Khát vọng về một Việt Nam hùng cường
Khát vọng về một Việt Nam hùng cường luôn nằm trong tư duy của các nữ doanh nhân tâm huyết. Đây cũng là động lực để họ duy trì tăng trưởng của doanh nghiệp trước những biến đổi của công nghệ mới như Blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc chi phối sự phát triển của nền kinh tế thế giới.
1. Hơn 300 người từ khắp 25 quốc gia đã dự Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng - Vietnam Global Leaders Forum VGLF Paris 2019 mới đây.
Tham dự Diễn đàn, chưa bao giờ bà Thanh Nguyễn, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty Anphabe - cộng đồng tuyển dụng lớn nhất Việt Nam thấy các chính trị gia, những nhà kinh tế, văn hóa và khoa học nhiệt tình chia sẻ câu chuyện “thương hiệu Việt Nam” đến như vậy.
Trong sự kiện này, ngoài việc học hỏi được rất nhiều từ các diễn giả và người tham dự, bà Thanh có cơ hội chia sẻ nội dung về “Nâng tầm thương hiệu nguồn nhân lực Việt Nam” và tham gia phiên về “Xây dựng thương hiệu Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa và con người”.
Theo bà Thanh, xây dựng thương hiệu nguồn nhân lực Việt không chỉ nhất thiết là để kéo người tài về Việt Nam, mà còn tạo cơ hội để người tài Việt Nam được ghi nhận và chào đón khắp năm châu. Thay vì coi đó là “chảy máu chất xám”, bà Thanh gọi đó “lan tỏa chất xám”, với điều kiện là Việt Nam tạo được cho họ cách thức hiệu quả để đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Trước mỗi trăn trở quanh câu hỏi đi hay ở của người tài, bà Thanh thường trả lời rằng, GDP của Việt Nam được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm tới. “Gần như không một nơi nào trên thế giới có được cơ hội này. Tôi sẽ không trả lời giúp họ việc nên đi hay ở, chỉ cần họ hãy tự trả lời câu hỏi: họ muốn là ai và đóng góp những gì trong hành trình chuyển mình có một không hai này?”, bà Thanh nói.
Với cách đặt vấn đề như thế, bà Thanh đã góp phần truyền cảm hứng cho mọi người về tương lai phía trước, về việc xây dựng một nguồn nhân lực Việt Nam giàu tri thức, hạnh phúc và cùng hướng về xây dựng một Việt Nam giàu đẹp và văn minh hơn.
2. Ở góc độ lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa thành công ngoài mong đợi, “nữ tướng” ngành sữa Việt Nam - bà Mai Kiều Liên rất khâm phục những phụ nữ tự xây dựng doanh nghiệp.
“Nếu cảm thấy mình làm đúng thì cứ tiến về phía trước, không cần đi nhanh, có thể đi chậm, từng bước một. Những người có ý chí, kiến thức, có đam mê thì nhất định sẽ thành công”, bà Liên chia sẻ tầm nhìn với các nữ doanh nhân tự thân.
Những doanh nghiệp tư nhân do phụ nữ làm chủ luôn làm kinh doanh theo cách riêng. Nữ tỷ phú tự thân đầu tiên và duy nhất của Việt Nam - bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Công ty cổ phần Hàng không Vietjet muốn tạo ra một hệ sinh thái hàng không đa quốc gia, không chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu di chuyển của hành khách, hàng hóa, mà còn muốn tạo ra một hệ sinh thái riêng trên nền tảng công nghệ.
Bà Thảo còn nổi tiếng về khả năng “mỉm cười đi qua bão giông dư luận trái chiều”. Với bà, sự bao dung, nhân văn và dịu dàng của phụ nữ sẽ mang đến thành công trong công việc.
“Tôi yêu công ty và nuôi dưỡng như con đẻ của mình, không có ai yêu quý nó hơn mình. Hãy coi nhân viên như người thân, bởi 2/3 thời gian của tôi chia sẻ cùng họ. Hãy mang đến cho họ sự công bằng, khả năng thăng tiến và hạnh phúc với công việc”, bà Thảo nói.
Với việc chiếm hơn 40% thị phần hàng không trong nước và đạt doanh thu 1,2 tỷ USD, VietJet Air đã giúp bà Thảo đạt được mục tiêu thay đổi thị trường hàng không. Kể từ khi cất cánh từ năm 2011, đến nay, sự thay đổi lớn nhất mà bà Thảo tạo ra trên thị trường là hiện thực hóa giấc mơ mọi người đều được tiếp cận dịch vụ hàng không hiện đại với mức giá rẻ.
