Khát vọng vươn lên
Dù cuộc sống từng trải qua nhiều mất mát, hy sinh, nhưng những vết thương thời gian không thể làm phai mờ nghị lực của những người lính năm xưa. Bằng ý chí thép và khát vọng vươn lên, nhiều thương binh, bệnh binh đã vượt khó, trở thành điểm tựa trong cộng đồng.
Không đầu hàng số phận, không cam chịu đói nghèo là tinh thần trong hành trình lập nghiệp của thương binh Phạm Quang Dương, phường Điện Biên Phủ. Với nghị lực và tinh thần vượt khó, ông đã xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp gồm: Bể bơi, bãi trông giữ xe ô tô, nhà nghỉ trọ, trường mầm non tư thục, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gia đình và góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Thương binh Phạm Quang Dương chia sẻ, năm 1981 ông lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn pháo binh 484, thuộc mặt trận 379, hoạt động chủ yếu ở 6 tỉnh Bắc Lào. Năm 1987, trong một lần kéo pháo, ông bị thương với tỷ lệ tổn thương cơ thể 52% (thương binh ¾). Năm 1988, ông cùng đơn vị rút về đóng quân tại tỉnh Điện Biên (đơn vị đổi tên thành Sư Đoàn 379, trực thuộc Quân khu 2). Đến năm 1994, Sư Đoàn 379 giải thể, ông về công tác tại Trường Quân sự tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với nhiều vai trò và vị trí khác nhau, trước khi nghỉ hưu vào năm 2013.

Cựu chiến binh Phạm Quang Dương vệ sinh bể bơi dịch vụ của gia đình.
Với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ luôn khắc ghi trong tâm trí, ông Dương đã nỗ lực lao động, cống hiến, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Mô hình kinh tế tổng hợp được hình thành và mở rộng theo từng năm là hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ của người lính năm xưa.
Điển hình trong phát triển kinh tế, ông Phạm Quang Dương còn gương mẫu trong các hoạt động xã hội. Hàng năm, ông luôn tích cực tham gia sinh hoạt hội, đóng góp xây dựng tổ dân phố, được chính quyền địa phương và hội cựu chiến binh các cấp đánh giá cao.
“Là người lính, tôi tâm niệm còn sức thì còn cố gắng. Làm kinh tế để nuôi gia đình, tham gia hội để gắn bó với anh em đồng đội, góp chút công sức xây dựng khu phố. Thế là vui rồi...” - ông Dương chia sẻ.
Đó cũng là cách nghĩ của cựu chiến binh Lê Xuân Hoan ở xã Mường Ảng. Trở về từ quân ngũ với sức khỏe không còn như xưa, ông Hoan vẫn không ngừng học hỏi, mạnh dạn phát triển kinh tế. Với mô hình trồng rau, củ, quả sạch, ông tận dụng triệt để diện tích đất quanh nhà, đồng thời ứng dụng kỹ thuật canh tác thân thiện môi trường, đảm bảo chất lượng nông sản. Vườn rau dưới sự chăm sóc cần mẫn của người lính năm xưa mỗi ngày càng xanh tốt, đa dạng chủng loại đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Mô hình trồng rau, quả sạch của cựu chiến binh Lê Xuân Hoan, xã Mường Ảng.
Khi kinh tế dần ổn định, ông Hoan tiếp tục đầu tư nuôi gà đẻ trứng theo hướng an toàn sinh học.
“Rau thì tôi trồng vừa để ăn, vừa bán cho mấy đầu mối quen. Gà thì nuôi theo hướng an toàn sinh học, chọn thức ăn kỹ lắm để đảm bảo sạch, chất lượng. Mỗi ngày đàn gà đẻ được cả trăm quả trứng, bán cho bà con quanh đây với mấy cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn” - ông Hoan cho biết.
Với khí phách của người lính Cụ Hồ, trở về cuộc sống thời bình, bằng tinh thần trách nhiệm, nhiều cựu chiến binh như ông Quang, ông Hoan đã và đang không ngừng phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong mọi điều kiện và hoàn cảnh, trở thành điển hình tiên tiến trên nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhiều thương binh, bệnh binh còn trở thành điểm sáng ở địa phương bằng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thống kê của Hội Cựu chiến binh, toàn tỉnh hiện có trên 30 doanh nghiệp, 12 hợp tác xã do hội viên cựu chiến binh làm chủ với thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm; gần 600 trang trại, gia trại trong đó trên 50% thu nhập lãi từ 100 - 400 triệu đồng/năm. Đặc biệt, số hộ khá, giàu trong hội viên toàn tỉnh chiếm gần 40%. Cũng trong 5 năm qua, từ sự hỗ trợ của các cấp hội cựu chiến binh, đã có trên 500 hộ hội viên thoát nghèo.

Với phẩm chất người lính Cụ Hồ, mỗi cựu chiến binh là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo.
Tiên phong trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hàng năm các cấp hội cựu chiến binh trong tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động giáo dục truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng, cách mạng cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, qua từng giai đoạn cụ thể, các cấp hội luôn quán triệt, thực hiện nghiêm và có hiệu quả nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy, chủ động phối hợp tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, quốc phòng - an ninh ở cơ sở. Các phong trào, như: “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; “Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; gìn giữ an ninh trật tự ở cơ sở, các hoạt động từ thiện, nhân đạo, “Đền ơn, đáp nghĩa”… cũng được hội viên cựu chiến binh các cấp trong tỉnh tích cực triển khai và hưởng ứng mạnh mẽ. Qua đó, góp phần xây dựng đời sống mới, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Khó khăn không thể làm mờ ý chí, thương tật không thể khuất phục tinh thần. Những người lính trở về từ nhiệm vụ cao cả năm xưa hôm nay đang viết tiếp trang sử đẹp bằng hành động cụ thể trong thời bình: Làm kinh tế giỏi, sống trách nhiệm, nghĩa tình; đồng thời là chỗ dựa tinh thần cho thế hệ trẻ noi theo.
Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/hoc-va-lam-theo-loi-bac/khat-vong-vuon