Khát vọng về một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc
Cách mạng Tháng Tám thành công đã đắp nền móng dựng xây một nước Việt Nam 'được hoàn toàn độc lập, nhân dân ta được hoàn toàn tự do'. Tinh thần 'Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc' đã được Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh xuyên suốt với mục tiêu đưa đất nước ta từng bước phát triển hùng cường, thịnh vượng.
Phát huy hào khí, vững bước phát triển
Sau khi đất nước giành được độc lập, 78 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng Việt Nam tiếp tục giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, lại bị bao vây cấm vận nhưng trong hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, vươn lên mạnh mẽ, phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế.
Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá đã vượt qua những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực và thế giới những năm 1997 - 1998 và cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu những năm gần đây, kinh tế Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng dương. Chỉ trong vòng 10 năm trở lại, quy mô nền kinh tế đã có những bước tăng gấp hàng chục lần. Cụ thể, quy mô nền kinh tế năm 2000 chỉ khoảng 39,5 tỉ USD, năm 2015 lên 193,3 tỉ USD nhưng đến năm 2020 đã lên 343 tỉ USD và năm 2022 tăng lên đến 409 tỉ USD.
Mức tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam từ 6-7%/năm, giai đoạn 1990 - 2000 đạt 7,5%; giai đoạn 2001 - 2005 đạt 7,51%, riêng năm 2006 là 8,23% và năm 2007 là 8,48%. Năm 2008, do tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, GDP chỉ đạt 6,23%. Từ 2015 - 2019 tăng trưởng GDP vẫn duy trì mức tăng trưởng ấn tượng từ 6,21% - 7,08%. Trong 2 năm 2020 và 2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, nền kinh tế thế giới suy thoái, nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng GDP lần lượt 2,91% và 2,58%, là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Đặc biệt, năm 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 8,02%, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.
Đời sống vật chất, tinh thần, môi trường sống của người dân không ngừng được nâng cao và cải thiện rõ rệt. GDP bình quân đầu người Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 4.162,94 USD, xếp thứ 117 trên thế giới. Với con số này, GDP bình quân đầu người Việt Nam năm 2022 nhảy 7 bậc so với năm 2021 và 56 bậc so với năm 2000 trên quy mô thế giới.
Công tác chăm sóc sức khỏe người dân có nhiều tiến bộ. Tuổi thọ của người dân ngày càng tăng. Phúc lợi và an sinh xã hội được coi trọng và từng bước mở rộng.
Hội tụ điều kiện cần và đủ để bứt phá
Trao đổi với Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, Đại biểu Quốc hội khóa XV - PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi nhận định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của nước ta sau 78 năm Cách mạng Tháng Tám thành công đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, ấn tượng.
Thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII càng củng cố niềm tin, tạo động lực mới, khát vọng mới, khí thế mới, cổ vũ mạnh mẽ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng dưới ngọn cờ “bách chiến, bách thắng” của Đảng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát huy những thuận lợi, nắm bắt đúng thời cơ, huy động tốt mọi nguồn lực xây dựng đất nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.
Với những quyết tâm, nỗ lực đó, tôi tin tưởng rằng, đến năm 2030, Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu sẽ trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD, người dân có chất lượng cuộc sống cao. Đến năm 2045, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển và có thu nhập cao.
Cùng với đó, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được mở rộng, củng cố và tăng cường; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có hiệu quả. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao.
Với tinh thần Cách mạng Tháng Tám, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu của Đại thắng mùa Xuân 1975, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhân dân, Việt Nam sẽ ngày càng đàng hoàng hơn, phồn vinh, tươi đẹp hơn, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Cùng chung niềm tin, Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong phân tích và cho rằng, hoàn toàn có cơ sở và nền tảng để đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập cao như Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra.
Các mục tiêu như: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 8.000 USD/người; tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 50%; tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33 - 35% GDP; nợ công không quá 60% GDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt trên 6,5%/năm là hoàn toàn có căn cứ, đã có sự tính toán, trên cơ sở nghiên cứu và dự đoán được tình hình kinh tế thế giới và thực lực của Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định, đó là mục tiêu chúng ta hướng đến nhưng có thực hiện được hay không còn nhiều yếu tố. Nhưng tôi tin rằng, để đạt được những mục tiêu trên, sự nỗ lực của cả đất nước, nhưng quan trọng hơn cả chính là khát vọng đưa dân tộc Việt Nam vươn lên, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đặt ra, xây dựng và phát triển Việt Nam ngày càng bền vững, hạnh phúc.
Sau 78 năm giành độc lập, Việt Nam đang hội tụ điều kiện cần và đủ để đưa kinh tế đất nước phát triển bứt phá, cất cánh. Đất nước đang đi đúng hướng trong việc phát triển kinh tế nhanh và bền vững dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn là một trong những quan điểm phát triển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030 theo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội phê duyệt gần đây.
Hiện toàn Đảng, toàn dân ta đã và đang tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện mọi mặt để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.