Thế nhưng, làm người chiến thắng không khó, giữ được sự cao quý trong thành công mới là hoàn hảo. Bà Thái Hương, nhà sáng lập Tập đoàn TH từng nhiều lần nói vậy. Khi phụ nữ là doanh nhân, họ phải làm 2 nhiệm vụ rất nặng nề là gia đình và sự nghiệp. Nhưng phụ nữ kinh doanh cũng có lợi thế riêng, vì họ biết rõ gia đình, con cái mình cần gì. Nếu hết lòng cho sản phẩm như việc chăm sóc những đứa con, thì sản phẩm ấy sẽ có được chỗ đứng.
Bà Hương được giới chuyên môn nể phục với lối tư duy vượt trội, sử dụng “chiếc chìa khóa vàng” là công nghệ cao để khởi dựng “Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa năm 2008”. Dự án xác lập kỷ lục “Trang trại ứng dụng công nghệ cao lớn nhất châu Á” với quy mô 45.000 con bò sữa, ghi tên ngành sữa Việt Nam trên bản đồ sữa thế giới khi sản xuất sữa theo chuỗi khép kín từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, đây là mô hình điển hình cho nền sản xuất nông nghiệp 4.0 hiệu quả tại Việt Nam.
Sau Nghệ An, bà Thái Hương tiếp tục phát triển mô hình trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao tại Hà Giang, Cao Bằng, Phú Yên, Sóc Trăng… Quy mô đàn bò dự kiến đạt 137.000 con vào cuối năm 2020. Cùng với đó, bà cũng đang phát triển mô hình liên kết với nông dân trong chăn nuôi bò sữa với thương hiệu Đà Lạt Milk.
Sức ảnh hưởng của bà Thái Hương tại Việt Nam không chỉ trong ngành sữa, mà còn mở rộng ra lĩnh vực đồ uống và thực phẩm. Bà là người tiên phong xây dựng nền nông nghiệp sạch, hữu cơ, với khát vọng đưa dòng sữa và các sản phẩm sạch, hữu cơ của TH ra thế giới. Và khát vọng đang dần được hiện thực hóa, khi TH đã bước chân vào thị trường sữa của Nga với dự án có quy mô lên tới 2,7 tỷ USD trong 10 năm.
Hiện bà Thái Hương tiếp tục phát triển các dòng thực phẩm thiết yếu khác như gạo sạch, các loại nước quả, các thực phẩm truyền thống. Với các dòng thực phẩm này, bà luôn đấu tranh, thúc đẩy việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm theo đúng thông lệ quốc tế để tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt Nam và bảo vệ sức khỏe người Việt.
3. Có thể nói, khát vọng về một Việt Nam hùng cường luôn nằm trong tư duy của những doanh nhân tâm huyết, dù đó là nam hay nữ doanh nhân. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng để họ có động lực duy trì tăng trưởng trước những biến đổi của công nghệ mới như Blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc chi phối sự phát triển của nền kinh tế thế giới.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo cơ hội cho sự phát triển bứt phá, cho những ai dám chấp nhận thay đổi. Đối với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, khu vực ASEAN vẫn bị coi là “người đi sau”, nhưng đây mới là cơ hội. Cách mạng công nghiệp 4.0 thực chất là cách mạng về chính sách hơn là về công nghệ. Do đó, những quốc gia đang phát triển với hệ thống chính sách chưa đầy đủ và chặt chẽ sẽ có nhiều linh hoạt hơn để thay đổi và thích nghi với những xu thế phát triển mới của cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong cuộc chơi này, ở quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nếu đột phá, tạo ra những thay đổi chưa từng nghĩ sẽ làm, thì sẽ linh hoạt trong việc đón nhận, thích nghi những mô hình, chính sách mới để từ đó phát triển thuận lợi hơn.
Trở lại với các nữ doanh nhân, dù hoạt động trong lĩnh vực đa số nam giới nắm giữ vị trí lãnh đạo, nhưng họ không cảm thấy điều đó là trở ngại. Thậm chí, họ tin rằng, phụ nữ ngày nay ngày càng tiến xa hơn trong lĩnh vực công nghệ và vũ trụ, không hề có rào cản nào về giới tính và nghề nghiệp trong tương lai.
Cuối cùng, dù có đam mê lớn là kinh doanh, nhưng hơn ai hết, các nữ doanh nhân hiểu rằng, con đường này không phải sân khấu để họ trình diễn thời trang và sự tò tò, mà là nơi họ hành động để hiện thực hóa giấc mơ của mình. Để rồi mỗi bước đi của họ là sự thận trọng và quyết liệt hơn…