính nết” từng loại cây. Cả khu vườn cây ăn trái của anh rộng hơn 8 ha, trong đó 5 ha trồng sầu riêng, 3 ha trồng chôm chôm xen dâu da, 1 ít trồng bưởi da xanh… và anh cho biết chưa có vị khách nào kiên trì đi hết vườn. Ấn tượng mạnh nhất khi thăm trang trại này là ở khu vực trồng dâu da xen trong vườn chôm chôm. Dừng lại ở những cây dâu da chi chít trái từ gốc tới ngọn, anh Mạnh chia sẻ: Các loại cây trồng như chôm chôm, bưởi hay sầu riêng thì khá phổ biến trên địa bàn huyện nên tôi muốn tìm một loại cây nào đó mới lại có hiệu quả kinh tế cao để trồng xen trong vườn chôm chôm. Sau khi tìm hiểu kỹ, tôi quyết định trồng cây dâu da. Đây là loại cây trồng lâu năm thích nghi trên mọi vùng đất, dễ trồng, nhẹ công chăm sóc và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên trái sạch.

Anh Mạnh chọn 3 loại dâu da để trồng xen, đó là dâu da xanh, dâu da xiêm và dâu da hạ châu. Nếu muốn cây dâu da kéo dài tuổi thọ, phát triển và cho năng suất cao, người trồng phải cung cấp đủ nước tưới và thời gian chăm sóc cây. Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật anh sử dụng đều là sản phẩm sinh học, không gây độc hại. Cỏ trong vườn vẫn được anh duy trì như một biện pháp bảo vệ đất, tạo độ ẩm. Anh chỉ dọn dẹp vườn khi cỏ quá cao, mỗi lần như vậy đều cắt thủ công như sử dụng các loại máy phát cỏ để cắt, phần cỏ cắt bỏ sẽ thu gom để ủ phân, bón cây trồng. Cách làm này góp phần giảm chi phí và mang lại sản phẩm an toàn cho khách hàng.

Tôi nghĩ việc kết hợp nông nghiệp gắn với du lịch là một phương pháp hữu hiệu để nâng cao giá trị nông sản và phù hợp với xu thế hiện nay. Hiện các vườn cây ăn trái ở huyện chủ yếu trồng bưởi da xanh, chôm chôm và một số loại cây khác nhưng chưa có cây dâu da với số lượng lớn. Vì vậy, người dân sẽ có trải nghiệm mới, lạ khi được tận tay hái trái dâu da và ăn thử ngay tại vườn hay có nhu cầu mua về cũng được tự tay mình lựa chọn.

Anh Nguyễn Văn Mạnh, ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú

Dâu da càng lâu năm, cây càng cao lớn, cho trái nhiều và có vị thơm, ngọt hơn. Khi dâu da còn nhỏ thì màu xanh đậm nhưng đến khi thu hoạch dần chuyển sang màu xanh sáng đối với dâu da xanh và màu vàng đối với dâu da xiêm và dâu da hạ châu, tạo sự thu hút và bắt mắt hơn. Thường vào tháng 2 (âm lịch) dâu da xanh sẽ bắt đầu đậu trái, đến tháng 4 thì chín cho đến hết tháng 7. Đây là giai đoạn đòi hỏi phải cung cấp hàm lượng dinh dưỡng đầy đủ và đúng kỹ thuật cho cây. Hiện nay, trung bình mỗi cây dâu da của anh cho thu 200-300kg trái, với giá ổn định 17-18 ngàn đồng/kg. Anh Mạnh cung cấp dâu da chín cho rất nhiều tiểu thương tại các chợ và sạp bán trái cây trên địa bàn Bình Phước.

Anh Mạnh chia sẻ: Cảm giác được trồng những loại cây mới, rồi theo dõi chúng lớn lên thật thú vị. Làm nông dân khó tính toán chính xác tiền thu được mỗi năm do giá thị trường luôn biến động. Vốn đầu tư ban đầu cho các vườn cây ăn trái thường khá cao nhưng nếu đã có thu hoạch thì chi phí sẽ giảm dần và lợi nhuận càng cao. Bình quân gia đình tôi thu lời hơn 2 tỷ đồng mỗi năm từ vườn cây ăn trái này, riêng 270 cây dâu da thu lời trên 200 triệu đồng.

Không chỉ hướng đến mục đích kinh tế, anh Mạnh dự định phát triển vườn dâu da và chôm chôm kết hợp với du lịch nông nghiệp. Anh dự kiến trong tương lai sẽ cải tạo lại vườn, phát triển thêm một số cây trồng kết hợp để hình thành mô hình trải nghiệm du lịch nông nghiệp.

Minh Hiền

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/132927/khat-vong-phat-trien-nong-nghiep-gan-voi-du-lich-trai-nghiem