Khát vọng thành phố 'Cao nguyên xanh vì sức khỏe' Kỳ 2: Xử lý rác thải

Rác thải sinh hoạt là một trong những vấn đề nan giải của các đô thị nói chung và TP. Pleiku nói riêng. Chính quyền và ngành chuyên môn dù đã rất nỗ lực nhưng vẫn cần những giải pháp hiệu quả hơn nữa để thu gom, xử lý rác thải nhằm đảm bảo cảnh quan môi trường đô thị xanh-sạch-đẹp.

Đủ thứ rác thải

Theo thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi, TP. Pleiku có gần 130 ngàn hộ với xấp xỉ nửa triệu người. Nếu làm một phép tính đơn giản trung bình mỗi gia đình thải ra 1 kg rác sinh hoạt/ngày thì con số rất đáng kể. Đó là chưa nói đến hàng trăm cơ quan, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu-cụm công nghiệp, cửa hàng, siêu thị, chợ... hàng ngày cũng thải ra môi trường hàng chục tấn rác, có thể quá tải đối với đơn vị thu gom. Vì vậy, nhiều con đường và điểm đến nội-ngoại vi thành phố với cảnh quan khá đẹp như các ngã ba, ngã tư, đường bao quanh Khu du lịch Biển Hồ, đồi thông Ia Dêr (huyện Ia Grai), dọc các tuyến đường Cao Bằng, Lê Thánh Tôn, Trường Sa... luôn tồn tại những “điểm đen” rác thải, làm mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Công tác tuyên truyền, vận động người dân tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường, không vứt rác thải bừa bãi ra nơi công cộng được chính quyền, đoàn thể của thành phố rất quan tâm trong thời gian qua. Tuy nhiên, ý thức của một bộ phận không nhỏ người dân rất kém, bất kể nơi nào có thể vứt rác được là vứt. Nhiều ngã ba, ngã tư đường phố nội thành, nhiều vỉa hè, lòng lề đường bị lấn chiếm làm nơi bán hàng, “chợ di động” không mấy chốc đã trở thành điểm tập kết rác. Rác thải chưa được phân loại từ gốc “thượng vàng hạ cám” đều có thể cho vào túi ni lông vứt ra đường. Có những thứ rác thải rất tác hại đến môi trường mà người dân vẫn xả ra nơi công cộng như xà bần. Xác và phân súc vật, chất thải khó phân hủy như đồ dùng sinh hoạt bằng nhựa, bao bì, túi ni lông... cũng vẫn bị những người thiếu ý thức vứt bừa bãi ở những tuyến đường ngoại vi thành phố. Tình trạng phóng uế bừa bãi cũng còn diễn ra. Không thể đổ lỗi cho việc thiếu địa điểm, thiết bị phục vụ vệ sinh công cộng dù TP. Pleiku chưa có nhiều điểm vệ sinh công cộng. Chị Ng. bán hàng ăn vặt ở vỉa hè trước trụ sở một cơ quan nói với tác giả: “Nhiều buổi sáng, tôi phải dọn mấy bãi... xung quanh đây”. Hỏi anh bảo vệ khu ngoài của khách sạn gần đó, tôi được anh cho biết, khu vệ sinh công cộng ở đấy luôn mở cửa phục vụ 24/24 giờ hàng ngày, nhưng rất ít người sử dụng khi có nhu cầu vệ sinh cá nhân, chủ yếu họ “tự giải quyết... ngoài đường”.

Công nhân Đội Vệ sinh môi trường (Công ty cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai) phân loại rác để xử lý, đảm bảo vệ sinh môi trường. Ảnh: Hồng Thương

Công nhân Đội Vệ sinh môi trường (Công ty cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai) phân loại rác để xử lý, đảm bảo vệ sinh môi trường. Ảnh: Hồng Thương

Còn có một loại chất thải trong đô thị nữa, đó là phân động vật, nhất là chó thả rông. Mỗi sáng, mỗi chiều, người chủ ngang nhiên thả chó ra đường phố và những nơi công cộng phóng uế bừa bãi. Việc nuôi chó đã có quy định pháp luật cụ thể về đảm bảo an toàn cho người, nhưng ít người chấp hành. Đơn cử, ở đô thị, người nuôi chó phải đăng ký, phải báo cho chính quyền phường; ở nông thôn đăng ký với trưởng thôn. Chúng tôi nghĩ, nếu có một cuộc kiểm tra về việc chấp hành quy định pháp luật này chắc chắn sẽ không có một danh sách nào về hộ nuôi chó có đăng ký ở phường. Tình trạng chó thả rông không rọ mõm cắn người, thậm chí không ít trường hợp ở một số nơi chó đã cắn chết người; đôi khi gây tai nạn giao thông là mối đe dọa cho cộng đồng.

