Khát vọng về vùng cà phê sạch

Trịnh Tấn Vinh, người nông dân với khao khát tạo ra một thương hiệu cà phê sạch. Và, Thuần Trịnh ra đời đúng với mong mỏi ấy, với chữ thuần, thuần cà phê, thuần sạch, với những hạt cà phê ngọt vị. 'An nhiên trên từng giọt đắng', câu slogan của Thuần Trịnh coffee đang dần xây dựng một thương hiệu cà phê honey.

Anh Trịnh Tấn Vinh đưa cà phê tham gia hội chợ nông sản Đà Lạt. Ảnh: D.Quỳnh

Anh Trịnh Tấn Vinh đưa cà phê tham gia hội chợ nông sản Đà Lạt. Ảnh: D.Quỳnh

Anh Trịnh Tấn Vinh vốn là dân chuyên gắn bó với cây cà phê. Ở đất Đinh Lạc, Di Linh, hầu hết dân cư sống bằng nghề trồng cà phê robusta. Nhưng dân ít người chế biến, chỉ bán nhân xô cho đại lý, cho nhà máy. Giá cả bấp bênh nên việc chăm sóc, thu hái cũng làm ào ào, không đổ sức nhiều vì tốn công lao động. Khác với tư duy chung của nông dân, anh Vinh xác định, cần nâng cao chất lượng cho hạt cà phê. Vả lại, là người chú ý tới môi trường canh tác sạch cho cây cà phê, anh Vinh càng tâm nguyện, mình chăm chút cho cây cà phê, mang tới thị trường những hạt cà phê chất lượng và ngược lại, cà phê sẽ mang lại cho người nông dân sự thịnh vượng.

Bắt đầu bằng chất lượng hạt cà phê, làm sao để trồng cà phê sạch, cà phê an toàn. Mấy ha cà phê vườn nhà được anh Vinh canh tác theo hướng hữu cơ với hàng chục cây sầu riêng che bóng tạo tán. Dưới đất, thay vì làm sạch cỏ khoanh bồn, anh trồng cây lạc dại, bạt ngàn lạc dại. Thứ cỏ họ đậu giúp cố định đạm cho đất, chống xói mòn, chống cỏ dại, giữ ẩm khiến anh đỡ rất nhiều công chăm sóc. Anh cho biết: “Ngoài các lợi ích chống cỏ, giữ ẩm, cây lạc dại còn là môi trường để tuyến trùng, sâu bệnh trú ngụ. Vì vậy, chúng không tấn công cà phê, vườn nhà tôi không phải xài thuốc bảo vệ thực vật”. Trên có tán cây lớn che bóng, dưới có thảm lạc dại bao phủ, vườn cà phê của anh Vinh độ ẩm rất cao, rất gần với môi trường tự nhiên của cây cà phê, loài cây vốn sinh ra dưới những tán rừng Nam Mỹ. Anh cũng chỉ sử dụng phân hữu cơ, tạo độ phì lâu dài cho đất chứ không sử dụng nhiều phân hóa học. Anh cho biết, trồng không sử dụng phân hóa học, không sử dụng thuốc, năng suất tất nhiên không cao bằng trồng thâm canh. Trung bình, nếu vùng Di Linh năng suất 4 tấn/ha thì vườn nhà anh giảm 25-30%, chỉ đạt xấp xỉ 3 tấn/ha. Tuy nhiên, chi phí đầu vào, vật tư, công xá lại giảm tới 40% so với thâm canh.

Trồng sạch, hái chín, đó là cách làm của anh Vinh. Khác với nông dân khác hái xô, anh hái lựa hoàn toàn, đảm bảo lượng quả chín tới 99%. Trái được hái về chế biến ngay trong ngày, xát vỏ ngoài, ngâm nước và phơi trên giàn. Khi trái khô, lớp nhớt để lại vị ngọt hậu của thứ cà phê mật ong thơm ngọt. Chỉ những hạt cà phê mẩy, đều mới được đem đi rang, xay, cung cấp cho thị trường những hạt cà phê mật ong chính hiệu cao nguyên. Không chỉ làm cà phê sạch, anh Trịnh Tấn Vinh còn là người tìm kiếm thị trường khá tốt với việc sử dụng mạng xã hội tham gia vào thương mại điện tử. Anh đưa Thuần Trịnh coffee tới các hội chợ, lên các website, các mạng xã hội, cung cấp cho khách hàng những hình ảnh của vườn, của trái. Ngoài uống cà phê, khách hàng có thể thấy được cả chu trình phát triển của cây cà phê, thấy được màu trắng của hoa cà phê, màu đỏ rực của trái cà chín, màu xanh ngắt lấm tấm hoa vàng của thảm lạc dại. Khách hàng biết được hạt cà phê mình uống được trồng như thế nào, bàn tay chăm sóc của người nông dân ra làm sao và đó thực sự là một cách làm khá ấn tượng, mang lại một lượng khách ổn định cho Thuần Trịnh coffee. Nhiều khách hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đồng Nai, uống Thuần Trịnh coffee và liên lạc mua thông qua website, qua facebook. Với người xuất thân từ nhà nông như anh Vinh, thực sự đó là một cách làm rất mới.

Không chỉ nâng cấp cà phê vườn nhà, anh Trịnh Tấn Vinh còn khát khao xây dựng một vùng cà phê sạch. Là Chi hội trưởng Chi hội sản xuất cà phê bền vững huyện Di Linh, anh tình nguyện vận động hàng chục nông dân xung quanh cùng tham gia vào chi hội, cùng ứng dụng những kỹ thuật canh tác bền vững. Hiện tại, nông dân trong chi hội ngừng hoàn toàn việc sử dụng thuốc diệt cỏ, sử dụng thuốc và phân bón theo “4 đúng”, giảm thiểu gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Vườn cà phê sạch nhà anh Vinh thường xuyên là điểm để nông dân trong vùng, các nhà khoa học, thậm chí cả các bạn trẻ tới tham quan, tìm hiểu về quy trình canh tác cà phê. Cùng với Thuần Trịnh, người nông dân ấy đang mơ về một vùng cà phê Di Linh sạch, mang lại giá trị cao cho người nông dân, xứng với giá trị của hạt cà phê cao nguyên.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201910/thuan-trinh-coffee-khat-vong-ve-vung-ca-phe-sach-2970422/