Cũng muốn nói thêm, trong “cơ cấu” rác thải sinh hoạt, từ khi dịch Covid-19 xảy ra có thêm những chiếc khẩu trang. Khẩu trang sau khi sử dụng trở thành một loại rác thải không kém phần gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Đã có chế tài xử phạt người dùng khẩu trang vứt bừa bãi ra môi trường nhưng việc thực hiện còn “đầu voi đuôi chuột”. Rác quảng cáo cũng là vấn đề nan giải ở đô thị. Nhiều khi chúng ta bắt gặp có người đứng ngay các ngã ba, ngã tư đường phố phát rất nhiều tờ rơi quảng cáo. Có nhiều chỗ người ta còn vẽ, viết, dán quảng cáo trên tường, trên cột điện với nội dung “thượng vàng hạ cám”. Rồi việc rải, đốt vàng mã trong nội đô cũng đã có quy định điều chỉnh nhưng gần như không ai quan tâm xử lý, nếu có thì cũng chỉ là... ném đá ao bèo!

Cần biện pháp xử lý hiệu quả

Để xử lý hiệu quả vấn đề rác thải đô thị, theo chúng tôi, thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Việc tuyên truyền không chỉ thực hiện chung chung trong các khu dân cư, đối với người thành niên mà nó còn phải hướng đến trẻ em ngay từ trong gia đình, nhà trường. Tuyên truyền bằng các hình thức trực quan cũng là việc cần thiết. Tôi đã không ít lần chứng kiến nhiều gia đình ngang nhiên giữa ban ngày vứt rác ra đường, vào cửa cống thoát nước. Nhiều người coi chuyện đó là bình thường, như ở vườn nhà mình ở quê. Rồi việc công nhân điện, cáp quang, cây xanh, nước... khi sửa chữa đường dây, cống rãnh, chặt tỉa cành cây còn vứt bừa bãi phế thải ra đường. Dây nhợ, cáp điện thừa lòng thòng mạng nhện tại nhiều cột điện; băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích tuyên truyền, quảng cáo đã hết thời gian cho phép nhưng không ai dọn dẹp, tháo gỡ, gặp lúc gió mưa đứt, rách rơi ra đường rất mất mỹ quan. Tôi cũng biết đã có nhiều văn bản pháp quy của các cấp chính quyền, những quy ước, hương ước của khu dân cư về xử lý người xả rác thải bừa bãi nhưng công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử phạt (kể cả phạt nguội theo hình ảnh ghi lại từ camera an ninh) lại không có cơ quan chức năng hoặc người có trách nhiệm nào thực hiện.

Thành phố Pleiku triển khai mô hình phân loại rác thải để bảo vệ môi trường. Ảnh: Hồng Thương

Thành phố Pleiku triển khai mô hình phân loại rác thải để bảo vệ môi trường. Ảnh: Hồng Thương

Vấn đề nữa là chính quyền thành phố và đơn vị làm nhiệm vụ vệ sinh môi trường đô thị cần phối hợp nghiên cứu chế tạo hoặc nhập nội thiết bị chứa rác thải sao cho vừa đảm bảo vệ sinh, thuận tiện cho việc thu gom, lại vừa phù hợp cảnh quan đô thị, đường phố, những tụ điểm công cộng như: công viên, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện... cung cấp cho hộ gia đình và tập thể. Cũng cần giáo dục nâng cao tinh thần trách nhiệm của những người làm nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải. Chúng tôi rất chia sẻ với sự vất vả của đội ngũ công nhân vệ sinh, nhất là vào những thời điểm có nhiều sự kiện như lễ, hội, Tết... họ rất vất vả, làm việc trong môi trường độc hại, ảnh hưởng sức khỏe mà thu nhập có hạn. Tuy nhiên, không phải vì thế mà nhiều công nhân thiếu tinh thần trách nhiệm với công việc được giao. Có một số người làm nhiệm vụ quét dọn, thu gom, vận chuyển rác dường như làm lấy lệ, qua loa, kiểu cho “xong việc, xong ca”.

Nếu chỉ thống kê, nêu thực trạng rác thải và xử lý rác thải sinh hoạt ở đô thị Pleiku thì vô cùng. Vấn đề là biện pháp nào để Pleiku trở thành thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”, xứng đáng là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, là điểm đến, nơi dừng chân của du khách, là niềm tự hào của người dân Phố núi mới đáng bàn. Chúng tôi cho rằng những biện pháp xử lý rác thải đô thị ở TP. Pleiku thời gian qua là chưa nếu không muốn nói là không đem lại hiệu quả như mong muốn. Nên chăng những đề xuất chúng tôi đã nói trên cần bổ sung vào biện pháp xử lý rác thải sinh hoạt để góp phần từng bước làm cho Pleiku trở thành đô thị “Cao nguyên xanh vì sức khỏe” như kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương.

BÍCH HÀ

---------------------------------------

Kỳ cuối: Đường sáng, hè thoáng

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12507/202107/khat-vong-thanh-pho-cao-nguyen-xanh-vi-suc-khoe-ky-2-xu-ly-rac-thai-5742573/